Câu chuyện doanh nhân

TGĐ Acecook VN: 25 năm "giải oan" cho mì ăn liền

Năm 1992, lần đầu tiên đặt chân đến Việt Nam, ông Kajiwara Junichi - Tổng giám đốc Công ty CP Acecook Việt Nam đã cảm thấy yêu ngay đất nước này và "xung phong" sang Việt Nam làm việc rồi... ở luôn. Ông nói: "Việt Nam đã cho tôi rất nhiều thứ: hạnh phúc, sự nghiệp, thêm con, có cháu, được niềm tin của nhiều người tiêu dùng".

Trong tất cả cái "có được" ấy sau nhiều năm gắn bó với Việt Nam, ông Kajiwara cho rằng "Hạnh phúc lớn nhất là cả gia đình tôi đều rất yêu đất nước này, thích cuộc sống ở đây và đã chọn Việt Nam làm quê hương thứ hai. Đặc biệt, tôi có con dâu Việt Nam và hai đứa cháu nội rất đáng yêu".

* Như ông nói, khi mới sang Việt Nam, nhiều thứ chưa được tiện nghi, kinh doanh thì gặp không ít rào cản nhưng vì sao ông vẫn xung phong nhận nhiệm vụ sang Việt Nam làm việc?

- Năm 1992, ở Việt Nam, phương tiện đi lại cũng khó khăn, không có chuyến bay thẳng giữa hai nước nên phải quá cảnh Hồng Kông, từ Tokyo đến TP.HCM mất cả một ngày. Khi bước chân xuống máy bay, cảm giác đầu tiên của tôi như đang từ một thế giới này bước sang một thế giới khác. TP.HCM khi ấy là một thành phố nhộn nhịp và rất đông người.

Phương tiện di chuyển chủ yếu là xích lô, xe đạp, nối nhau trên những con đường nhỏ, hẹp, ít đèn xanh, đèn đỏ. Và cũng chưa có siêu thị, trung tâm thương mại, hàng hóa chưa phong phú, đa dạng. Một cuộc sống quá náo nhiệt, có vẻ không theo trật tự và còn nghèo, nhưng lại mang đến cảm giác rất lạ và mới mẻ cho những khách phương xa lần đầu đặt chân đến.

Đặc biệt, những con người tôi bắt gặp trên phố luôn thân thiện và hình như ai cũng lạc quan, dường như ai cũng có niềm tin vào một tương lai đổi mới và tươi sáng. Lúc đó, tôi liên tưởng đến Nhật Bản sau chiến tranh, cũng khó khăn, thiếu thốn như Việt Nam thời điểm này nên hy vọng chẳng bao lâu nữa, Việt Nam sẽ thay đổi và cũng nhanh chóng lớn mạnh như Nhật Bản.

Cũng những năm này, thị trường thực phẩm Việt Nam còn rất đơn điệu, nhất là thị trường mì ăn liền. Vì thế, tôi mong muốn làm được một điều gì đó có ích cho đất nước mà tôi có tình cảm đặc biệt này. Tôi nghĩ, nếu đem được các loại mì ăn liền của Nhật Bản đến Việt Nam thì người dân ở đây sẽ được hưởng lợi từ những sản phẩm chất lượng và có thêm nhiều lựa chọn.

Nghĩ đơn giản vậy nhưng để đi đến quyết định đầu tư và có được kết quả như hôm nay, tôi phải cân nhắc kỹ. Sau nhiều năm, dù có nhiều khó khăn không nhớ hết, nhưng Acecook Việt Nam đã cho tôi nhiều trải nghiệm, thử thách và cũng mang lại nhiều thành công trên bước đường sự nghiệp. Giờ đây, tôi tự hào về những gì làm được và hạnh phúc vì mong muốn đã thành hiện thực.

Gần 25 năm kinh doanh tại Việt Nam, Acecook có rất nhiều bằng khen, đó là tự hào của cả tập thể nhưng niềm vui đó không bằng niềm vui mỗi khi vào siêu thị, ra chợ, tôi được nghe nhiều người nói "mì Acecook ngon". Nếu cho ngược dòng thời gian để làm lại, tôi cũng vẫn nghĩ thế và làm thế. Bởi đó là một quyết định đúng.

