HĐQT Tập đoàn Yeah1 (HoSE: YEG) của ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống mới đây đã thông qua Nghị quyết liên quan đến việc thành lập công ty con trong lĩnh vực công nghệ thông tin, thay đổi nhiều vị trí nhân sự cấp cao đồng thời cơ cấu khoản nợ vay nước ngoài.
Mạnh tay đầu tư và tái cơ cấu
Theo đó, Yeah1 của ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống dự kiến thành lập công ty con mới với tên gọi Appnews, thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin. Trước đó, Yeah 1 đã từng đánh tiếng với mảng này khi Yeah1 Publishing (Y1P, công ty con của Yeah1) tiến hành đầu tư vào Appfast - nền tảng giúp cho các nhà phát hành sở hữu ứng dụng điện thoại riêng đơn giản.
Sau sự cố Youtube, bên cạnh việc tự phát triển kênh cũng như nội dung, đây chính là một bước đi mới của doanh nghiệp tính đến hiện tại.
Tại ĐHCĐ thường niên 2019 của Yeah1, nhiều cổ đông đã chất vấn ban lãnh đạo doanh nghiệp về "sự cố Youtube"
Đồng thời, Yeah1 tiến hành cải tổ, thay máu bộ máy nhân sự. Đơn cử như việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Cang vào vị trí Phó Tổng Giám phụ trách Tài chính thay cho ông Võ Thái Phong, bổ nhiệm ông Hồ Nam Đông vào vị trí Phó Tổng Giám đốc thay cho ông Bùi Hữu Nhật.
Ngoài ra, công ty cũng đề cử bà Nguyễn Thị Ngọc Nữ bổ nhiệm chức danh Kế toán trưởng, thay thế ông Thái Phong bắt đầu từ ngày 13/8/2019.
Đáng chú ý, HĐQT Yeah1 đã thông qua việc tái cơ cấu khoản đầu tư nước ngoài trị giá 12 triệu USD.
Thay vì trước đây là một khoản bảo lãnh vay (tại ngân hàng Shinhan) của Yeah1 đối với công ty con tại nước ngoài (Singapore) là Yeah1 Network - Y1N (liên quan đến việc mua ScaleLab), giờ đây Yeah1 sẽ đầu tư vào Y1N thông qua một công ty con khác là CTCP Giải trí Rồng.
HĐQT Yeah1 thông qua chủ trương khoản vay 12 triệu USD (thời hạn tối đa 6 tháng) để đảm bảo vốn đầu tư của Yeah1 vào Giải trí Rồng. Phía Yeah1 cho biết, đây là hoạt động nhằm tối ưu dòng tiền và các khoản đầu tư tài chính khác của Công ty.
Trước đó không lâu, Yeah1 đã tăng vốn góp tại Giải trí Rồng từ mức 9,9 tỷ lên 399,9 tỷ đồng, trong đó Tập đoàn chiếm 99,975% vốn.
“Trái đắng” vì phụ thuộc lớn vào nguồn thu từ Youtube?
Việc tái cơ cấu khoản vay hay thành lập công ty công nghệ của Yeah1 diễn ra khi công ty này đang rơi “cơn cực bĩ” sau sự cố Youtube hồi tháng 3 vừa qua.
Cũng phải thừa nhận rằng, chính cú bắt tay với Youtube và Google đã từng tạo nên sự “đột biến” của Yeah1 trong bức tranh tăng trưởng của Yeah1 của ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống với 90% lợi nhuận của Yeah1 đến từ kinh doanh trên Youtube.
Theo bản cáo bạch năm 2018 của Yeah1, tập đoàn này mới chỉ được cấp giấy phép Mạng đa kênh của YouTube (MCN) từ năm 2015 và thành lập hệ thống Yeah1 Network từ năm 2017. Từ đó nhờ vào nền tảng YouTube mà kinh doanh của Yeah1 trôi chảy.
Về cơ cấu kinh doanh, Yeah 1 có 2 mảng chính gồm kinh doanh là truyền thống và mảng kỹ thuật số. Trong đó, đóng góp doanh thu của 2 mảng này tương đương nhau nhưng hiệu quả lợi nhuận từ mảng kỹ thuật số cao hơn rất nhiều.
