Chị T.Đ.T (24 tuổi ở quận Đống Đa, Hà Nội) thời gian gần đây thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, 1 tháng chị sụt tới 2kg. Trong 3 tháng liên tục chị T theo dõi thấy mình sụt tới 6kg, mệt mỏi tăng. Lo sợ mắc bệnh nan y cho nên chị T đã đi khám.
Kết quả xét nghiệm máu tĩnh mạch cho thấy: Glucose: 16,5 mmol/l (bình thường từ 3,9 – 6,4 mmol/l lúc đói); HbA1c: 13,4% (bình thường 4,2 - 6,4%).
Sau khi, được bác sĩ chuyên khoa thăm khám chị T được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường type 2, khiến chị T không khỏi giật mình. Bời vì, trước nay chị T, vẫn luôn nghĩ rằng căn bệnh này thường mắc ở người lớn tuổi nhiều hơn.
BS.CKI Nguyễn Quang Minh, Trưởng Khoa Khám Bệnh, Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho biết, 2 chỉ số Glucose và HbA1c quan trọng giúp chẩn đoán đái tháo đường type 2.
BS đang khám cho bệnh nhân trẻ tuổi mắc đái tháo đường.
Bệnh đái tháo đường type 2 trước kia thường gặp ở những người ngoài 40 tuổi. Những năm gần đây, bệnh có xu hướng trẻ hóa, rất nhiều 20-30 tuổi đã mắc bệnh.
"Người mắc đái tháo đường nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm về tim mạch, thận, thần kinh, mắt, giảm sức đề kháng dễ nhiễm trùng…", bác sĩ Minh nói.
Theo bác sĩ Minh, nhóm người có nguy cơ mắc bệnh cao gồm: Người làm việc văn phòng, lối sống ít vận động, thường xuyên ăn đồ ăn nhanh; Béo phì; Người có tiền sử đã có bệnh tăng huyết áp hoặc rối loạn chuyển hóa lipid; Người có tiền sử gia đình có người mắc đái tháo đường.
Triệu chứng điển hình của bệnh đái tháo đường
- Liên tục thấy khát nước: Người bệnh luôn cảm thấy khát nước, uống nhiều.
- Đi tiểu nhiều, thấy kiến bâu quanh nước tiểu: Người bệnh đi tiểu nhiều hơn bình thường 3 - 5 lần vào ban ngày và ban đêm.
- Sụt cân bất thường: Người bệnh sụt cân nhiều trong thời gian ngắn khi không áp dụng biện pháp giảm cân hay ăn kiêng.
- Đói và mệt mỏi: Thường xuyên cảm thấy đói, ăn nhiều nhưng cân giảm và mệt mỏi.
Bác sĩ Minh khuyến cáo, khi có một trong những triệu chứng trên cần đi khám bệnh sớm. Người bệnh cần xét nghiệm máu để chẩn đoán xác định bệnh đái tháo đường.
Người chưa mắc bệnh đái tháo đường cần đi kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện nguy cơ, để có thể phòng bệnh.
Khi đã có chẩn đoán đái tháo đường, người bệnh cần cần tuân thủ các nguyên tắc kiểm soát và phòng ngừng bệnh như sau:
Chế độ ăn uống: Không nên ăn đường, đồ ngọt, hạn chế tinh bột và các loại hoa quả sấy khô… Tăng ăn rau xanh, trái cây. Chọn trái cây có chỉ số GI thấp và tránh nước ép trái cây.
Kiểm soát cân nặng: Duy trì cân nặng trong ngưỡng bình thường tính theo chỉ số BMI (18 – 22) bằng cách rèn luyện thể thao kết hợp chế độ ăn uống hợp lý.
Duy trì thuốc điều độ: Bệnh nhân mắc đái tháo đường phải tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ.
Khám theo hẹn của bác sĩ: để theo dõi bệnh, điều chỉnh chế độ sinh hoạt, điều chỉnh thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Những ai nên tầm soát đái tháo đường kể cả chưa có triệu chứng
- Tuổi ngoài 40 tuổi
- Tiền sử gia đình có người mắc tiểu đường
- Tiền sử đái tháo đường thai kỳ
- Tăng huyết áp
- Rối loạn chuyển hóa lipid
- Ít hoạt động thể chất gây béo phì …
Theo Trithuctre
Liên hệ quảng cáo: 0918 043 403 - toasoan@dnvnnews.com
Bản quyền của DOANH NHÂN VIỆT NAM