Chính Trị - Xã Hội

Từ lá đơn “kể tội”Carina bàn về trách nhiệm đền dân sau cháy

Vụ cháy ở Carina là một sự kiện đau lòng. Nhưng khi nước mắt và sự tiếc thương đã qua đi thì đây là lúc để tỉnh táo để quy kết trách nhiệm cho những ai có lỗi, cốt là để một thảm kịch tương tự không bao giờ xảy ra.

Ngay sau vụ cháy, người dân chứng kiến sự quyết liệt, tích cực của các cơ quan Nhà nước trong công tác PCCC ở các khu chung cư. Đích thân vị phó chủ tịch Quận 1 Đoàn Ngọc Hải cũng vào cuộc và tia hy vọng mới lại ánh lên xuất phát từ sự cương nghị, bộc trực của ông.

Tất cả đều là những tín hiệu đáng quý, nhưng giá như nó đã diễn ra sớm hơn chỉ 10 ngày thôi. Những gì đang diễn ra sau vụ cháy Carina sẽ còn khiến nhiều cơ quan Nhà nước đau đầu. Không nỗ lực, không sự quyết liệt nào có thể bù đắp cho những tổn thất của vụ cháy và cũng không có gì có thể giúp những người có liên quan chối bỏ được trách nhiệm.

Cháy trung cư,cháy trung tâm thương mại
Ngay sau vụ cháy, nhiều sự thật được “phanh phui” về những tòa chung cư không đảm bảo quy định PCCC.

Từ lá đơn “kể tội” Carina của Sở Xây Dựng TPHCM

Sở Xây Dựng TPHCM không thể chối bỏ trách nhiệm quản lý hoạt động xây dựng (bao gồm cả việc phối hợp với cảnh sát PCCC quản lý các hạng mục PCCC) chỉ bằng lời "kể tội" chủ đầu tư Carina.[1] Từ tháng 6 năm 2012 đến nay, Sở Xây Dựng TPHCM thừa nhận vẫn chưa nhận được văn bản nghiệm thu PCCC theo quy định[2], vậy mà vì lý do gì Carina vẫn tồn tại?

Đặc biêt, cũng theo chính văn bản giải trình này, kể từ tháng 10 năm 2015, cư dân Carina đã gửi đơn lên cho Sở này để đề nghị thanh tra những sai phạm của chủ đầu tư dự án. Vậy mà đã gần 3 năm kể từ khi cư dân Carina cầu cứu đến họ, điều duy nhất Sở này làm là yêu cầu Quận 8 báo cáo và tiếp tục không có hành động gì tiếp theo sau 2 năm kể từ báo cáo đó.

Như vậy, trách nhiệm về việc không hành động, bất chấp những dấu hiệu sai phạm, những tố cáo có cơ sở của cư dân Carina, sẽ thuộc về ai trong Sở Xây Dựng? Và việc kể tội Carina lúc này liệu có phải là cách làm đúng đắn thay cho việc đứng ra nhận trách nhiệm?

Đến 22 lần kiểm tra PCCC

Trách nhiệm của lực lượng PCCC cũng phải được làm rõ. Trước tiên, cũng phải ghi nhận sự dũng cảm và tinh thần lăn xả của các chiến sĩ PCCC có mặt đầu tiên tại Carina. Nhưng bên cạnh việc tôn vinh lòng dũng cảm quên mình của các chiến sĩ, chúng ta cũng phải tỉnh táo nhìn vào trách nhiệm của lực lượng này, những người theo nghĩa vụ phải thanh, kiểm tra chung cư Carina.

22 lần kiểm tra từ năm 2012, 4 lần xử lý vi phạm hành chính vì 7 lỗi.[3] Cho đến tận lần kiểm tra cuối cùng vào tháng 12 năm 2017, lực lượng PCCC cũng chỉ phát hiện một lỗi là máy bơm không hoạt động. Vậy thì tại sao hệ thống báo cháy không hoạt động vào thời điểm xảy ra vụ cháy? Câu hỏi đó khi trả lời chúng ta có tính đến trách nhiệm của lực lượng PCCC hay không?

Đó là chưa kể đến việc trách nhiệm thanh, kiểm tra của PCCC có lẽ cũng đã không được thực hiện triệt để ở Carina. Ngay tại hiện trường vụ cháy, chủ tịch TPHCM bức xúc cho rằng: "Trong khi PCCC quận 8 báo cáo cho tôi là mỗi năm kiểm tra 2 lần, vì sao có kiểm tra mà hệ thống báo cháy lại không hoạt động, phải làm rõ" (theo Tuổi Trẻ). Còn Quyền giám đốc Công an PCCC TPHCM thì nói: "Trước đây mỗi năm kiểm tra PCCC 4 lần. Nhưng từ khi có quy định của Chính phủ hạn chế việc kiểm tra phiền hà doanh nghiệp, mỗi năm chỉ còn một lần kiểm tra." (theo Tuổi Trẻ).

Tuy nhiên, nếu đối chiếu vào quy định pháp luật thì kể cả thanh tra 2 lần/năm như Quận 8 thông báo cho chủ tịch TPHCM hay 1 lần/năm như cách hiểu “quy định của Chính phủ” thì cũng là không đúng.

Nghị định 79/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định thi hành Luật PCCC, Điều 19.2.c có đoạn: "Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy có trách nhiệm kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy định kỳ hàng quý đối với các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ và phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy". Tức là với những cơ sở này phải kiểm tra 4 lần/năm.

