Theo đó, dự án được chia làm 2 đoạn do 4 nhà đầu tư thực hiện. Cụ thể, đoạn từ đường Phạm Văn Chí, quận 6 đến đường Tạ Quang Bửu, quận 8 do liên danh Công ty TNHH dịch vụ thương mại sản xuất xây dựng Đông Mê Kông và Tổng công ty 319 đầu tư. Đoạn này sẽ xây một cầu vượt qua kênh Tàu Hũ, kênh Đôi với tổng số vốn 2.605 tỷ đồng, trong đó đền bù giải phóng mặt bằng là 925 tỷ đồng.
Do dự án được đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) nên chính quyền TP.HCM cho phép nhà đầu tư được thanh toán 40% chi phí thực hiện dự án bằng khai thác các khu đất thuộc phường 6, 14, 15 (quận 8) và các khu đất khác nếu chưa đủ cân đối, số còn lại 60% là từ ngân sách thành phố.
Đoạn thứ 2 từ đường Tạ Quang Bửu (quận 8) đến đường Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh) với chiều dài gần 1,9 km sẽ do liên danh Công ty cổ phần Licogi 16 và Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Bình Chánh đầu tư với tổng số vốn 903,6 tỉ đồng, trong đó giải phóng mặt bằng khoảng 200 tỷ đồng. Đoạn này nhà đầu tư thu hồi vốn bằng hình thức khai thác các khu đất dọc tuyến cầu đường Bình Tiên và một số khu đất khác.
Được biết, Dự án cầu đường Bình Tiên, đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý ủy quyền cho TP.HCM quyết định lựa chọn nhà đầu tư từ năm 2010. Tuy nhiên, do khó bố trí ngân sách để giải phóng mặt bằng và tạo quỹ đất để thanh toán cho nhà đầu tư nên dự án chưa thể triển khai được.
Theo thiết kế, cầu Bình Tiên (bao gồm cả đường dẫn) có chiều dài khoảng 3.200 m, rộng 30-40 m, với 4 làn xe trên tuyến chính và các đường hai bên. Điểm đầu kết nối với đường Phạm Văn Chí, quận 6, băng qua đại lộ Đông - Tây, kênh Tàu Hủ, kênh Đôi (quận 8) và điểm cuối kết nối với đường Nguyễn Văn Linh tại vị trí cách Quốc lộ 50 hiện hữu khoảng 600 mét về phía cầu Bà Lớn trên địa bàn huyện Bình Chánh.
Đăng Khải
Theo Trí thức trẻ
Liên hệ quảng cáo: 0918 043 403 - toasoan@dnvnnews.com
Bản quyền của DOANH NHÂN VIỆT NAM