Lập nghiệp từ cây thanh long
Ông Võ Huy Hoàng kể về ngày quyết định lập công ty cách đây 14 năm, khi đó vùng đất Bình Thuận quê ông nổi tiếng với đặc sản trái thanh long.
“Thời điểm năm 2000, trái thanh long rất có giá trị, nhà nhà làm thanh long, người người làm thanh long. Nhưng việc xuất bán chỉ loanh quanh trong nước, chứ ít được xuất khẩu. Tôi đã tự hỏi, tại sao mình không tìm hướng đi mới cho trái thanh long của quê mình bằng việc tìm hướng xuất khẩu nó. Nghĩ là làm. Năm 2002, tôi gom góp được số vốn 20 triệu đồng rồi vay thêm để lập Công ty Rau quả Bình Thuận”, ông Hoàng chia sẻ.
Để đạt mục đích xuất khẩu trái thanh long, ông đầu tư một bộ máy tính để lên mạng tìm kiếm thị trường, bên cạnh đó, mang những trái thanh long đẹp nhất, chất lượng nhất của mình đi giới thiệu tại các hội chợ trong nước. Cũng từ những trang web trên mạng, ông Hoàng tìm được một khách hàng đầu tiên tại Malaysia và bay sang đó gặp đối tác. Vậy là, đơn hàng 20 tấn thanh long Bình Thuận của ông Hoàng được xuất đi, cũng từ đơn hàng trên, tới nay đã có hàng ngàn đơn hàng thanh long được ông Hoàng xuất khẩu qua thị trường này.
Ngay sau đơn hàng đầu tiên xuất khẩu, ông Hoàng cho biết, mình đã nắm chắc phần thắng và sẽ phải tìm kiếm những thị trường mới, nhưng để đảm bảo số lượng hàng tốt thì phải có vùng nguyên liệu chuẩn. Vậy là, ông đầu tư xây dựng một vườn thanh long rộng 20 ha, đồng thời, tự đi đến các vườn thanh long ở huyện Hàm Thuận Nam thu mua, phân loại và tìm đầu mối tiêu thụ. Bên cạnh đó, việc đầu tư trang thiết bị, máy móc để kiểm soát chất lượng trái cây cũng được người đàn ông 50 tuổi này nghĩ đến. Hàng lô máy móc hiện đại nhất thời điểm đó được mua về để kiểm soát chất lượng, đóng gói trái cây. “Sau những chuyến đi tới thị trường Singapore, Hồng Kông, Đài Loan để chào hàng và tìm đối tác, tôi lại có những đơn hàng mới, bởi với thị trường lúc bấy giờ, thanh long rất có giá trị và xuất khẩu rất dễ. Tôi lựa chọn những trái tốt nhất xuất khẩu đi các nước để quảng bá trái thanh long Bình Thuận”, ông Hoàng nói.
Trong những chuyến đi mở rộng thị trường đó, ngoài việc tìm kiếm khách hàng, ông Hoàng cũng tìm kiếm những loại trái cây mới của các nước về Việt Nam tìm hiểu nhu cầu thị trường. Thế rồi, ông quyết định nhập hàng loạt trái cây các nước như nho, cherry… về nước và tìm tới các kênh bán lẻ như siêu thị, cửa hàng hoa quả, chợ đầu mối phân phối lại.
Sau những thuận lợi, thị trường thanh long tỉnh Bình Thuận xuất hiện những khó khăn, tình trạng trái cây bị nấm bệnh xuất hiện, có những đơn hàng xuất khẩu, nhưng khách hàng trả về gây thiệt hại lớn. Ông Hoàng lại một lần nữa quyết định đầu tư xây dựng trang trại trồng thanh long theo Tiêu chuẩn Global GAP, làm kho lạnh bảo quản sản phẩm liên tục... Với ý nghĩ: “Khi mình đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của họ, thì mình sẽ gắn bó được lâu dài với họ và dù có những thị trường xuất khẩu bền vững rồi, tôi vẫn phải biết mở rộng thị trường cùng khách hàng mới qua hội chợ triển lãm trái cây trong và ngoài nước”.
Nhờ suy nghĩ này, mà trong danh sách xuất hàng đi của Công ty Rau quả Bình Thuận hiện nay đã có thêm các nước Tây Á, Indonesia, Thái Lan, Hà Lan, Canada. Ngoài trái thanh long, ông Hoàng còn đặt mua khoai lang giống Nhật từ Tây Nguyên về sơ chế để xuất khẩu, cũng như xuất nhập khẩu thêm nhiều mặt hàng trái cây, rau củ quả khác, “mùa nào thức ấy”. Công việc thuận lợi, nguồn lao động của công ty ông cũng tăng nhanh, từ vài công nhân ở thời điểm mới thành lập, hiện lên tới gần 300 lao động làm việc ổn định.