* Ông đã rút ra bài học gì sau 25 năm kinh doanh ở Việt Nam?

- Từ giấc mơ đến việc hiện thực hóa là cả một hành trình tìm ra hướng đi và hoạch định chiến lược. Thử thách lớn nhất mà chúng tôi phải trải qua trong thời gian đầu là hương vị sản phẩm và giá cả của gói mì Acecook. Cả hai yếu tố này khiến Acecook phải vượt qua rất nhiều thử thách và đây cũng là bài học cho các doanh nghiệp khi muốn thâm nhập vào một thị trường mới, đó là sự kết hợp giữa thế mạnh của doanh nghiệp với thế mạnh của nhân sự bản địa.

Khi bắt đầu hoạt động tại Việt Nam, chúng tôi xác định yếu tố quyết định thành công của một sản phẩm thực phẩm là khẩu vị. Muốn sản phẩm được thị trường đón nhận thì hương vị phải phù hợp với khẩu vị người địa phương. Vì vậy, Acecook không áp đặt công thức, hương vị của Nhật để sản xuất mì gói tại Việt Nam mà "trao nhiệm vụ” này cho bộ phận chuyên môn người Việt quyết định, nhưng kỹ thuật sản xuất là của Nhật.

Chính sự kết hợp này đã tạo ra các sản phẩm mang chất lượng Nhật Bản nhưng khẩu vị Việt Nam. Do Acecook ứng dụng công nghệ và sử dụng nguyên liệu của Nhật Bản nên giá thành cao, trong khi giá mì gói chung trên thị trường Việt Nam lúc đó chỉ tầm 600 - 700 đồng/gói thì mì của Acecook có giá 1.800 - 2.000 đồng, nên đầu ra chậm và không thể bán với số lượng lớn.

Do đó, việc cân bằng giá cho phù hợp thị trường là bài toán khó giải. Đáp số tôi đưa ra là phải tìm cách tiết giảm chi phí chứ không giảm chất lượng. Tôi đã tìm đến các nhà cung cấp nguyên liệu tại Nhật Bản, nhờ họ tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật miễn phí cho các nhà cung cấp Việt Nam, mặt khác chúng tôi cũng hỗ trợ một phần trong việc nâng cấp một số thiết bị, máy móc, hệ thống nhà máy theo chuẩn của Acecook.

Sau 5 năm thực hiện và chuyển đổi, đến năm 2000, chúng tôi cũng đã có được những nhà cung cấp nguyên liệu trong nước tốt, đáp ứng nhu cầu và bắt đầu cân bằng về giá với thị trường.

Thời điểm Acecook vừa cân bằng được giá và đưa ra mì Hảo Hảo tôm chua cay cũng đúng lúc truyền hình ở Việt Nam đã phổ biến nên chúng tôi quảng cáo mạnh, được nhiều người xem, sản phẩm bán rất chạy, chúng tôi phải mở thêm nhà máy.

Acecook còn góp phần tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh, tác động đến các công ty khác trong lĩnh vực này để họ cùng thay đổi và làm tốt hơn. Thực tế có nhiều công ty đã luôn "nhìn theo" Acecook để nghiên cứu sản phẩm, cải tiến, nâng cao chất lượng. Điều này đã tạo ra bộ mặt mới cho thị trường mì ăn liền Việt Nam, từ đó nâng tổng nhu cầu mì ăn liền trước đây chỉ từ 1,2 tỷ gói/năm lên 4,8 - 5 tỷ gói/năm như hiện nay.

* Thị trường mì ăn liền có cạnh tranh gay gắt, trong khi nhu cầu đang sụt giảm. Ông bình luận gì về tình trạng này?

- Cũng có không ít doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh. Năm 2006, mì Hảo Hảo bị làm nhái. Bên cạnh đó còn xuất hiện kiểu cạnh tranh nói xấu sản phẩm của nhau. Chẳng hạn, Công ty A khi ra sản phẩm mới đã tung ra quảng cáo cho rằng sản phẩm của họ dùng dầu tốt để chiên hoặc không dùng màu nên sợi mì trắng, nhưng thực tế, các loại mì có màu sậm là do bí quyết tẩm ướp gia vị cho ngon hơn, hấp dẫn hơn.

