Thời sự

Sau phản ánh của Báo Người Lao Động: Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo ngăn chặn phá rừng

Liên quan đến các vụ phá rừng ở Lâm Đồng mà Báo Người Lao Động vừa phản ánh, ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết UBND tỉnh vừa có công văn chỉ đạo triển khai các biện pháp ngăn chặn

Theo công văn hỏa tốc được gửi đến các đơn vị chủ rừng; sở, ngành và các địa phương, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết thời gian qua, dù trung ương và tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng nhưng tình hình vi phạm pháp luật trên lĩnh vực này vẫn diễn biến phức tạp.

"Một số cơ quan chức năng, chính quyền sở tại và đơn vị chủ rừng chưa làm tròn trách nhiệm của mình, buông lỏng quản lý, để xảy ra nhiều vụ phá rừng, ken cây, lấn chiếm đất rừng, khai thác gỗ trái phép, làm thiệt hại tài nguyên rừng, gây bức xúc dư luận" - công văn do Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt ký khẳng định.

Sau phản ánh của Báo Người Lao Động: Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo ngăn chặn phá rừng - Ảnh 1.

Rừng bị phá tại Tiểu khu 270, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: ĐÌNH THI

Trước tình hình này, chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chủ tịch các huyện, TP và thủ trưởng các đơn vị chủ rừng phải đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác bảo vệ rừng. Các địa phương, đơn vị phải thực hiện nghiêm chính sách giao, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp. Không để xảy ra tình trạng lợi dụng chính sách để sang nhượng đất rừng trái phép. Kiên quyết không để xảy ra điểm nóng về tình trạng phá rừng, nhất là các vụ việc có yếu tố hình sự, chống người thi hành công vụ.

Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải chỉ đạo lực lượng kiểm lâm tăng cường tuần tra, giám sát công tác bảo vệ rừng, nhất là các địa bàn xảy ra nhiều vụ vi phạm pháp luật liên quan đến rừng. Kiên quyết xử lý nghiêm các vụ vi phạm; các cán bộ kiểm lâm lơ là, thiếu trách nhiệm để xảy ra phá rừng trên địa bàn mình quản lý.

Công văn cũng yêu cầu chủ tịch các huyện, TP chỉ đạo các phòng, ban và các đơn vị chủ rừng rà soát tất cả trường hợp vi phạm phá rừng, lấn chiếm đất đai trong thời gian 2 năm trở lại đây. Từ đó, cương quyết cưỡng chế, giải tỏa diện tích rừng bị phá, lấn chiếm để trồng lại. Đối với những diện tích rừng bị phá, lấn chiếm 2 năm về trước, phải kiên quyết yêu cầu trồng xen cây lâm nghiệp để phục hồi rừng. Trường hợp nào không thực hiện thì kiên quyết thu hồi để trồng lại rừng.

Đối với chủ rừng là các ban quản lý rừng, công ty lâm nghiệp phải phân công cụ thể cán bộ tuần tra, kiểm soát rừng. Không chấp nhận lý do đang sắp xếp, đổi mới phương thức hoạt động mà sao nhãng việc quản lý rừng, đất lâm nghiệp. Nếu để xảy ra phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trên địa bàn mình quản lý thì tổ chức, cá nhân đó phải chịu trách nhiệm.

 

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, chủ tịch huyện, TP hay xã nào để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước chủ tịch UBND tỉnh.

HỒNG ÁNH
Bình luận





Tin cùng danh mục
Phát triển Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ: Tư duy mới, lộ trình mới
Đồng Tâm Group khai trương trung tâm trưng bày, giới thiệu sản phẩm mới tại TP.HCM
Tìm một hướng đi trong quan hệ Việt - Úc
Tăng cường quan hệ đối tác toàn diện Hoa Kỳ - Việt Nam

Liên hệ quảng cáo: 0918 043 403 - toasoan@dnvnnews.com

Bản quyền của DOANH NHÂN VIỆT NAM