Đơn cử như trong năm 2017, mảng truyền thống đóng góp vào 43% doanh thu của tập đoàn nhưng toàn bộ lợi nhuận đều đến từ mảng kỹ thuật số. Trong năm 2018, lợi nhuận từ mảng kỹ thuật số cũng là hơn 84%. Trong đó, mảng kinh doanh kỹ thuật số trên nền tảng YouTube và xuất bản nội dung số năm vừa qua của Yeah1 đã tăng hơn 93% và chiếm tới 89% lợi nhuận của tập đoàn. Trong khi năm 2015, tỷ lệ này chỉ chưa tới 50% lợi nhuận của công ty.
Chính việc phụ thuộc hoàn toàn vào YouTube để kinh doanh nên bị Youtube chấm dứt thỏa thuận, Yeah1 dường như rơi vào suy giảm lợi nhuận. Kết quả kinh doanh giảm mạnh trong nửa đầu năm 2019 là minh chứng.
Tại báo cáo và giải trình kết quả kinh doanh của Yeah1 cho thấy, các chỉ tiêu tài chính trong quý II và 6 tháng đầu năm 2019 cho thấy lợi nhuận giảm mạnh vì "sự cố Youtube".
Theo đó, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp hợp nhất quý II/2019 của Yeah1 giảm đến 303% so với cùng kỳ năm 2018 với số lỗ hơn 111,6 tỷ đồng. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý I/2019 là hơn 8 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế quý II/2019 giảm mạnh kỷ lục tạo ra khoản lỗ gần 103,6 tỷ đồng trong hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm 2019. Chỉ tiêu tài chính này giảm 210%, tương ứng với 197,8 tỷ đồng so với 6 tháng đầu năm 2018.
Lý giải về sự sụt giảm mạnh lợi nhuận, Tập đoàn Yeah1 cho rằng do đã trích lập dự phòng một số khoản liên quan đến chuyển nhượng vốn đầu tư tại ScaleLab LLC và hoạt động kinh doanh một số mảng bị ảnh hưởng sau sự cố với YouTube.
Sau sự cố vận hành Youtube, ban lãnh đạo Yeah1 cho biết sẽ thúc đẩy các mảng khác để bù đắp thiếu hụt và đảm bảo chiến lược phát triển chung.
Yeah1 cũng kỳ vọng cả năm 2019 sẽ có lãi ròng 180 tỷ; với chiến lược mới sau sự cố sẽ tiếp tục phát triển mảng kỹ thuật số trên những nền tảng còn lại như Facebook, Google; đặc biệt Công ty bắt đầu xây dựng những gì của riêng mình như đẩy mạnh công tác tự sản xuất nội dung hay phát triển một số kênh tự chủ (ví dụ Nickelodeon). Điều này lý giải cho giá vốn quý II/2019 của Yeah1 tăng đột biến.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại Yeah1 vẫn chưa có được một chiến lược “hoàn hảo” để thay thế nguồn thu từ Youtube mặc dù trong bản tin mới đây Yeah1 kỳ vọng, hiệu quả tài chính của những khoản đầu tư mới có thể sẽ được ghi nhận trong nửa năm sau.
Trên thị trường chứng khoán, sau khi YouTube công bố ngưng hợp tác, cổ phiếu YEG liên tục sụt giảm và hiện chỉ còn 53.000 đồng/cổ phiếu (chốt phiên giao dịch ngày 15/8) và “bốc hơi” tới 70% so với giá đầu năm nay.
Nếu so với đỉnh cao đạt được sau khi lên sàn vào giữa năm 2018 thì cổ phiếu này đã lao dốc gần 85% giá trị. Điều này đưa vốn hóa thị trường của YEG sau một năm bốc hơi hơn 5.000 tỷ đồng xuống còn hơn 1.567 tỷ đồng.
Mới đây, cổ phiếu Yeah1 không được cầm cố ký quỹ do lợi nhuận sụt giảm.
Liên hệ quảng cáo: 0918 043 403 - toasoan@dnvnnews.com
Bản quyền của DOANH NHÂN VIỆT NAM