Áp lực của thị trường và cạnh tranh lành mạnh sẽ làm cho ngành hàng phát triển tốt hơn, doanh nghiệp lớn mạnh hơn. Cạnh tranh để làm giả, làm nhái sản phẩm tốt, đánh lừa người tiêu dùng hay làm cho người tiêu dùng hoang mang thì rất tai hại. 

Bởi, khi gây ra tâm lý lo ngại cho người dùng, đưa ra nhiều thông tin sai lệch, thậm chí nhũng nhiễu thì cách lựa chọn tốt nhất của người tiêu dùng là không dùng nữa, kéo theo sức mua giảm, tổng nhu cầu thị trường giảm sút. Thị trường mì ăn liền hai năm qua liên tục giảm. Năm 2013 Việt Nam tiêu thụ 5,2 tỷ gói mì, năm 2014 giảm xuống còn 5 tỷ gói và 2015 còn 4,8 tỷ gói.

Vì vậy, nhiệm vụ quan trọng số 1 của chúng tôi bây giờ là phải cung cấp thông tin đúng cho Bộ Y tế, các trung tâm dinh dưỡng, cơ quan truyền thông để giúp người tiêu dùng hiểu đúng về mì ăn liền và không còn lo lắng nữa.

Bởi với thực phẩm, nếu không tin mà phải ăn thì sẽ không thấy ngon. Khi người dùng không cảm thấy loại thực phẩm nào đó ngon thì nhà sản xuất có tâm huyết cũng mất đi nguồn cảm hứng sáng tạo và niềm hạnh phúc.

* Để các doanh nghiệp Việt Nam có "sân chơi" công bằng, theo ông, Luật Cạnh tranh Việt Nam cần phải thay đổi điều gì?

- Việt Nam đã ban hành rất nhiều bộ luật về kinh tế và cũng có nhiều thay đổi rất cấp tiến và kịp thời. Tuy nhiên, Việt Nam còn rất nhiều tiêu chuẩn đặc thù, không theo quốc tế. Vì vậy, để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư, làm ăn và tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, Việt Nam cần áp dụng tiêu chuẩn toàn cầu vào vận hành bộ máy quản lý.

Đơn cử, trong Luật Quảng cáo và Cạnh tranh thì tại Nhật đã cấm tuyệt đối mọi hình thức quảng cáo gây hiểu nhầm cho người dùng, nhưng tại Việt Nam vẫn xuất hiện những quảng cáo gây hiểu nhầm.

* Theo ông, sau công nghệ, sản phẩm, chiến lược bán hàng đóng góp bao nhiêu phần trăm cho thành công của một sản phẩm?

- Thách thức lớn nhất của một sản phẩm là đầu ra và sự trở lại của khách hàng. Vậy nên bên cạnh nhiều chiến lược tổng hòa thì chiến lược bán hàng quyết định 50% thành công của một sản phẩm. Khi đi trước đối thủ một bước trong chiến lược bán hàng, đồng nghĩa bạn đã bỏ lại đối thủ một đoạn khá xa.

Vào thời điểm năm 1990, khi Việt Nam vẫn còn tư duy bán hàng theo kiểu phân bổ, người mua cần hàng hóa hơn người bán, đa số các công ty, phòng kinh doanh chỉ ngồi tại chỗ phân bổ sản phẩm cho đại lý, cửa hàng chứ không phải chạy theo doanh số như bây giờ thì chúng tôi đã chú trọng việc đào tạo nhân viên bán hàng, xây dựng hệ thống bán hàng, nhà phân phối, nhân viên bán hàng xuống tận các cửa hàng, đại lý để chăm sóc, hỗ trợ bán hàng, trao đổi thông tin trên tinh thần nhà sản xuất cung cấp sản phẩm, cửa hàng, đại lý cung cấp nguyện vọng của họ, của khách hàng và thông tin của thị trường.

Hiện nay, cách làm ấy đã trở nên bình thường nhưng thời điểm đầu những năm 1990 thì rất ít doanh nghiệp quan tâm. Đó cũng là một phần làm nên thành công của chúng tôi.

