Trong những năm gần đây, thị trường sách Việt Nam xuất hiện các dòng sách ở phân khúc ngách, đầu tư nội dung và in ấn chất lượng, giá thành cao hơn mặt bằng chung khoảng 30-50%, cũng như đòi hỏi người đọc có nền tảng kiến thức nhất định.
Để trụ vững và phát triển ở thị trường ngách này là một thách thức lớn. Công ty Cổ phần Sách Omega Plus (Omega+) là một trong số ít đơn vị tiên phong ở dòng sách này với không ít đầu sách bán chạy dẫn đầu thị trường. Ông Vũ Trọng Đại, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Omega+, cho biết ông đã tiến hành khảo sát thị trường kỹ lưỡng và có chút may mắn.
Làm sách thuộc thị phần ngách như lịch sử, văn hóa, giáo dục, nghệ thuật... là một điều rất khó, nhưng vì sao ông vẫn quyết định dấn thân vào mảng này?
Khi quyết tâm thành lập Omega+, chúng tôi không làm theo sở thích, mong muốn hay những hoài bão không tưởng. Vì nếu làm như vậy, chúng tôi phải trả giá đắt. Khi phân tích thị trường xuất bản thế giới, chúng tôi thấy rằng mảng sách khoa học nền tảng dù nhỏ nhưng lại không thể thiếu trong bất kỳ nền xuất bản nào. Và chúng tôi nhìn thấy cơ hội đó tại thị trường Việt Nam.
Trước chúng tôi đã có không ít đơn vị xuất bản làm mảng sách khoa học nhưng nhìn chung manh mún, không chuyên tâm hoặc không bắt nhịp với đà phát triển của thế giới và người đọc. Chúng tôi cũng dự đoán nhu cầu của một xã hội từng đóng kín, đã đổi mới và đang háo hức từng ngày hội nhập sâu rộng với thế giới.
Thật may mắn, dự đoán của chúng tôi khá đúng với thực tế, nhờ thế mà Omega+ đã trải qua 5 năm đầu với một số thành quả, có thể sống bằng dòng sản phẩm tri thức có bản sắc được ngày càng nhiều độc giả ủng hộ.
Như vậy, có thể nói Omega+ đã đoán đúng nhu cầu thị trường và chọn điểm rơi chính xác. Bí quyết chọn đúng điểm rơi của ông là gì?
Đã gọi là bí quyết thì không thể tiết lộ. Tuy nhiên, bạn phải nắm đủ lượng thông tin từ nhiều chiều để nhận ra xu hướng thị trường. Ngoài ra, mình phải có đủ bản lĩnh để đưa ra các quyết định dựa trên phán đoán vì ý tưởng là quan trọng nhưng hành động mới khiến người ta trở nên khác biệt.
Giữa biển tri thức mênh mông, giữa vô số xu hướng hình thành và biến mất hằng ngày, hằng giờ, việc đưa ra các quyết định kinh doanh đúng đắn là một thách thức lớn, không chỉ cần trí thông minh, kinh nghiệm mà cả sự dấn thân hành động. Trước khi hành động thì suy nghĩ kỹ càng nhưng khi đã hành động thì dứt khoát, quyết liệt. Kể cả như thế, trên thực tế, chúng tôi cũng dự đoán sai nhu cầu và thời điểm, dẫn đến sách tồn. May là số lượng này không nhiều.
Sách Omega+ đã có chỗ đứng nhất định trên thị trường, ông đã áp dụng chiến lược gì?
Sách Omega+ giá trị cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng cho nên ngay từ đầu chúng tôi không ngần ngại xác lập mức giá cao hơn hẳn so với mặt bằng chung của thị trường. Mức giá này còn đến từ chi phí sản xuất sách khoa học cao hơn đáng kể so với sách thông thường.
Bởi vậy, chúng tôi không xác định cạnh tranh bằng giá hay chương trình khuyến mại. Chúng tôi cạnh tranh bằng giá trị sản phẩm và dịch vụ khách hàng. Tất nhiên không phải mọi thứ đều đã hoàn hảo, chúng tôi vẫn nhận được ý kiến đóng góp, thậm chí phê bình của độc giả về chất lượng và dịch vụ nhưng nhờ thế mà chúng tôi có thể nhận ra các vấn đề và không ngừng hoàn thiện.
Omega+ bắt đầu có không ít đối thủ cạnh tranh. Ông có định hướng gì để giữ được vị thế đang có trên thị trường?
Có lẽ chúng tôi đã thành công ít nhiều nên đại dương xanh đã bắt đầu chuyển sang màu đỏ. Chúng tôi không bất ngờ lắm, thậm chí còn thấy vui mừng vì góp phần gầy dựng một thị trường mới. Chúng tôi cũng không lo ngại về cạnh tranh. Mảng sách khoa học nền tảng dù chỉ chiếm tỉ trọng nhỏ trong một nền xuất bản nhưng vẫn không có giới hạn đối với những doanh nghiệp, cá nhân có đủ sức sáng tạo, nhiệt tâm và sự kiên trì. Thứ nữa, dòng sách này cũng không dễ đến mức bất kỳ ai cũng có thể gia nhập thị trường này.
Tôi và các đồng nghiệp đặt ra mục tiêu mỗi năm gầy dựng từ 1-2 mảng sách mới. Ngoài việc tiếp tục đoán định và đáp ứng nhu cầu độc giả, còn là áp lực sáng tạo, đổi mới tự thân để vươn lên phía trước.
6 năm nhìn lại, đâu là những điều Omega+ chưa làm được hoặc còn hạn chế?
Chúng tôi mong muốn xuất bản và giới thiệu các thành tựu tri thức mới nhất của thế giới ngang bằng tốc độ của các nền xuất bản phát triển như Nhật, Hàn Quốc. Điều chúng tôi làm được mới chỉ là rút ngắn được thời gian, dù đã nhanh hơn nhiều so với mặt bằng chung trong nước.
Một mong muốn khác vẫn còn canh cánh: bên cạnh mảng sách khoa học xã hội (kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, giáo dục, lịch sử, nghệ thuật...), chúng tôi ấp ủ dự định làm mảng sách khoa học kỹ thuật vốn cũng thiếu và yếu trong xã hội. Thế nhưng, đây là thách thức lớn vì cần cả nhân lực và tài lực để có thể xây dựng kế hoạch và chương trình hành động có thể tạo nên tác động đủ mạnh mẽ cho khoảng trống thị trường này.
Ngành sách vốn dĩ khó thu hút nhân lực giỏi. Để giữ chân được người tài, phương thức của ông là gì?
Chú ý đến con người và xây dựng văn hóa doanh nghiệp tập trung vào con người. Gây dựng niềm tin chung cho toàn bộ đội ngũ về giá trị và bản sắc sản phẩm, dịch vụ mà cả tổ chức theo đuổi. Hai thứ trên có lẽ rất gần với việc xây dựng đức tin tôn giáo nhưng đó chính là điều mà Yuval Harari (tác giả sách Sapiens: Lược Sử Loài Người) đúc rút ra khi tổng kết về các mô hình tổ chức bền vững nhất trên thế giới trong lịch sử nhân loại.
Theo Nhịp Cầu Đầu Tư
Liên hệ quảng cáo: 0918 043 403 - toasoan@dnvnnews.com
Bản quyền của DOANH NHÂN VIỆT NAM