Doanh nhân Việt Nam

Phan Viết Phong, chủ chuỗi nhà hàng Ôbobun: Nâng tầm ẩm thực Việt trên đất Pháp

Sở hữu bằng tiến sỹ ngành hóa tại Pháp, nhưng Phan Viết Phong lại chọn theo nghiệp nhà hàng. Anh mong muốn đưa món bún bò nói riêng và ẩm thực Việt Nam nói chung tỏa sáng trên trường quốc tế.

Cách Việt Nam 10.000 km, anh Phan Viết Phong, chủ nhân chuỗi nhà hàng Ôbobun vẫn dành cho phóng viên Báo Đầu tư một buổi trò chuyện riêng, để chia sẻ về hành trình khởi nghiệp của mình.

Anh Phong cho hay, nhà hàng Việt ở nước ngoài thường bị gắn mác “Chinese food” (đồ ăn Trung Quốc), với hình ảnh kém chất lượng, giá rẻ. Món Việt không thể bán giá cao là điều đã ăn sâu vào tư duy của nhiều thế hệ kinh doanh ẩm thực Việt ở nước ngoài, khiến các chủ nhà hàng phải co kéo chi phí, giảm chất lượng món ăn. Phan Viết Phong luôn khao khát thay đổi điều đó.

“Tôi luôn mong muốn nâng tầm ẩm thực Việt, nâng tầm thương hiệu Việt. Ôbobun ra đời với sứ mệnh đó”, anh Phong khẳng định.

Ôbobun (đọc là “Ô bò bún”), là nhà hàng Việt đầu tiên tại Pháp chuyên về món salad bún bò xào (Bo Bun). Nhà hàng được thiết kế mang đậm nét văn hóa Việt Nam, lấy cảm hứng từ những chiếc nón lá, gắn liền với sự giản dị, chân thành của người Việt, văn hóa Việt.

Trước khó khăn, người Pháp thường chúc nhau “Bon courage” (kiên cường lên). Tôi thích cách tư duy này của người Pháp, vì khó khăn và thử thách lúc nào cũng có sẵn trong cuộc sống. Quan trọng là ý chí, nỗ lực và khả năng đối diện của chúng ta với khó khăn như thế nào mà thôi.

Phan Viết Phong, chủ chuỗi nhà hàng Ôbobun

Với phong cách bếp mở, khách hàng đến Ôbobun có thể chứng kiến toàn bộ quy trình chế biến, giúp khơi dậy đầy đủ 5 giác quan trước, trong và sau khi dùng bữa, đồng thời cũng thấy được sự minh bạch trong quy trình chế biến, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trong khi nhiều nhà hàng Việt tại Pháp vẫn kinh doanh theo hộ gia đình, thì Ôbobun hướng đến một thương hiệu quốc gia cho ẩm thực Việt tại Pháp, bằng cách xây dựng quy trình vận hành và cách tiếp cận chuyên nghiệp. Từ một cơ sở đầu tiên vào năm 2018, nhà hàng phát triển lên 4 cơ sở, tập trung tại TP. Grenoble và dự kiến phát triển rộng ra toàn nước Pháp trong tương lai.

Theo chia sẻ của anh Phan Viết Phong, Ôbobun là nhà hàng thuộc phong cách “fast-casual”, phục vụ nhanh. Khác với các chuỗi đồ ăn nhanh “fast food” thường bán các món đồ đông lạnh trong không gian hơi hướng công nghiệp, Ôbobun định vị mình là nhà hàng phục vụ nhanh, nhưng nấu và chế biến tại chỗ với nguyên liệu chất lượng cao, không gian cũng được thiết kế thân thiện với khách hàng.

Suốt gần một thập kỷ hoạt động, Ôbobun chỉ phục vụ thực khách một món ăn duy nhất là bún bò. Tuy nhiên, khi gọi món, khách hàng tự lựa chọn các nguyên liệu và “topping” ăn kèm như nem, bò, gà, tàu hũ, để hợp với khẩu vị.

“Chúng tôi tinh gọn thực đơn, để tối ưu quá trình vận hành. Khi vào quán, khách hàng cũng gọi món theo cách nhanh nhất có thể”, nhà sáng lập tiết lộ.

Tiến sỹ ngành hóa dấn thân khởi nghiệp nhà hàng

Sinh năm 1982, Phan Viết Phong sở hữu bằng tiến sỹ ngành hóa tại Pháp. Sau khi tốt nghiệp, anh từng có thời gian 5 năm làm cho hãng xe ô tô Renault. Tuy nhiên, vào năm 2015, Renault bắt đầu chuyển đổi mô hình kinh doanh, khiến nhiều nhân sự phải chuyển ngành, trong đó có Phong. Bản thân anh cũng đối mặt với biến cố gia đình bên Việt Nam, buộc anh phải suy nghĩ lại về con đường sự nghiệp của mình.