* Triết lý Kaizen đã được áp dụng rộng rãi và thành công tại các công ty trong hơn 50 năm qua, đóng góp lớn vào sự phát triển của từng doanh nghiệp cũng như nền kinh tế Nhật Bản. Tinh thần này đã được áp dụng tại Acecook như thế nào, thưa ông?

- Trong cuốn sách Kaizen: Chìa khóa thành công của người Nhật, Kaizen được định nghĩa là cải tiến. Triết lý của Kaizen chủ yếu tập trung vào cải tiến và quản trị chất lượng sản phẩm, song mục tiêu cuối cùng là phục vụ khách hàng, gia tăng lợi ích sản phẩm để tối đa hóa sự hài lòng của khách hàng và người hưởng lợi cuối cùng chính là khách hàng, nên bất cứ hoạt động nào không nâng cao giá trị của sản phẩm và sự thỏa mãn của khách hàng thì đều bị loại bỏ.

Ở Acecook, triết lý Kaizen chính là sự gắn kết nhân viên để cùng nhau nghiên cứu, cải tiến, phát triển sản phẩm, lôi cuốn con người từ sự nhiệt tâm không ngừng tạo ra sự khác biệt, hoàn thiện mọi thứ. Triết lý đó đã giúp cho con người trở nên tự giác và ai cũng ý thức phải tự quản trị mình, nếu mình làm chưa tốt thì phải tìm ra điều chưa tốt để cải tiến.

Ở Nhật, tinh thần làm việc đội nhóm rất cao nên triết lý Kaizen không khó thực hiện, nhưng tại Việt Nam thì nhiều người còn quen cách làm việc riêng lẻ nên tinh thần làm việc chung chưa thấm nhuần vào từng người. Trong cải tiến, tôi quan niệm không phải cái gì của mình cũng tốt, vì vậy, chúng tôi sẵn sàng học hỏi cái mới, cái hay của các công ty bạn và tạo ra cái khác biệt, cải tiến theo cách làm riêng của mình. Ngay cả khi thành công tôi cũng luôn nghĩ đến việc cải tiến để hôm nay phải khác hôm qua.

* Ông thường tự hào rằng quãng thời gian làm việc tại Việt Nam đã cho ông sự nghiệp thành công, có nghĩa là trọng trách của ông đã hoàn thành?

- Năm nay tôi đã 60 tuổi, hơn 40 năm đi làm và Acecook chính là nơi tôi thành công. Sự nghiệp của tôi là ở Acecook. Vì vậy, một khi người tiêu dùng còn hiểu sai về các loại mì ăn liền do Acecook sản xuất, còn hoài nghi về sự an toàn của nó thì tôi cảm thấy chưa tròn trách nhiệm.

Nhiệm vụ của tôi trong năm nay và những năm tới là sẽ tiếp tục truyền tải thông tin đúng đắn đến người tiêu dùng để nâng giá trị ngành hàng mì ăn liền song song với việc nâng cao chất lượng sản phẩm sợi gạo, miến và tăng cường xuất khẩu, tiếp tục triển khai các hoạt động vì cộng đồng.

* Cám ơn ông về những chia sẻ rất cởi mở!

LỮ Ý NHI (DNSG)

Bình luận





Tin cùng danh mục
Đại sứ nhân ái Huỳnh Thị Kim Ngọc - người đàn bà thép của An Giang
Doanh nhân Trương Công Bảo, Giám đốc điều hành Bảo Lân Textile: Nhắm đến giá trị bền vững cho cộng đồng
Doanh nhân Nguyễn Văn Hùng, Tổng giám đốc Công ty Viễn Phú: Xây dựng nền móng phát triển nông nghiệp hữu cơ
Thương hiệu mỹ phẩm Lenabena của Công ty TNHH LENACOS vinh dự đón nhận giải thưởng “Top 12 Thương Hiệu Mạnh Quốc Gia 2024”

Liên hệ quảng cáo: 0918 043 403 - toasoan@dnvnnews.com

Bản quyền của DOANH NHÂN VIỆT NAM