Những điều ít biết về tỷ phú USD giàu thứ 4 Việt Nam
Với 1,33 tỷ USD, tương đương hơn 30.000 tỷ đồng tài sản ròng, ông Trần Đình Long - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát - đang là vị tỷ phú USD giàu thứ 4 tại Việt Nam theo thống kê của Forbes.
“Ông Trần Đình Long thành lập Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát, nhà phân phối phụ tùng và thiết bị máy móc thiết bị tại Hà Nội vào năm 1992. Hòa Phát đang sản xuất thiết bị văn phòng, ống thép, thép xây dựng và được xem là nhà sản xuất thép lớn nhất của Việt Nam”.
Đây là dòng mô tả ngắn gọn mà Forbes viết về ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát - vị tỷ phú thứ 4 của Việt Nam sở hữu khối tài sản ròng 1,33 tỷ USD, tương đương hơn 30.000 tỷ đồng. Ông hiện xếp thứ 1.756 trong danh sách những tỷ phú giàu nhất thế giới. Theo thống kê mới nhất của tạp chí này, Việt Nam đã có thêm 2 vị tỷ phú USD nữa là ông Trần Bá Dương - Chủ tịch Công ty Cổ phần Ôtô Trường Hải (THACO) với 1,8 tỷ USD tài sản ròng và ông Trần Đình Long với 1,33 tỷ USD.
Tuy nhiên, những dòng mô tả này của Forbes không đủ để cho thấy độ giàu có và tầm ảnh hưởng của vị tỷ phú giàu thứ 4 Việt Nam.
“Ông vua” ngành thép Việt
Ngoài việc đang là lãnh đạo cao nhất tại Hòa Phát, cá nhân ông Trần Đình Long cũng nắm giữ tới 381,5 triệu cổ phiếu HPG, tương đương 25,1% vốn doanh nghiệp. Vợ ông, bà Vũ Thị Hiền cũng nắm giữ tới 110,5 triệu cổ phiếu, tương đương 7,2% vốn. Chỉ tính riêng số cổ phiếu tỷ phú này nắm giữ trên sàn chứng khoán đã có giá trị lên tới 26.800 tỷ đồng, xấp xỉ 1,18 tỷ USD. Ông cũng là người có khối tài sản lớn thứ 4 trên sàn chứng khoán Việt nhờ lượng cổ phiếu khổng lồ này.
Việt Nam có thêm 2 tỷ phú USD mới trong danh sách Tạp chí Forbes công bố. Nguồn: Forbes.
Tại Việt Nam không thiếu doanh nghiệp sản xuất thép, nhưng để chọn ra một doanh nghiệp ngang tầm Hòa Phát hiện nay gần như không có. Hòa Phát hiện nắm giữ trên dưới 1/4 thị trường thép xây dựng tại Việt Nam với doanh thu năm 2017 đạt trên 46.000 tỷ đồng và thu về khoản lãi ròng cao kỷ lục: Hơn 8.000 tỷ đồng, điều chưa một doanh nghiệp thép nào tại Việt Nam làm được.
Những năm trước đó, doanh thu của Hòa Phát đều đạt trên 20.000 tỷ đồng và lãi ròng đều trên 3.000 tỷ. Ông chủ Hòa Phát nổi tiếng với sự kín đáo và được giới doanh nhân đánh giá là người làm nhiều hơn nói.
“Trong huyết quản của tôi có thêm tế bào quặng và sắt”
Trong một lần chia sẻ với cổ đông, vị tỷ phú này cho biết hồi năm 1999 hỏi 9 người thì đến 10 người cho rằng Hòa Phát sẽ thất bại, nhưng thị phần của Hòa Phát cứ thế tăng lên theo từng năm và đến nay trở thành doanh nghiệp thép lớn nhất Việt Nam. Bên cạnh đó, Hòa Phát cũng đã lấn sân sang lĩnh vực nội thất, điện lạnh, bất động sản, nông nghiệp, tôn mạ và vừa tiếp nhận siêu dự án thép trị giá 3 tỷ USD ở Dung Quất (Quảng Ngãi).
