Tin Thế Giới

Liên Hợp Quốc điều tra việc Triều Tiên mua ôtô hạng sang

Sự tuân thủ lệnh trừng phạt của Bình Nhưỡng tiếp tục bị nghi ngờ sau khi nước này sử dụng những ôtô sang trọng tại các hội nghị quốc tế.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un di chuyển trên chiếc Mercedes S600 Pullman Guard sau khi rời hội nghị thượng đỉnh liên Triều tại biên giới hai nước hồi tháng 4/2018. Ảnh: AP.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un di chuyển trên chiếc Mercedes S600 Pullman Guard sau khi rời hội nghị thượng đỉnh liên Triều tại biên giới hai nước hồi tháng 4/2018. Ảnh: AP.

Hugh Griffiths, điều phối viên của nhóm chuyên gia Liên Hợp Quốc phụ trách các vụ vi phạm lệnh trừng phạt của Triều Tiên, hôm qua cho biết họ đang điều tra việc mua những ôtô đắt tiền dùng để phục vụ lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong các cuộc họp quốc tế gần đây, AFP đưa tin.

Ông Kim Jong-un gây chú ý với các chuyên gia Liên Hợp Quốc khi xuất hiện tại cuộc họp với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ở Bình Nhưỡng hồi tháng 10/2018 với một chiếc limousine Rolls-Royce Phantom mới. 

Trước đó tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều đầu tiên ở Singapore vào tháng 6/2018, đoàn tùy tùng của ông Kim đã sử dụng một đội xe Mercedes Benz để di chuyển và không chiếc nào có biển số. Tại hội nghị thượng đỉnh liên Triều ở Bình Nhưỡng hồi tháng 9/2018, phái đoàn Triều Tiên sử dụng một số xe Lexus LX570. 

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cấm Triều Tiên xuất khẩu than và một số mặt hàng khác, đồng thời hạn chế giao dịch dầu và nhiên liệu nhằm ngăn nước này kiếm lợi nhuận phục vụ chương trình vũ khí hạt nhân. Việc bán các mặt hàng xa xỉ, bao gồm ôtô, du thuyền và trang sức cao cấp cho Bình Nhưỡng cũng bị cấm từ năm 2013.

Nhóm chuyên gia Liên Hợp Quốc hôm qua còn công bố báo cáo về những chiến thuật mà Triều Tiên sử dụng để né các lệnh trừng phạt áp đặt do nước này tiến hành các vụ thử tên lửa đạn đạo và hạt nhân. "Người Triều Tiên vẫn mua những gì họ muốn và có được thứ tốt nhất khi cần", Griffiths cho biết.

Tuy nhiên, bất chấp những lỗ hổng, Griffiths khẳng định các lệnh trừng phạt đã phát huy hiệu quả và buộc Kim Jong-un phải nỗ lực nhiều hơn để tránh sự hạn chế. "Họ tìm cách tránh né, nhưng điều này không bền vững", điều phối viên Liên Hợp Quốc giải thích.

Sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai tại Hà Nội hồi cuối tháng 2, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho cho biết họ yêu cầu Washington dỡ bỏ 5/11 lệnh cấm vận, đổi lại Bình Nhưỡng sẽ phá hủy các cơ sở sản xuất nhiên liệu hạt nhân tại khu phức hợp Yongbyon và cho phép chuyên gia Mỹ vào thanh sát. 

Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng Triều Tiên "muốn được dỡ bỏ toàn bộ lệnh trừng phạt" trước khi phá hủy khu Yongbyon, nhưng Mỹ không đồng ý. Hội nghị kết thúc mà không có thỏa thuận nào giữa hai bên.

Ánh Ngọc

Bình luận





Tin cùng danh mục
Philippines học hỏi "Phuket sandbox" để đón khách quốc tế
"Bom nợ" Evergrande - hồi kết của mô hình "xây dựng, xây dựng, xây dựng" của Trung Quốc?
3 lý do khiến "quả bom nợ" Evergrande sẽ không thể trở thành "khoảnh khắc Lehman" của Trung Quốc
Chần chừ tiêm vắc xin Covid-19, người Mỹ đánh cược với tử thần

Liên hệ quảng cáo: 0918 043 403 - toasoan@dnvnnews.com

Bản quyền của DOANH NHÂN VIỆT NAM