Vài ngày qua, dự án tọa lạc tại khu đất số 8-12 Lê Duẩn (diện tích 4.896 m2) có 3 mặt tiền tiếp giáp các tuyến phố trung tâm quận 1 đang trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý của giới đầu tư bất động sản vì lộ sai sót trong quá trình chuyển nhượng.
Thanh tra Chính phủ vừa công bố kết luận thanh tra việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng khách sạn cao cấp, thương mại, dịch vụ, căn hộ cho thuê tại số 8-12 Lê Duẩn kèm đề xuất thu hồi dự án này. Lý do thu hồi là việc chuyển nhượng dự án trái với chủ trương của thành phố, đồng thời trái pháp luật về đấu thầu dự án, đấu giá quyền sử dụng đất. Thanh tra Chính phủ đề xuất thu hồi để tổ chức đấu giá dự án này.
Kết luận thanh tra đề cập chi tiết đến quá trình chuyển nhượng khu đất số 8-12 Lê Duẩn giữa các bên có liên quan. Từ năm 2007 trở về trước, dự án được giao cho Công ty quản lý Kinh doanh nhà TP HCM quản lý và đơn vị này cho 4 đơn vị thuộc Bộ Công Thương thuê làm trụ sở là Công ty cổ phần Thiết bị phụ tùng Sài Gòn, Công ty cổ phần Kim khí Thành phố, Công ty cổ phần Hóa chất vật liệu điện TP và Công ty cổ phần Vận tải xăng dầu.
Từ năm 2007 trở đi, UBND TP HCM có chủ trương sử dụng khu đất 8-12 Lê Duẩn xây dựng khách sạn tiêu chuẩn 5 sao và một phần trung tâm thương mại; giao Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh nhà TP HCM thu hồi và quản lý mặt bằng trong thời gian chuẩn bị đầu tư xây dựng dự án.
Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM cũng được giao chủ trì phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành các nước đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư, tham mưu cho UBND thành phố quyết định lựa chọn chủ đầu tư có uy tín, có kinh nghiệm trong lĩnh vực khách sạn để đầu tư vào khu đất số 8-12 Lê Duẩn, không áp dụng hình thức liên doanh.
Tuy nhiên, theo đề nghị của Bộ Công Thương và sau nhiều lần thay đổi về chủ trương và phương thức đầu tư, năm 2010, UBND TP HCM đã đồng ý về phương án thành lập Công ty cổ phần để thực hiện dự án trên. Các cổ đông sáng lập và tỷ lệ vốn góp như sau: Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh nhà TP HCM giữ tỷ lệ vốn góp là 50% và 50% còn lại do 4 công ty thuộc Bộ Công Thương, mỗi công ty góp 12,5%.
Khu đất vàng Lê Duẩn giữa lòng quận 1, TP HCM. Ảnh: Như Quỳnh |
Chỉ trong vòng 2 tháng sau đó, dự án trên khu đất vàng này đã bán 80% cổ phần cho doanh nghiệp tư nhân một cách nhanh chóng. Cụ thể, ngày 6/8/2010, Công ty TNHH Một thành viên Hoa Tháng Năm có văn bản gửi Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP HCM đề nghị được hợp tác đầu tư thực hiện dự án. Trên cơ sở đề nghị này, Công ty Quản lý kinh doanh nhà thành phố có công văn đề nghị UBND TP HCM cho phép Công ty Hoa Tháng Năm được tham gia hợp tác đầu tư 30% vốn góp trong phần tỷ lệ vốn góp 50%.
Ngày 17/8/2010, UBND TP.HCM có thông báo chấp thuận đề xuất trên. Tại biên bản làm việc với Thanh tra TP HCM ngày 8/4/2013, Công ty TNHH MTV Hoa Tháng Năm xác nhận từ ngày thành lập đến nay chưa tham gia bất cứ dự án nào, về năng lực tài chính cũng không cơ quan nào thẩm định và kết luận công ty này có năng lực về tài chính.
