Nhận định nêu trên được ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đưa ra tại họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội 9 tháng, sáng 29/9.
Theo đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III đạt 6,4%. Tính chung 9 tháng tăng trưởng kinh tế đạt 5,93%, thấp hơn mức 6,53% cùng kỳ 2015. Trong mức tăng chung, nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 0,65%; công nghiệp và xây dựng tăng 7,5% và dịch vụ là 6,66%.
Sản lượng thuỷ sản khai thác 9 tháng đạt hơn 233.000 tấn, tăng 2,9% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, sự cố môi trường biển do Formosa gây ra tại 4 tỉnh miền Trung được đánh giá là đã ảnh hưởng một phần tới mức tăng chung của ngành thuỷ sản, nông nghiệp và tác động tới GDP 9 tháng.
Ngư dân phải tạm dừng đánh bắt ở vùng ven bờ, nên sản lượng khai thác thuỷ sản các địa phương giảm mạnh, bình quân trên 20%. Cụ thể, sản lượng khai thác thuỷ sản của Hà Tĩnh giảm 14,4%; Quảng Bình mất 13,4%; Quảng Trị hạ 27,1% và Thừa Thiên - Huế là 23,9%...
"Khai thác thuỷ sản tại 4 tỉnh miền Trung không làm giảm toàn bộ khai thác thuỷ sản cả nước vì còn có đóng góp từ nhiều vùng, miền khác. Tuy nhiên, sự việc này khiến ngành thuỷ sản nói riêng, nông nghiệp nói chung giảm và làm giảm GDP. Mức độ ảnh hưởng này là lâu dài, chứ không phải trước mắt", ông Lâm chia sẻ với VnExpress.
Sự cố cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung do Formosa gây nên hồi tháng 4 đã gây ảnh hưởng và làm tốc độ GDP 9 tháng tăng chậm lại. |
Mức tăng GDP 9 tháng tăng thấp hơn cùng kỳ, nguyên nhân chủ yếu được lý giải là ngành công nghiệp khai khoáng giảm và nông nghiệp tăng thấp. Bình luận thêm, ông Hà Quang Tuyến - Vụ trưởng Vụ Thống kê tài khoản quốc gia cho rằng, xu hướng tăng trưởng vẫn là GDP quý sau cao hơn quý trước, độ doãng giữa các quý cao hơn cùng kỳ 2015. Cụ thể, GDP quý III/2016 có mức tăng 6,4%, cao hơn 0,62 điểm phần trăm so với quý II.
Có mức giảm lớn nhất trong số các ngành, lĩnh vực phải kể tới khai khoáng, khi 9 tháng giảm tới 3,6%, làm giảm 0,28 điểm phần trăm GDP. “Giá dầu thô giảm, khai thác than gặp khó khăn trong tiêu thụ… đã khiến ngành khai khoáng sụt giảm mạnh”, lãnh đạo Tổng cục Thống kê cắt nghĩa.
Xuất siêu toàn nền kinh tế trong kỳ đạt 2,76 tỷ USD, nhưng nếu cộng với mức tăng dịch vụ tính trong GDP thì Việt Nam lại nhập siêu, đã làm tăng trưởng giảm 1,9 điểm. Dù vậy, ông Tuyến vẫn lạc quan GDP sẽ có tăng trưởng bứt phá trong quý IV/2016.
"Ngành khai khoáng giảm mạnh đã phá vỡ quan điểm lâu nay rằng tăng trưởng GDP chỉ dựa vào khai thác tài nguyên, thiên nhiên. Đây là bài học, kinh nghiệm để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh các lĩnh vực khác", ông Tuyến nói.
Từ đầu năm, cả nước có hơn 81.450 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 629.100 tỷ đồng, tăng 19,2% về số doanh nghiệp và 49,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ 2015.
Bình luận về việc Ngân hàng châu Á (ADB) vừa đưa ra dự báo hạ mức tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2016 xuống 6%, ông Tuyến cho hay, ADB đưa ra con số này khi phân tích dựa trên các dữ liệu 6 tháng đầu năm.
"Nửa đầu năm 2016 GDP cả nước có chững lại, nhưng quý III đã có mức tăng và dự báo quý IV sẽ bứt phá, nên GDP cả năm sẽ khác con số mà ADB đưa ra", vị này nói, nhưng cũng thừa nhận tăng trưởng kinh tế năm nay sẽ khó đạt mục tiêu 6,7%. "GDP năm 2016 sẽ thấp hơn mức mục tiêu đề ra. Tỷ lệ tăng cụ thể bao nhiêu còn phụ thuộc vào ngành khai thác dầu thô", ông Tuyến chia sẻ.
Liên hệ quảng cáo: 0918 043 403 - toasoan@dnvnnews.com
Bản quyền của DOANH NHÂN VIỆT NAM