Nghe mà rợn cả người vì… sung sướng. Dân ta giàu thật, bỏ ra vài tỉ, thậm chí cả chục tỉ đồng mua hoa về ngắm thì chắc là toàn đại gia, tỉ phú tầm Bill Gates … trở lên.
Bây giờ thì đã rõ.
Theo phản ánh của báo Dân trí: “Ngày 1/8/2020, trên mạng xã hội tiếp tục bị thu hút bởi một cuộc đấu giá lan var (lan biến đổi gien) dưới danh nghĩa lấy tiền quyên góp, ủng hộ cho cơ quan chức năng trong việc phòng chống dịch Covid-19.
Một sản phẩm được quảng cáo là lan var với tên gọi "Bướm đại ngàn" cao chừng khoảng 10cm bán với giá 11,7 tỷ đồng”.
Được biết, số tiền trên đã chuyển về Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Xin được ghi nhận và trân trọng việc làm này.
Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn bán được giá như vậy và người mua hoàn toàn có thể xuất phát từ tấm lòng ủng hộ cơ quan chức năng trong việc phòng chống dịch Covid-19 như lời của ông Vương Xuân Nguyên, Chánh văn phòng Hội Sinh vật cảnh Hà Nội:
“Đây không phải là một cuộc giao dịch trao đổi hàng hóa thuần túy nhằm mục đích kinh doanh giữa người bán cây nhận tiền và người trả tiền nhận cây mà là hướng tới công tác thiện nguyện ngay từ đầu”.
Tuy nhiên, cũng có thực tế, cũng có hiện tượng một số người kinh doanh hoa lan thổi giá khiến thị trường lan đang có nhiều dấu hiệu không lành mạnh. Một số cơ quan nhà nước cũng đã lên tiếng về tình trạng này.
Gần đây nhất, Công an tỉnh Tuyên Quang cũng có văn bản, theo đó các hoạt động liên quan đến mua bán hoa lan đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội. Giá trị hoa lan được định giá tự do, không có căn cứ, cơ sở pháp lý là cơ hội cho các hành vi lợi dụng để “thổi giá”, gây sự hấp dẫn giả tạo để dẫn dụ nhiều người chơi mới, kém hiểu biết tham gia.
Các hoạt động giao dịch, mua bán, chuyển nhượng diễn ra tự phát, chưa có sự quản lý từ cơ quan chức năng, nguy cơ biến tướng theo mô hình đa cấp hoặc tội phạm rửa tiền lợi dụng hoạt động. Việc mua bán hoa lan với số tiền giao dịch lớn, không có sự kiểm soát của cơ quan Nhà nước tạo nên “bong bóng đầu tư”.
Do đó, Công an tỉnh Tuyên Quang cho rằng, các hoạt động trên là rất nguy hiểm, có thể dẫn đến hệ lụy rất lớn, tiềm ẩn những nguy cơ cao, làm phát sinh và gia tăng các loại tội phạm, gây mất ổn định xã hội…
Với những thông tin trên, mọi sự có lẽ đã quá rõ.
Người viết bài này chỉ băn khoăn, đây không phải là lần đầu chúng ta bị sập bẫy mà nguyên nhân là sự thiếu hiểu biết và cái bệnh tham.
Thiếu hiểu biết bởi chỉ cần phân tích một chút về sự quý hiếm. Ở đời, thường là muốn quý thì phải hiếm. Đến quý như không khí, người ta có thể nhịn ăn 3 tuần, nhịn uống ba ngày, song không mấy ai nhịn thở được 3 phút. Thế nhưng, do không hiếm nên cũng không cảm thấy quý.
Trong khi đó, loại lan này được nhân giống trong thời gian rất ngắn. Với sự phát triển của kỹ thuật canh nông hiện nay, chuyện đó càng “dễ như trở bàn tay”.
Thứ hai, liệu mấy người dám bỏ ra vài tỉ đồng để mua một cây hoa chăm sóc 365 ngày chỉ để ngắm hoa vài ba tuần là tàn? Nếu có, con số đó là vô, vô cùng hiếm. Đó là chưa kể nếu không may cây chết thì có mà đi tong cơ nghiệp.
Cũng đừng nghĩ các đại gia họ dễ ném tiền ra bởi đồng tiền nào cũng là mồ hôi, nước mắt và các đại gia họ chi tiêu luôn có tính toán.
Thứ ba, làm giàu khó lắm. Tiền hiếm lắm. Nó không phải là lá rụng mùa thu bên bờ hồ Hoàn Kiếm, chỉ việc vác chổi ra mà quét. Mà nếu có như lá thì việc “quét” chắc gì đến lượt mình?
Còn tham thì, biết làm sao được. Người xưa bảo rồi “tham thì thâm”, làm thì chịu, biết kêu ai bây giờ, phải không các bạn?
Liệu bây giờ, có ai đang “ôm lan mà… khóc”!
Bùi Hoàng Tám
Liên hệ quảng cáo: 0918 043 403 - toasoan@dnvnnews.com
Bản quyền của DOANH NHÂN VIỆT NAM