Tình cờ thời điểm này, khi đi thăm một người bạn đang kinh doanh nhà hàng tại Grenoble, anh biết bạn mình muốn sang nhượng lại cơ sở để nghỉ ngơi. Không vốn liếng, không kinh nghiệm, chỉ với lòng quyết tâm, anh Phong đã nhận sang nhượng nhà hàng và trả góp theo từng tháng.

Đến giờ, anh vẫn nhớ như in những ngày tháng khởi đầu. Để học việc, anh liên tục làm từ 6h sáng đến 10h đêm trong nhà hàng, từ thái thịt, cuốn nem, nấu nướng, cho đến phục vụ bàn, dọn vệ sinh.

“Sau 1 năm, quán không những không bị phá sản, mà còn tăng trưởng 30% doanh thu, bởi tôi mở thêm dịch vụ giao hàng tận nhà cho khách đặt đồ ăn. Cũng chỉ sau 1 năm, ngân hàng đã cho tôi vay toàn bộ số tiền tôi cần để trả hết nợ cho người bạn, chứ trước đó, tôi tìm đến 5 ngân hàng vay vốn, không nơi nào đồng ý”, anh Phong bồi hồi kể lại.

Thành công bước đầu khiến anh tự tin vào con đường kinh doanh. Anh tiếp tục vay thêm vốn để mua nhà hàng thứ hai, với tên gọi Ôbobun. Đây là một quán ăn Việt, đã kinh doanh khá thành công với món bún bò, nhưng người chủ không còn đam mê, nên quyết định sang nhượng để chuyển hướng nghề nghiệp.

Từ khi tiếp quản Ôbobun, anh cải tạo và mở rộng không gian nhà hàng, thuê kiến trúc sư thiết kế lại toàn bộ, tập trung phát triển bộ nhận diện thương hiệu, đồng thời mở thêm dịch vụ giao hàng tận nhà. Anh cũng thuê thêm nhân viên người Pháp và nhiều quốc tịch khác để tạo ra một văn hóa cởi mở, hòa nhập.

Cuối năm 2018, đầu năm 2019, Phan Viết Phong bán lại nhà hàng đầu tiên, để tập trung toàn bộ nguồn lực phát triển thương hiệu Ôbobun. “Tôi muốn Ôbobun là chuỗi ẩm thực Việt chuyên nghiệp đầu tiên có mặt trên khắp nước Pháp, đủ sức đứng chung trên một sân chơi chuyên nghiệp với những thương hiệu F&B có tiếng ở Pháp, mà tôi thường hay ví là hành trình nỗ lực tham gia worldcup của ẩm thực Việt”, chủ nhà hàng Ôbobun chia sẻ tâm huyết của mình.

Từ một cơ sở Ôbobun, Phan Viết Phong mở nhà hàng thứ hai, thứ ba, rồi thứ tư. Nếu so với nhiều chuỗi ẩm thực tại Việt Nam, anh Phong thừa nhận, tốc độ mở chuỗi của Ôbobun còn chậm. Một phần do quy định mở nhà hàng bên Pháp phức tạp hơn, nhưng một phần do anh muốn phát triển theo hướng bền vững. “Vừa làm, vừa tối ưu quy trình, để sau này mở nhanh và nhiều, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng ổn định, giữ được văn hóa cốt lõi của thương hiệu”, anh cho biết.

Dự kiến, đầu năm 2025, Ôbobun sẽ bắt đầu chuyển giao mô hình nhượng quyền với một đối tác của Pháp. Tuy nhiên, dù đi theo mô hình nhượng quyền, anh Phong xác định, trong vòng 1-2 năm tới, Ôbobun chỉ mở thêm một vài quán để kiện toàn bộ máy và dần dần tinh chỉnh mô hình.

Trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn so với giai đoạn trước đây, song ông chủ chuỗi nhà hàng Ôbobun luôn duy trì thái độ bình tĩnh, sẵn sàng chấp nhận và coi đó là một phần tất yếu trên hành trình kinh doanh của mình.

Theo Báo Đầu Tư 

Bình luận





Tin cùng danh mục
Lời cảm ơn chân thành từ Long Châu đến khách hàng vì đã đồng hành trên hành trình “Khỏe vẹn tròn”
CEO Nie Phạm : biểu tượng của sáng tạo và khát vọng trong ngành Yến sào
Lương Thị Thu Huyền, Đồng sáng lập, Giám đốc điều hành ECO Solutions: Vì một Việt Nam xanh hơn
Chủ tịch Tập đoàn TTC: "Thế hệ trẻ sẽ có sức bật tốt"

Liên hệ quảng cáo: 0918 043 403 - toasoan@dnvnnews.com

Bản quyền của DOANH NHÂN VIỆT NAM