Thời sự

Phó ban Nội chính: 'Cuộc đấu tranh chống tham nhũng sẽ tiếp tục rực lửa'

Ông Nguyễn Thái Học cho hay 'tinh thần quyết liệt trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng sẽ được duy trì trong thời gian tới".

Ngày 13/11, thảo luận trên nghị trường về công tác phòng, chống tội phạm, ông Nguyễn Thái Học - Phó ban Nội chính Trung ương nhắc lại, cách đây vài năm, khi đánh giá về tình hình tham nhũng, văn kiện đại hội Đảng nhận định "vẫn còn nghiêm trọng, xảy ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành, thách thức nghiêm trọng đối với vai trò lãnh đạo của Đảng, đe dọa sự tồn vong của chế độ".

Theo ông, thời gian qua "cả hệ thống chính trị đã vào cuộc với tinh thần quyết liệt, khẩn trương, không có vùng cấm; làm rõ đến đâu, xử lý đến đó". 

"Tuy chỉ là kết quả bước đầu, còn nhiều việc phải làm nhưng với tinh thần nói đi đôi với làm, đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã trở thành phong trào, xu thế tất yếu. Báo cáo của Chính phủ đã nhận định: Tham nhũng đang được kìm chế, từng bước đẩy lùi và có chiều hướng thuyên giảm", ông Học nói.

Phó ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học. Ảnh: Trung tâm thông tin QH

Phó ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học. Ảnh: Trung tâm thông tin QH

Phó ban Nội chính Trung ương cho hay, tại cuộc họp thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng ngày 10/11, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng (Trưởng ban chỉ đạo) đã nêu một câu hỏi của cử tri. Đó là cử tri lo lắng tinh thần đấu tranh phòng, chống tham nhũng cao như hiện nay liệu có lắng xuống trong thời gian tới không?.

"Các thành viên thường trực Ban chỉ đạo cũng như tập thể Ban chỉ đạo đều khẳng định một tinh thần quyết tâm, quyết liệt trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thời gian tới tiếp tục duy trì và rất rực lửa", ông Học nhấn mạnh.

Đại biểu này nói thêm: "Khi người dân đã tin tưởng vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng thì tinh thần trên sẽ lan tỏa sâu rộng, Khi người dân có lòng tin, ủng hộ thì chúng ta sẽ có tất cả".

"Cần nêu gương những người đứng đầu liêm khiết"

Ông Nguyễn Minh Sơn - Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế đánh giá, "có lẽ năm 2018 là năm mà hoạt động phòng, chống tham nhũng gặt hái được nhiều kết quả tích cực nhất từ trước đến nay". 

Theo ông, muốn phòng ngừa tham nhũng thì việc xây dựng phẩm chất, đạo đức người cán bộ là điều quan trọng, cùng với đó "người thi hành nhiệm vụ chống tham nhũng mà vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này thì tội phải nặng hơn".

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương - Phó trưởng đoàn Quốc hội tỉnh Quảng Bình cho rằng, bên cạnh các giải pháp theo quy định pháp luật, các cấp có thẩm quyền cần khẩn trương triển khai chủ trương của Đảng về thực hiện nêu gương, nhất là ở cán bộ cấp cao.

"Đảng, Quốc hội, Chính phủ cần nêu gương những người đứng đầu liêm khiết. Làm sao để những người đứng đầu phải cam kết không tham nhũng, không để người thân lợi dụng vị trí công tác của mình để làm ăn bất chính", ông Phương nói.

Trước đó, trong báo cáo thẩm tra công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng trong thời gian qua có tăng, nhưng vẫn chưa tương xứng với các vụ việc, vụ án tham nhũng bị phát hiện, xử lý.

Theo bà, có dấu hiệu bỏ lọt việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng khi năm 2018, có 56 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng bị xử lý hoặc đang được xem xét xử lý, trong khi đó, có tới 472 bị cáo bị Tòa án xét xử về các tội danh tham nhũng.

Sáng mai 14/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2018.

Hoàng Thùy

Bình luận





Tin cùng danh mục
Phát triển Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ: Tư duy mới, lộ trình mới
Đồng Tâm Group khai trương trung tâm trưng bày, giới thiệu sản phẩm mới tại TP.HCM
Tìm một hướng đi trong quan hệ Việt - Úc
Tăng cường quan hệ đối tác toàn diện Hoa Kỳ - Việt Nam

Liên hệ quảng cáo: 0918 043 403 - toasoan@dnvnnews.com

Bản quyền của DOANH NHÂN VIỆT NAM