Danh mục các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ bao gồm: "9. Nhà chung cư; nhà đa năng, khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ cao từ 05 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 5.000 m3 trở lên." (Phụ lục 2, Nghị định 79). Nghị định 79 cho đến nay vẫn chưa bị bãi bỏ. Vậy tại sao báo cáo của PCCC quận 8 là kiểm tra mỗi năm 2 chung cư Carina lại không bị đánh dấu hỏi?

Từ tháng 5 năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Chỉ thị 20 về việc giảm thiểu việc thanh, kiểm tra các doanh nghiệp, trong đó có đoạn: "Khi xây dựng, phê duyệt kế hoạch thanh tra hàng năm không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra quá 01 lần/năm đối với doanh nghiệp"

Thực tế, chỉ thị không phải là 1 văn bản quy phạm pháp luật theo Luật Ban hành VBQPPL, và do đó nếu nó mâu thuẫn với nghị định 79 thì phải áp dụng nghị định 79. Vậy nếu lực lượng PCCC chỉ làm theo Chỉ thị 20 mà bỏ qua các quy định của Nghị định 79 thì đó là hành vi vi phạm pháp luật và cần phải quy trách nhiệm.

Và những biện pháp khắc phục trời ơi

Ngay sau vụ cháy, nhiều sự thật được “phanh phui” về những tòa chung cư không đảm bảo quy định PCCC. Qua đó, người ta mới giựt mình khi thấy nguy hiểm cứ nhan nhản khắp nơi, có khi lại ở ngay chính căn nhà mình đang sống. Chỉ riêng Hà Nội đã có thể liệt kê 17 chung cư không đạt chuẩn PCCC.

Vậy biện pháp sắp tới sẽ là gì? Phải quyết liệt hơn nữa. Nhưng đáng tiếc thay, có vẻ những quyết liệt đó lại đang gây hại cho chính người dân. Một cách làm thông thường như sự việc ở New Horizon City đó là cơ quan Nhà nước “ngưng cấp hộ khẩu”[4] cho cư dân, bất chấp việc biện pháp này không có quy định trong Luật cư trú và Luật cư trú cũng nói rõ là không được lợi dụng việc cấp hộ khẩu để gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.

Ở một số nơi khác, ví dụ như Hà Nội, nhiều sở ban ngành tuyên bố sẽ ngừng cung cấp điện, nước cho tòa nhà, bất kể đã có người sinh sống hay chưa. Nhiều chung cư được các sở linh động giải quyết bằng cách…hạ chuẩn PCCC xuống.

Rốt cuộc thì những biện pháp như vậy chỉ làm hại đến người dân mà thôi.

Biện pháp rốt ráo là gì?

Điều người dân mong mỏi bây giờ không chỉ là sự an toàn sinh sống, mà cao hơn cả đó là lòng tin. Vạch trần tội lỗi của những đơn vị biết chắc đã vi phạm không giải quyết được câu chuyện lòng tin. Hạ chuẩn PCCC để giúp doanh nghiệp tháo gỡ càng gây nên sự nghi ngờ. Ngưng cấp hộ khẩu hay cúp điện, nước thì người chịu thiệt đầu tiên sẽ là cư dân.

Việc giải quyết thật ra không phải là khó, bởi vì chúng ta hoàn toàn có đầy đủ quy định và chế tài để xử lý. Ai cũng hiểu rằng đơn giản hóa thủ tục cho doanh nghiệp là một cách để phát triển kinh tế, nhưng điều đó không có nghĩa là ta đánh đổi sự an toàn của người dân.

Thanh, kiểm tra gây phiền hà cho doanh nghiệp thì cách giải quyết là phải làm sao để nó không phiền hà nữa bằng cách loại bỏ những kẻ lợi dụng hoạt động này để nhũng nhiễu doanh nghiệp, chứ không phải bằng cách là không kiểm tra nữa. Còn xử phạt vi phạm hành chính mà vẫn chưa khiến vi phạm được tháo gỡ thì cũng đừng quên rằng Nhà nước luôn có một biện pháp xử lý cứng rắn nhất với mọi kẻ vi phạm đó chính là khởi tố hình sự. Không thực hiện được những gì mà pháp luật trao cho mình, chính bản thân cơ quan Nhà nước sẽ phải bị xử lý chứ không thể đơn giản là đổ hết sang cho doanh nghiệp để thoát trách nhiệm.

Vì chúng ta không được phép quên rằng, những thủ tục mà ta đang gọi là “phiền hà”, những quy định mà ta đang cho là “khó khăn”, những buổi diễn tập “mất thời gian”, hay những hạng mục làm tăng chi phí cho công trình không phải từ trên trời rơi xuống mà đó chính là kết quả của một bài học đầy nước mắt của ITC ngay chính thành phố Hồ Chí Minh chỉ 16 năm về trước.

Lê Nguyễn Duy Hậu

Bình luận





Tin cùng danh mục
Độc lạ những căn nhà Việt có hàng rào được ốp bằng iPhone và tivi
Cựu Tổng thống Pháp Valéry Giscard d’Estaing qua đời
Trump: “Tôi sẽ không thay đổi quan điểm về kết quả bầu cử trong 6 tháng nữa”
Thêm 2 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng tại Quảng Ngãi, Đà Nẵng

Liên hệ quảng cáo: 0918 043 403 - toasoan@dnvnnews.com

Bản quyền của DOANH NHÂN VIỆT NAM