Ngày 20/8/2010, 4 công ty thuộc Bộ Công Thương (sau này là cổ đông sáng lập Công ty CP đầu tư Lavenue) đã ký thoả thuận nguyên tắc với Công ty TNHH Đầu tư Kinh Đô (nay là Công ty TNHH Đầu tư Kido).
4 công ty thuộc Bộ Công Thương (bên A) đồng ý chuyển nhượng và Công ty TNHH Đầu tư Kinh Đô (bên B) đồng ý nhận chuyển nhượng quyền đầu tư phát triển dự án trên khu đất thông qua hợp đồng chuyển nhượng.
Nhằm thực hiện thoả thuận trên, ngày 15/9/2010, bốn công ty trên đã ký hợp đồng vay vốn của Công ty TNHH đầu tư Kinh Đô với khoản vay của mỗi đơn vị có trị giá 12,5 tỷ đồng để góp đủ số vốn cổ đông sáng lập thành lập Lavenue, tương ứng 12,5% vốn điều lệ mỗi công ty.
Như vậy, từ tháng 8 đến tháng 9/2010, quyền phát triển dự án trên khu đất vàng Lê Duẩn đã nhanh chóng được chuyển nhượng cho hai doanh nghiệp tư nhân nắm giữ tổng cộng 80% vốn điều lệ Công ty CP đầu tư Lavenue. Đáng chú ý là 2 đơn vị này đều không có nhiều kinh nghiệm phát triển các dự án bất động sản thương mại, dịch vụ.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất cuối tháng 12/2017 của Kido, doanh nghiệp nắm giữ 50% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần Đầu tư Laevenue với giá trị vốn góp được ghi nhận là 1.072 tỷ đồng. Trong báo cáo này, Lavenue được xếp vào nhóm công ty liên doanh đồng kiểm soát của Kido.
Tuy nhiên, bản thân Kido cũng tự vạch ra kế hoạch giảm những ngành không phải giá trị cốt lõi. Tại Đại hội cổ đông thường niên của doanh nghiệp diễn ra tháng 6/2017, Phó tổng giám đốc Nguyễn Thị Xuân Liễu trình bày với cổ đông phương án thay đổi giấy phép đăng ký kinh doanh, trong đó ghi giảm một số ngành nghề như kinh doanh bất động sản, xây dựng công trình dân dụng…
Trong khi đó, Công ty Hoa Tháng Năm thành lập đầu tháng 4/2010, do bà Lê Thị Thanh Thúy làm Chủ tịch. Bà Thúy đồng thời giữ chức tương tự tại Lavenue. Theo chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Hoa Tháng Năm chỉ có ba nhân viên, đặt trụ sở tại quấn 1 (TP HCM) và hoạt động chính trong lĩnh vực bất động sản.
Nếu căn cứ vào thời gian thành lập tháng 4/2010, công ty này được đề xuất triển khai dự án trên đất vàng tháng 8/2010, tức chỉ sau 4 tháng xuất hiện trên thị trường. Hơn nữa, công ty này chưa từng có kinh nghiệm trong hoạt động kinh doanh bất động sản.
Đến tháng 6/2011, Công ty CP Đầu tư Lavenue được UBND TP HCM chấp thuận cho sử dụng toàn bộ khu đất trên để đầu tư xây dựng khách sạn cao cấp, thương mại dịch vụ, căn hộ cho thuê với thời hạn sử dụng đất là 50 năm. Hình thức sử dụng đất là Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất đối với khu đất tại số 8 Lê Duẩn và Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê hàng năm đối với khu đất số 12 Lê Duẩn.
Trong đó, giá trị quyền sử dụng đất và giá trị công trình xây dựng trên đất tại số 8 Lê Duẩn (3.433 m2), theo giá trị trường là hơn 621,7 tỷ đồng. Đơn giá thuê đất tại số 12 Lê Duẩn theo giá thị trường là hơn 3,5 triệu đồng mỗi m2 một năm.
Theo chứng thư thẩm định giá số 97 và 98 năm 2011 của Công ty CP Tư vấn dịch vụ về tài sản bất động sản DATC, đơn giá quyền sử dụng đất gần 175 triệu đồng mỗi m2.
