Sáng 8/10, trao đổi với PV ông Nguyễn Văn Chính - Chủ tịch UBND xã Hòa Chính (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) cho hay: Ngày 5/10 vừa qua, UBND TP Hà Nội đã có văn bản đồng ý cho phép người dân ở thôn Phụ Chính được bán cây sưa từng được trả giá 100 tỷ đồng.
Theo ông Chính, văn bản đã được TP gửi về địa phương, tới đây, Chi cục Kiểm lâm - Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Hà Nội cùng UBND huyện sẽ về làm thủ tục cụ thể.
Theo ông Nguyễn Văn Chính, việc mua bán cây sưa 100 tỷ này nếu được TP đồng ý sẽ thực hiện theo hình thức đấu giá công khai.
"Người dân địa phương hết sức phấn khởi bởi đã xin phép bán từ rất lâu... Sau khi các cấp, các ngành chức năng làm việc cụ thể thì sẽ bàn đến các bước tiếp", ông Chính nói.
Trong khi đó trao đổi với PV, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng khẳng định nếu TP đồng ý thì cộng đồng cư dân hoàn toàn được phép bán cây sưa 100 tỷ này.
Qua tìm hiểu được biết, người dân thôn Phụ Chính đã có nguyện vọng được bán cây sưa đỏ này từ lâu vì vài năm gần đây cây có hiện tượng bị khô, mục. Cây sưa trên là loại sưa đỏ có tuổi đời trên 130 năm, nằm trong khuôn viên chùa làng Phụ Chính. Cây sưa được người dân “mặc áo giáp sắt” chống trộm và canh mật cẩn thận.
Cây sưa quý này có 2 nhánh lớn, tuy nhiên, 1 nhánh đã bị gãy đổ và được bán theo hình thức đấu giá cho một đại gia gỗ Đồng Kỵ (Từ Sơn, Bắc Ninh) với giá 20,5 tỷ đồng vào năm 2010. Vụ mua bán đã gây nên những lùm xùm trong một thời gian dài.
Được biết, khi xe chở số gỗ sưa trên vừa ra khỏi địa phận xã Hòa Chính, sang xã Đồng Phú thì bị Công an huyện Chương Mỹ kiểm tra, tạm giữ. Đến năm 2015, số gỗ sưa bị tạm giữ được bán đấu giá thu về số tiền hơn 31 tỷ đồng. Thế nhưng qua nhiều năm, nhiều người dân địa phương vẫn chưa đồng tình.
Trong khi vụ mua bán gỗ sưa kể trên chưa lắng xuống thì cây sưa đỏ này đã có hiện tượng khô một phần gốc (phía nhánh cây bị đổ bán đấu giá – PV) làm nhiều người dân địa phương lo lắng. Nhiều người cho rằng, nếu cứ để tình trạng này thì chỉ một vài năm nữa, "khối vàng lộ thiên" của làng sẽ chỉ còn là mấy thanh củi để đun.
Theo quan sát, toàn bộ từ phần gốc đến thân của cây sưa đỏ được bảo vệ bằng những thanh sắt to cỡ phi 16. Cây có chiều cao khoảng trên 10m, đường kính trên 1m, cỡ 2 người ôm. Phần gốc cây xuất hiện nhiều vết nứt, dọc phần nhánh cây bị cắt gần như đã khô và bong tróc vỏ. Bên cạnh đó, cây sưa nhỏ hơn cũng được bảo vệ bằng những dây thép gai. Cây cao khoảng 20m, đường kính cỡ 1 người ôm, thân cây cũng xuất hiện 1 lỗ rỗng lớn.
Theo ông Vũ Văn Tuyến – Trưởng thôn Phụ Chính: “Có thời điểm, cây sưa đỏ được trả giá đến trên 100 tỷ đồng. Nguyện vọng của người dân hiện nay là được bán cây sưa để tu bổ các công trình phúc lợi. Chúng tôi cũng đã đề bạt nguyện vọng này lên xã từ lâu”.
Một người dân trong thôn cũng bày tỏ: “Chúng tôi không cần chia tiền mà chỉ mong cây được bán để dùng tiền tu bổ công trình phúc lợi, nhỡ cây chết khô thì lãng phí”.
Trao đổi với PV một đại gia gỗ Đồng Kỵ (Bắc Ninh) nổi tiếng về việc buôn bán gỗ sưa tại Miền Bắc nhận định: Gỗ sưa cũng như những loại gỗ khác đều có tuổi thọ nhất định và đến một thời điểm nào đó cây sẽ bị khô mà chết. “Nó cũng có tuổi thọ hết, có thể cây chết là do quá già và chết như vậy thì có nghĩa phần gỗ đã mất nhựa nên màu gỗ sẽ kém dẫn đến giá trị giảm”, vị đại gia gỗ Đồng Kỵ nhận định chia sẻ.
Tuy nhiên, đánh giá tổng thể, vị đại gia gỗ cho rằng, cần phải xem xét thực tế mới có thể có nhận định chính xác. Cũng theo vị đại gia, bản thân ông từng mua rất nhiều sưa ở các nơi nhưng chưa gặp cây gỗ sưa nào được trả giá 100 tỷ đồng như cây sưa ở chùa Phụ Chính.
Cùng chung nhận định, anh Thịnh (một chủ xưởng gỗ ở Thường Tín, Hà Nội) cho hay: “Gỗ sưa quý nhất là phần lõi, phần vỏ khô ít thì không ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên, nếu để dần dần thì cây sẽ không hút được nước dẫn đến phần lõi gỗ sẽ khô lại làm ảnh hưởng đến màu sắc của gỗ”.
Liên hệ quảng cáo: 0918 043 403 - toasoan@dnvnnews.com
Bản quyền của DOANH NHÂN VIỆT NAM