Bệnh nhân được ghép là anh Phạm Văn Vương (31 tuổi, trú tại Thanh Trì, Hà Nội). Trước đó, năm 2016, trong quá trình lao động, anh Vương bị tai nạn do máy đột dập khiến toàn bộ 1/3 dưới cẳng tay và bàn tay trái dập nát, biến dạng hoàn toàn. Anh Vương đã được đưa đến Bệnh viện Quân đội 108 cấp cứu. Do vết thương quá nặng và hoàn toàn không còn khả năng bảo tồn, các bác sĩ buộc phải đưa ra chỉ định cắt cụt 1/3 cẳng tay trái cho anh.
Vết thương mỏm cụt liền sẹo, anh Vương được xuất viện sau 2 tuần điều trị. Tuy nhiên, nỗi đau tinh thần vì sự mất mát khi bị cụt tay lúc còn trẻ khiến anh Vương luôn mặc cảm, sinh hoạt cũng gặp khó khăn.
Ngày 3/1, Bệnh viện Quân đội 108 tiếp nhận một ca bệnh nặng và phức tạp do băng chuyền của máy tải gạch cuốn đè ép trực tiếp lên tay trái từ vùng 1/3 dưới cẳng tay cho đến sát nách. Trong 3 tuần điều trị với 3 lần mổ, bệnh nhân được các bác sĩ Khoa Chấn thương chi trên và Vi phẫu nỗ lực để cứu cánh tay của bệnh nhân nhưng tình trạng hoại tử vùng khuỷu tay và cơ, nhiễm trùng không cứu vãn được và đe dọa tính mạng bản thân.
Cuối cùng, các bác sĩ thống nhất cắt cụt chi thể ngang mức 1/3 trên cánh tay. Sau khi thăm khám, các bác sĩ nhận thấy phần chi thể bị cắt cụt (đoạn 1/3 dưới cẳng tay đến bàn tay) còn tương đối bình thường, có thể sử dụng tiếp để ghép cho những bệnh nhân bị cụt ở vị trí tương ứng như bệnh nhân Vương.
Bệnh nhân và gia đình đã đồng ý và tự nguyện hiến 1/3 cánh tay đó cho anh Vương.
Vì phần chi thể từ cánh tay đến cẳng tay của chi thể chuẩn bị cắt cụt đang bị hoại tử và bội nhiễm thứ phát nên bàn tay sẽ được ghép phải đối diện với nguy cơ nhiễm trùng rất cao. Sau khi cân nhắc thận trọng, GS.TS Mai Hồng Bàng - Giám đốc Bệnh viện cùng toàn thể kíp phẫu thuật đã quyết định sẽ thực hiện ca mổ ghép bàn tay mới cho anh Vương.
Ca phẫu thuật diễn ra trong 8 giờ. Ảnh BSCC
Kíp mổ trực tiếp do GS.TS Nguyễn Thế Hoàng - Phó Giám đốc Bệnh viện “chỉ huy tác chiến” cùng các bác sĩ của Khoa Chấn thương chi trên và Vi phẫu của bệnh viện thực hiện.
Ca phẫu thuật ghép nối đã diễn ra vào ngày 21/1 (tức 27 Tết Âm lịch). Sau 8 giờ mổ, ca ghép cẳng tay và bàn tay mới từ người hiến sống cho anh Vương đã thành công. Tất cả các cấu trúc giải phẫu đã phục hồi và bàn tay ghép đồng loại được tưới máu đầy đủ giống như tay lành.
Ngay sau mổ, anh Vương đã có thể tự vận động nhúc nhích các ngón tay của bàn tay ghép. Cho đến nay, sau hơn 1 tháng ghép, anh đã có thể sử dụng bàn tay ghép để cầm nắm một số các đồ vật thô.
Bệnh nhân Phạm Văn Vương và ê kíp phẫu thuật với niềm vui "tay mới". Ảnh BSCC
“Trồng nối chi thể đứt rời” là kỹ thuật được thực hiện thường quy từ thập kỷ 80 của thế kỷ trước cho đến nay, Bệnh viện Quân đội 108 cũng đã thực hiện hàng chục nghìn ca thành công. Những "cánh tay, cẳng tay, bàn tay, ngón tay" bị đứt rời có thể được nối lại trong vòng 5-8 giờ, cho kết quả tốt, mọi chức năng phục hồi thuận lợi nếu như bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện kịp thời.
"Phẫu thuật trồng lại chi thể đứt rời tự thân đã khó khăn và phức tạp, nhưng phẫu thuật ghép chi thể đồng loại còn khó khăn hơn. Cho đến nay, mặc dù đã có hàng chục nghìn ca "trồng" lại chi thể đứt rời tự thân được thực hiện thành công trên thế giới, tuy nhiên ghép chi thể đồng loại lại không được như vậy. Đây là kỹ thuật phức tạp đòi hỏi người cho - người nhận phải tương thích từ nhóm máu đến hệ thống miễn dịch và sau phẫu thuật, sử dụng thuốc chống thải ghép thật phù hợp, chặt chẽ, cần thận trọng hơn ghép nhiều mô tạng khác", GS Hoàng nhấn mạnh.
Liên hệ quảng cáo: 0918 043 403 - toasoan@dnvnnews.com
Bản quyền của DOANH NHÂN VIỆT NAM