Sau đó, Sở Tài chính TP HCM đã tiến hành thẩm định giá lại kết quả của đơn vị tư vấn, đơn giá quyền sử dụng đất của khu đất số 8 Lê Duẩn là gần 177 triệu đồng mỗi m2. Cao hơn đơn giá quyền sử dụng đất do đơn vị tư vấn trình là gần 2 triệu đồng mỗi m2. Đơn giá cho thuê đất trả tiền hàng năm của khu đất số 12 Lê Duẩn là 3,53 triệu đồng mỗi m2 một năm.
Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ cho rằng để phản ánh đúng giá trị quyền sử dụng khu đất số 8-12 đường Lê Duẩn với những lợi thế nêu trên, cần thiết phải áp dụng đơn giá cho thuê thương mại, dịch vụ và khách sạn cao cấp cao hơn đơn giá Sở Tài chính đề xuất và trình UBND TP HCM phê duyệt.
Trong phần kiến nghị, Thanh tra Chính phủ cho rằng, hiện nay giá đất tại khu vực đường Lê Duẩn khu trung tâm thành phố có giá trên 400 triệu đồng mỗi m2. Mức giá này dựa vào kết quả trúng đấu giá đất tại khu đất số 23 Lê Duẩn trước đó là Trung tâm Xổ số Kiến thiết TP HCM (2 mặt tiền) có diện tích 3.020 m2 giá trúng đấu giá là 1.430 tỷ đồng, tương đương 470 triệu đồng mỗi m2. Nếu đấu giá khu đất 8-12 Lê Duẩn có vị trí tốt (3 mặt tiền) với diện tích 4.896m2 sẽ thu về trên 2.000 tỷ đồng.
Việc thực hiện sai trái nhằm chuyển dịch tài sản hai khu đất có vụ trí trung tâm đang thuộc quyền quản lý sử dụng của nhà nước sang cho tư nhân với giá rẻ là không đúng quy định. Do vậy, cơ quan thanh tra đã kiến nghị thu hồi toàn bộ (4.896 m2) để đấu giá theo quy định và bồi thường cho nhà đầu tư.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, UBDN TP HCM đã có nhiều chỉ đạo không đúng với chính chủ trương ban đầu. Việc Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh nhà đề xuất và được UBND TP HCM cho phép Hoa Tháng Năm góp 30% vốn điều lệ, đồng thời giảm tỷ lệ vốn góp của Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh nhà tại Lavenue từ 50% xuống còn 20% thực chất là chuyển dịch quyền sử dụng đất tại vị trí trung tâm nhất của thành phố từ doanh nghiệp nhà nước sang cho các doanh nghiệp ngoài nhà nước. Việc làm này trái với chính chủ trương của UBND TP, đồng thời trái pháp luật về đấu thầu dự án, đấu giá quyền sử dụng đất.
Trước đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và Công ty TNHH MTV quản lý kinh doanh nhà TP HCM không thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND TP HCM tại Thông báo số 933, dẫn đến việc 4 công ty thuộc Bộ Công Thương đã chuyển nhượng quyền đầu tư phát triển dự án, qua đó thu lợi 50 tỷ đồng mỗi công ty.
Thêm vào đó, khi làm việc với các sở ngành nói trên, các sở đều phản ánh không có thời gian để có văn bản tham mưu gửi UBND thành phố. Các sở chưa kịp thực hiện thì lãnh đạo thành phố đã có văn bản chấp thuận hoặc phê duyệt chủ trương cho các doanh nghiệp.
Thanh tra Chính phủ khẳng định những sai phạm của UBND TP HCM và các sở, ngành và các doanh nghiệp liên quan có dấu hiệu của việc cố ý làm trái quy định của nhà nước cần phải được xử lý trách nhiệm một cách nghiêm túc.
Trung Tín - Phương Đông
Liên hệ quảng cáo: 0918 043 403 - toasoan@dnvnnews.com
Bản quyền của DOANH NHÂN VIỆT NAM