Kinh Doanh

Tăng giá liên tục, xăng đắt thêm 2.200 đồng, vượt đỉnh 22 ngàn/lít

Tính đến nay, giá xăng đã trải qua 19 lần điều chỉnh, trong đó có 11 lần giữ nguyên, 6 lần tăng, và 2 lần giảm. Từ năm 2019 thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu lên kịch khung sẽ tạo thêm áp lực lên giá xăng dầu trong nước.

Giá xăng E5 từ đầu năm đến hết tháng 8 khá yên ả khi nhiều lần giữ nguyên. Nhưng từ đầu tháng 9 trở lại đây, giá xăng không ngừng tăng lên. Lý do là giá dầu thế giới cũng có bước tăng đột biến.

Trong 6 lần tăng, giá xăng đã tăng tổng cộng 2.732 đồng/lít. Ba kỳ điều hành gần nhất (từ 6/9 đến 6/10) giá xăng đều tăng, với mức tăng lên tới 1.295 đồng/lít. Kỳ điều hành vào ngày 6/10 vừa qua là đợt giá xăng tăng mạnh nhất từ đầu năm.

Tăng giá liên tục, xăng đắt thêm 2.200 đồng, vượt đỉnh 22 ngàn/lít
Giá xăng đang tăng mạnh.

Sức ép tăng giá xăng dầu trong nước đã khiến Liên bộ Công Thương - Tài chính phải xả mạnh Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Những kỳ điều hành gần đây, liên bộ đã phải xả quỹ bình ổn giá với xăng lên tới hơn 1.500 đồng/lít.

Trong hai lần giảm giá từ đầu năm đến nay, thì giá xăng giảm tổng cộng là 661 đồng.

Như vậy, tính cả lần tăng giá và giảm giá từ đầu năm đến nay, giá xăng đã tăng thêm 2.071 đồng/lít.

Còn xăng RON 95, với 3 lần tăng giá liên tiếp thì giá xăng cũng đã tăng thêm 1.170 đồng/lít. Hiện giá xăng RON 95 đã vượt 22.340 đồng/lít. Trong khi đó vào đầu tháng 1/2018 giá xăng RON 95 mới chỉ 20.090 đồng - 20.290 đồng/lít. Như vậy, giá xăng RON 95 từ đầu năm đến nay cũng đã tăng 2.200 - 2.250 đồng/lít.

Thời gian gần đây, giá dầu thế giới liên tục tăng. Giá dầu mỏ thế giới đã tăng khoảng 10% so với mức thấp vào giữa tháng 8/2018. Nguyên nhân chính đẩy giá dầu mỏ thế giới tăng lên mức cao nhất trong hai tháng qua là việc OPEC khước từ đề nghị của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc hành động nhanh chóng để giảm giá dầu mỏ, đồng thời cho biết, tổ chức này chỉ tăng sản lượng khi khách hàng yêu cầu.

Thậm chí, OPEC và các nước sản xuất khác đã nhất trí ngừng cam kết tăng thêm sản lượng khai thác dầu thô tại cuộc gặp của tổ chức này với Saudi Arabia diễn ra hôm 23/9 tại Algeria, bởi nhận thấy nguồn cung đang tốt.

Hiện các nhà đầu tiếp tục chú ý tới nguy cơ nguồn cung toàn cầu bị gián đoạn trong thời gian tới khi lệnh trừng phạt Iran chuẩn bị có hiệu lực. Điều này sẽ tác động mạnh đến giá xăng dầu vốn đang ở mức cao.

Iran, quốc gia xuất khẩu dầu thô lớn thứ 3 OPEC, đang đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nguồn cung do lệnh trừng phạt của Mỹ. Từ đầu năm tới nay, nước này cung cấp trung bình 2,5 triệu thùng dầu/ngày, tương đương 2,5% lượng dầu tiêu thụ trên toàn cầu.

Các chuyên gia ước tính rằng con số này có thể giảm xuống còn 1,5 triệu thùng/ngày ngay sau khi lệnh cấm này có hiệu lực. Mỹ đang tạo áp lực lên các nước ngưng nhập khẩu dầu từ Iran. Kết thúc phiên giao dịch hôm thứ Sáu (5/10), trên Sàn giao dịch Liên lục địa London, giá dầu Brent giao tháng 12 giảm 0,58% xuống 84,09 USD/thùng. Giá dầu WTI tăng lên 74,34 USD/thùng.

Tính chung trong tuần qua, giá dầu Brent và dầu WTI tăng lần lượt 1,7% và 1,5%. và hiện đang ở ngưỡng đỉnh 4 năm.

Từ 1/1/2019, giá xăng dầu trong nước còn chịu thêm áp lực từ việc tăng thuế bảo vệ môi trường lên kịch khung. Theo đó, ngày 20/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận và biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu.

Cụ thể, thuế môi trường với xăng tăng thêm 1.000 đồng/lít, lên kịch khung 4.000 đồng.

Các mặt hàng dầu cũng đồng loạt tăng thuế môi trường. Dầu hoả sẽ chịu thuế môi trường 1.000 đồng một lít từ đầu năm sau, tăng 700 đồng so với hiện nay. Dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên kịch trần 2.000 đồng/lít.

Điều này sẽ tạo áp lực đáng kể lên giá xăng dầu trong nước năm 2019.

H.Duy     

Bình luận





Tin cùng danh mục
Nhận diện người đồng hành hiệu quả của start-up
Five Star Group tìm kiếm biểu tượng công trình mới cho TP. Vũng Tàu
Biệt thự Thảo Viên Villas: Món hời sinh lời khủng
Lấp đầy đơn hàng tỷ đô, xuất khẩu vào đà tăng tốc

Liên hệ quảng cáo: 0918 043 403 - toasoan@dnvnnews.com

Bản quyền của DOANH NHÂN VIỆT NAM