Mới đây, khi trả lời báo giới về việc có sợ không khi dư luận đang phản ứng rất tiêu cực với các dự án thép tại Dung Quất, bởi hệ lụy ô nhiễm môi trường của các nhà máy thép trước đó, ông Long nói đã 25 năm từ ngày bị “ông trùm” gang thép thời bấy giờ nói “biết gì mà làm”. Đến nay, trở thành tập đoàn thép số 1 Việt Nam, ông đã trải qua quá nhiều chuyện nên miễn nhiễm với từ sợ. Tuy nhiên đối với ông, bảo vệ môi trường cũng chính là bảo vệ mình, tài sản của mình.
“Ngoài tế bào bình thường thì trong huyết quản của tôi có thêm tế bào quặng và sắt”, ông Long từng chia sẻ.
Làm bóng đá là gánh nặng nhưng êm vai
Ít người biết rằng, thời còn đi học ông từng là học sinh giỏi môn văn và luôn có mặt trong đội tuyển thi học sinh giỏi văn của trường. Ông cũng là một trong những cầu thủ nổi tiếng của đội bóng Đại học Kinh tế quốc dân Khóa 22. Đó là nguyên do dẫn đến cái duyên của ông với bóng đá.
Ông Trần Đình Long (bên phải) thời còn làm bóng đá. Ảnh: Lâm Thỏa.
Nhiều người từng thấy hình ảnh ông Long cùng bầu Đức ngồi trên khán đài cổ vũ bóng đá. Ông cũng từng được biết đến với vai trò bầu Long trong làng bóng đá Việt. Ông Long làm bóng đá từ năm 2003, khi Hòa Phát là nhà tài trợ chính cho câu lạc bộ (CLB) Hà Nội và lấy tên CLB Hòa Phát Hà Nội. Sau 3 năm thành lập, Hòa Phát Hà Nội chuyển sang mô hình chuyên nghiệp và chính thức được chuyển giao cho Công ty Cổ phần bóng đá Hòa Phát quản lý. Cũng trong năm này, Hòa Phát Hà Nội giành được danh hiệu đầu tiên sau khi thắng Gạch Đồng Tâm Long An của bầu Thắng ở trận chung kết cúp quốc gia, với tỷ số 2-0.
Tuy nhiên, sau nhiều thăng trầm với bóng đá, đến tháng 9/2011, ông Long đã dứt áo ra đi và giải thể đội bóng, chuyển giao nhân sự lại cho CLB bóng đá Hà Nội ACB. Sau này, bầu Kiên tiết lộ: “Anh Long và anh Tuấn bỏ bóng đá là vì quá uất ức sau khi đội bóng của mình bị trọng tài ‘đè ngửa ra’, ép phải thua khi tới làm khách của Hải Phòng”.
Sau khi bán toàn bộ cơ sở vật chất CLB, đã có nhiều tin đồn cho rằng Chủ tịch Hòa Phát sẽ quay lại làm bóng đá, song ông Long liên tục phủ nhận, thẳng thừng tuyên bố không bao giờ dính vào bóng đá Việt Nam nữa. Nhưng khi chia sẻ về cái duyên bới bóng đá, ông Trần Đình Long cho hay bóng đá là một gánh nặng nhưng lại là gánh nặng êm vai với ông.
“Làm bóng đá thích lắm. Bây giờ anh em gặp nhau vẫn nói 7 năm làm bóng đá rất hạnh phúc”, ông từng chia sẻ với báo chí.
Ông Trần Đình Long cũng được biết đến là một trong 2 người sắm máy bay riêng sớm nhất của Việt Nam. Từ năm 2010, ông đã mua một chiếc trực thăng EC 135P2i, 6 chỗ ngồi với giá gần 5 triệu USD.
Đặc biệt, để nuôi chiếc máy bay này, mỗi tháng ông Long phải tiêu tốn thêm 2 tỷ đồng. Ông cũng từng phải thuê nguyên một mảnh đất rộng hàng chục ha tại Yên Bái để làm sân bay cho riêng mình. Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng, tỷ phú này đã bán máy bay cho công ty VinaCopter của Hong Kong.
Năm 2011, ông tiếp tục mua một chiếc trực thăng 12 chỗ ngồi mang mã VN-D668, có thể bay chặng dài Hà Nội – Đà Nẵng mà không cần tiếp thêm nhiên liệu. Chiếc trực thăng này thuộc sở hữu của riêng ông nhưng hiện được cho tập đoàn Hòa Phát thuê lại.