Chiều 16/5, Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP HCM chuyển giao nhiệm vụ quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông.
Ban Quản lý này được thành lập năm 2018, theo quyết định của UBND thành phố trên cơ sở tách chức năng quản lý dự án về giao thông của các Khu quản lý giao thông đô thị số 1, 2, 3, 4; Khu quản lý đường thủy nội địa và sáp nhập Ban quản lý dự án nạo vét luồng Soài Rạp (giai đoạn 2) trực thuộc Sở GTVT.
Đây cũng là đơn vị từng được giao làm chủ đầu tư 5 dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 3 tỷ USD như: đại lộ Đông Tây; cải thiện môi trường nước thành phố các giai đoạn 1, 2, 3; nút giao An Phú - kết nối với cao tốc Long Thành - Dầu Giây; phát triển giao thông xanh; xây dựng điều khiển giao thông thành phố.
Ông Lương Minh Phúc (trái) tiếp nhận các dự án từ Giám đốc Sở GTVT TP HCM. Ảnh: Phương Thảo. |
Như vậy, ngoài các dự án nhận bàn giao từ các khu thuộc Sở GTVT cùng các dự án tầm cỡ đang quản lý, Ban Quản lý các công trình giao thông được xem là "siêu ban" ở TP HCM với khối lượng và số lượng dự án khổng lồ. Ban có 264 cán bộ nhân viên nhưng tổng số dự án được tiếp nhận bàn giao là 409 (tổng số vốn kế hoạch được giao là hơn 4.200 tỷ đồng).
Giám đốc Ban quản lý, ông Lương Minh Phúc cho biết, năm nay đơn vị tiếp tục thi công 112 dự án (trong đó 25 dự án sẽ hoàn thành), khởi công 26 dự án, chuẩn bị đầu tư 57 dự án. Đồng thời, Ban sẽ sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư, giải ngân đạt tỷ lệ trên 98% nguồn vốn kế hoạch được giao.
Cụ thể là tập trung đảm bảo tiến độ các nhóm dự án giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông quanh sân bay Tân Sơn Nhất và cảng Cát Lái; các dự án ở nội thành và cửa ngõ, khép kín đường vành đai 2, vành đai 3 và các đường cao tốc...
Ban quản lý cũng từng bước xây dựng thành đơn vị chuyên nghiệp, hiệu quả, đóng góp vào quá trình xây dựng, phát triển hệ thống hạ tầng giao thông thành phố và các chương trình đột phá, đề án đô thị thông minh, xây dựng khu đô thị sáng tạo phía Đông.
Theo cơ chế mới, các vấn đề vướng mắc liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng tại các công trình được Ban quản lý trình lên UBND TP HCM thay vì trước đây phải trình theo các cấp. Do vậy, các vấn đề vướng mắc sẽ được giải quyết nhanh gọn.
Về phía Sở GTVT, sau khi chuyển giao các dự án, Sở sẽ tập trung vào công tác quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực xây dựng giao thông, trong đó có các dự án do Ban giao thông làm chủ đầu tư.
Hữu Nguyên
Liên hệ quảng cáo: 0918 043 403 - toasoan@dnvnnews.com
Bản quyền của DOANH NHÂN VIỆT NAM