Vào Đảng ở tuổi 48
48 tuổi, ông Võ Huy Hoàng được đứng trong hàng ngũ những người Cộng sản. Đó là năm 2014, một năm sau khi Ban Tổ chức trung ương Đảng ban hành Hướng dẫn số 17 thực hiện thí điểm việc kết nạp những người là chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng, nhằm củng cố và nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp tư nhân.
Ông cũng là chủ doanh nghiệp tư nhân đầu tiên của Bình Thuận được kết nạp Đảng. Với ông, mọi việc hơn cả một giấc mơ. “Tôi đã mơ được trở thành đảng viên từ khi còn trẻ. Lúc đó, đơn giản nghĩ là tuổi trẻ cần phải sống có lý tưởng, tôi nhìn thấy lý tưởng của mình trong những đảng viên xung quanh tôi, những người có trách nhiệm, gương mẫu từ chính nơi tôi sống. Nhưng đành mơ thôi, vì tôi là chủ doanh nghiệp tư nhân. Tới năm 2013, khi tỉnh Bình Thuận có chủ trương kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng, tôi viết đơn ngay”, ông Hoàng kể.
Trong lá đơn gửi tới Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh Bình Thuận, ông Hoàng đã viết: “Muốn đứng trong hàng ngũ của Đảng để phát triển mạnh hơn đội ngũ đảng viên trong doanh nghiệp, cam kết sẽ có trách nhiệm phụng sự nhân dân, phục vụ sự phát triển đất nước... Thề sẽ sống có trách nhiệm với doanh nghiệp, với người lao động, với cộng đồng...”.
Việc ông Hoàng xin vào Đảng với Bình Thuận cũng là một sự kiện. Ông Phùng Hữu Cư, Bí thư Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh Bình Thuận kể lại, việc phát triển Đảng trong khối doanh nghiệp tư nhân là thực hiện theo Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 9/12/2011 của Bộ Chính trị (khóa XI) với chủ trương “Thí điểm việc kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng”. “Ông Võ Huy Hoàng được kết nạp vào Đảng là một sự cân nhắc hết sức kỹ lưỡng. Đây là một doanh nhânthành đạt, mang lại công ăn, việc làm cho nhiều lao động trong tỉnh cũng như quảng bá được sản phẩm đặc sản thanh long của tỉnh ra thế giới. Đồng thời, ông cũng tự nguyện xin vào Đảng và qua xét lý lịch đảng viên đã đạt tất cả những điều kiện cần và đủ từ tư cách đạo đức tới lý tưởng sống”, ông Cư cho biết thêm.
Ông Võ Huy Hoàng đã và đang làm tốt những điều đã hứa với Đảng. Công ty chưa lớn, mới có khoảng 300 lao động, nhưng đời sống của 300 con người này, với hàng trăm gia đình này luôn được xác định là trọng tâm trong hoạt động của ông mỗi ngày. Rồi những lô hàng nông sản xuất đi đảm bảo chất lượng, với ông đó không chỉ tạo uy tín, doanh thu cho Công ty, mà còn để góp phần làm thay đổi đời sống bà con nông dân.
“Đảng đã nói sẽ chăm lo đời sống cho nhân dân. Tôi đang làm theo chỉ dẫn đó”, ông Hoàng nói. Đặc biệt, ngay sau khi trở thành đảng viên, ông Hoàng thành lập ngay Chi bộ đảng với các đảng viên nòng cốt đang làm việc tại công ty. Hai nhân viên trẻ tuổi, có trách nhiệm, có nhiệt huyết được Chi bộ gửi đi học cảm tình Đảng và đề nghị kết nạp Đảng. Hiện giờ, ông Hoàng còn được bầu làm Bí thư chi bộ Đảng Khối doanh nghiệp tư nhân. Có 2 chủ doanh nghiệp được kết nạp Đảng sau ông. Chi bộ mới có 3 đảng viên, theo ông, con số này là quá nhỏ so với 2.300 doanh nghiệp của Bình Thuận và so với những mong muốn của chính các doanh nhân.
“Tôi chắc chắn là các doanh nhân đều có lòng yêu nước và phục vụ nhân dân. Họ đều mang trên mình trách nhiệm với doanh nghiệp, với người lao động, với xã hội. Nếu tập hợp được những con người này vào hàng ngũ của Đảng, để họ thấy rõ hơn con đường của lý tưởng, của ý thức trách nhiệm thì sức mạnh của họ sẽ nhân lên, sức mạnh của tổ chức Đảng cũng sẽ nhân lên, lan tỏa mạnh mẽ hơn. Rất cần nhiều chủ doanh nghiệp tư nhân là đảng viên. Nhưng để làm được, phải coi trọng công tác tuyên truyền trong các doanh nghiệp thấu hiểu phấn đấu theo con đường mà Đảng và Bác đã lựa chọn”, ông Hoàng nói.
Liên hệ quảng cáo: 0918 043 403 - toasoan@dnvnnews.com
Bản quyền của DOANH NHÂN VIỆT NAM