GS. TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
Đã đánh trúng nhu cầu của doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ?
Đây là câu hỏi đầu tiên GS. Nguyễn Mại đưa ra khi góp ý với dự thảo luật hỗ trợ DNNVV. Ông cho biết: "Tôi không cho rằng luật này ra đời sẽ hỗ trợ được cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Bởi vậy chúng ta cần xem lại các tiêu chí, phương án hỗ trợ, liệu đã đánh đúng và trúng nhu cầu của doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ hay chưa?"
GS. Mại đề xuất: Chúng ta nên sửa tiêu chí với doanh nghiệp siêu nhỏ là 20 lao động trở xuống theo thông lệ quốc tế (hiện nay là 10 lao động trở xuống) và xác định đây là đối tượng chủ yếu của dự thảo luật, bởi họ chiếm khoảng 80% trong số DNNVV. Với những doanh nghiệp này, điều quan trọng nhất họ cần là những quy định cụ thể để họ có khả năng tích lũy vốn ban đầu nhưng lại không có nhà xưởng, không đất đai, chỉ có một số công cụ lao động và một vài người lao động.
Tín dụng ngân hàng là nguồn quan trọng với doanh nghiệp, đặc biệt là DNNVV. Hiện nay luật hỗ trợ DNNVV về tín dụng đã có đủ nhưng trên thực tế doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ không thể tiếp cận được tín dụng, trong khi nợ xấu chủ yếu tập trung ở doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp lớn, còn doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thì rất ít. Tại sao lại như vậy?
Theo GS. Nguyễn Mại phân tích thì sai lầm của NHNN khi cấp tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ là áp dụng thế chấp bằng bất động sản như doanh nghiệp vừa. Đây cũng là lý do tại sao mà doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ không thể vay ngân hàng. Vì thế, ngân hàng cần thay đổi, phải áp dụng thế chấp bằng động sản đối với hai dạng doanh nghiệp này, bởi họ không có bất động sản.
“Nếu không chuyển thế chấp từ bất động sản sang động sản thì không bao giờ giải quyết được vấn đề tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ”, GS. Mại nhấn mạnh.
GS. Mại cho rằng sinh ra ngân hàng là để chia sẻ rủi ro với các doanh nghiệp, chức năng này vô cùng quan trọng. Từ quy định đầu tư tài sản lưu động 50%, ngân hàng có thể tham gia vào hoạt động của doanh nghiệp và cùng chia sẻ lãi lỗ với doanh nghiệp theo từng thời kỳ. Ngân hàng Việt Nam cần thấy đây là hướng làm để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Tín dụng cho DNNVV vẫn khó trăm bề!
Có 2 điều trong dự thảo luật hỗ trợ DNNVV liên quan tới hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp là điều 9 về hỗ trợ tiếp cận tín dụng từ các ngân hàng và điều 10 là hỗ trợ tiếp cận tín dụng từ các quỹ. Tuy nhiên, cả 2 điều này đều chưa có quy định chi tiết về việc các ngân hàng cần dành bao nhiêu % dư nợ cho DNNVV vay, hoặc hình thức thế chấp đặc biệt nào hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn.
Trả lời những băn khoăn trên của GS. Mại, bà Đặng Thị Điểm, đại diện Vụ Tín dụng, NHNN cho biết: Về quy định thế chấp bằng bất động sản, hay động sản thì hiện đã có quy định của pháp luật. Theo đó, đối với khối các ngân hàng thương mại có quyền tự chủ trong hoạt động kinh doanh, dựa trên yêu cầu bảo toàn lợi ích, vốn, nên NHNN không được can thiệp vào hoạt động này của họ.
Bà Điểm cũng góp ý với dự thảo luật cần làm rõ hoạt động của các quỹ hỗ trợ liên quan tới hoạt động của ngân hàng, NHNN rằng các quỹ này hoạt động trên mục tiêu lợi nhuận hay không vì lợi nhuận, và về quy mô vốn, quy mô của quỹ này như thế nào, có phù hợp không?
Nhận định về phát biểu đại diện NHNN, thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đặng Huy Đông cho biết, tín dụng ngân hàng là câu chuyện tranh luận gay gắt của ban soạn thảo dự luật từ khi bắt đầu tới khi kết thúc. Tuy nhiên, quan điểm thống nhất là nhiệm vụ của ngân hàng cần đảm bảo huyết mạch của nền kinh tế phát triển, nên ngay cả việc đưa con số 30% dư nợ hỗ trợ DNNVV còn là con số khiêm tốn. Trên thực tế cũng không ít ngân hàng đạt được con số này, nhưng cũng có nhiều ngân hàng tỉ lệ này còn quá thấp. Điều này khẳng định việc hỗ trợ là làm được, nhưng có làm hay không thôi!
Ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu Tư.
“Chính ngân hàng trong nước lại đi sau các ngân hàng nước ngoài về gói dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước. Vì thế, NHNN cần thay đổi quan điểm có phần cứng nhắc, bảo thủ như hiện nay thì mới có thể triển khai được việc hỗ trợ DNNVV trong nước”, ông Đông băn khoăn.
Thống kê cho thấy cái nợ xấu ở các ngân hàng không phải nằm ở nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa mà nằm ở các đại gia. Các hộ vay nhỏ thường rất có trách nhiệm, họ có thể bán nhà bán cửa đi để trả nợ. Tỉ lệ nợ xấu ở ngân hàng nông thôn tỉ lệ nợ xấu là 2%, còn 6%, 7% nợ xấu lại nằm ở các thành phố lớn. Vì thế chúng ta cần xem lại định hướng tín dụng ngân hàng.
Cũng chia sẻ với vướng mắc của NHNN hiện nay, ông Đông cho biết: Ngân hàng cũng có lý riêng của họ, bởi hiện nay còn quy định vi phạm cho vay gây hậu quả nghiêm trọng thất thoát tài sản có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý. Vì thế, trong dự thảo luật lần này sẽ đưa thêm một điều về loại trừ ra khỏi đối tượng hình sự với những người cho vay đúng quy trình, thủ tục nhưng do điều kiện khách quan mà bị lỗ, mất vốn.
Dự thảo luật hỗ trợ DNNVV sẽ được Quốc hội đưa ra bàn trong kỳ họp thứ 2 này. Tuy nhiên, theo nhận định của một vài chuyên gia kinh tế, tài chính thì dự thảo còn nhiều điểm chưa cụ thể, rõ ràng nên khó mà được thông qua trong kỳ hợp lần này của Quốc hội.
Theo Nguyễn Thoan (Bizlive)
Liên hệ quảng cáo: 0918 043 403 - toasoan@dnvnnews.com
Bản quyền của DOANH NHÂN VIỆT NAM