Đời sống - Pháp Luật

Kinh tế 2021: Một năm đầy khó khăn, nên đặt mục tiêu khiêm tốn

Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa dự đoán 2021 sẽ là một năm đầy khó khăn, không có kỳ vọng lớn đối với nền kinh tế, chúng ta nên đặt ra mục tiêu kinh tế khiêm tốn với mức tăng trưởng khoảng 5%.

Tại buổi tọa đàm Kinh tế 2021: Kỳ vọng Đại hội Đảng nhiệm kỳ XIII và một Việt Nam hùng cường do Dân Việt vừa tổ chức, nhiều chuyên gia đã đưa ra nhận định xung quanh về mức tăng trưởng có thể đạt được trong năm tới.

Theo đó, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho rằng, 2021 sẽ là một năm đầy khó khăn, không có gì kỳ vọng lớn đối với nền kinh tế, chúng ta nên đặt ra mục tiêu kinh tế khiêm tốn với mức tăng trưởng khoảng 5%.

Ông Nghĩa cũng nhấn mạnh, các doanh nghiệp nội phải liên kết với nhau, kết nối với nhà sản xuất và người tiêu dùng để cùng vực dậy nền kinh tế.

"Chúng ta đang sống theo kiểu "thân ai người ấy lo", hàng hóa không có kết nối, không có đầu ra. Điển hình là vùng Sơn La có các nhà máy sản xuất nhưng không có đầu ra, các doanh nghiệp Việt Nam không chịu liên kết với nhau. Do đó, cần phải kết nối, doanh nghiệp, hàng hóa, kết nối đầu vào đầu ra, kết nối vận tải, hàng hải đường biến và đường sắt...", ông Nghĩa nói.

TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết thêm, trong bối cảnh nền kinh tế bị suy thoái do dịch Covid-19 thì việc chuyển đổi số và sự ra đời của các công ty số hóa đã góp phần vào việc phát triển kinh tế. Vì có dịch Covid-19 nên doanh nghiệp nước ngoài không vào được Việt Nam nên doanh nghiệp nội sống sót được nhờ vào chuyển đổi số, thay đổi cách thức kinh doanh qua công nghệ số.

"Hiện nay, phần lớn các siêu thị của chúng ta đều bị nước ngoài mua hết cổ phần, đây là một thất bại lớn về thương mại điện tử của Việt Nam", TS. Lê Xuân Nghĩa nêu quan điểm.

Ông Nghĩa cho rằng chúng ta ta cần phục hồi các công ty số hóa Việt Nam, vì công nghệ số có vai trò rất quan trọng trong việc sản xuất kinh doanh, bán hàng. "Hiện nhiều công ty số hóa nước ngoài rất muốn vào Việt Nam, nếu để họ vào thì các doanh nghiệp nội của chúng ta sẽ chết hết", ông Nghĩa nói.

Cũng theo TS. Lê Xuân Nghĩa, một vấn đề nữa cần phải làm rõ chính là vấn đề ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu gây bức xúc xã hội. Hậu quả, của vấn đề này rất lớn, diện tích đất sản xuất bị thu hẹp, nông sản mất mùa do sâu bệnh, hạn hán, ngập mặn,...

Tại tọa đàm, TS. Nguyễn Đình Cung, Thành viên Tổ tư vấn Chính phủ, nguyên Viện trưởng CIEM cho biết nhiều năm nay, mục tiêu tăng trưởng đưa ra đều đạt được. "Bởi người Việt Nam hay có chữ "nếu''. Vì thế, về mục tiêu kinh tế, nếu đưa ra mức tăng trưởng chỉ 6-7% thì hơi thấp cần nâng lên 8-9%. Đặt mục tiêu đủ cao để phấn đấu, để các nhà lãnh đạo để có trách nhiệm hơn", TS. Nguyễn Đình Cung nêu vấn đề.

Cũng theo ông Cung, để đạt được những mục tiêu cao hơn đối với kinh tế, cần phải có cải cách, mà cải cách mang tính nền tảng số.

"Nhà nước có thực sự phát triển các loại thị trường nhân tố sản xuất không. Thực tế, hiện nay Nhà nước đang chậm lại mà thị trường thì đang tiến lên. Nếu Nhà nước không thay đổi thì thị trường không thể tiến được. Những thứ cải cách hết sức căn bản nếu không thay đổi thì khó có thể có được 5-6%", ông Cung nói.

Vị này nhấn mạnh, phải ưu tiên ngoài cải cách thì cần phục hồi kinh tế. Chúng ta cần đẩy nhanh tốc độ phục hồi hơn nữa. Nhà nước nên có chính sách khuyến khích chứ không phải chỉ là chính sách hỗ trợ.

Hiện tại, chúng ta cần khuyến khích doanh nghiệp mới, ngành nghề mới xuất hiện nhiều hơn nữa chứ không chỉ cứu những doanh nghiệp đã chết. Bởi cứu những doanh nghiệp này sẽ tốn kém hơn rất nhiều./.

 

 

Bình luận





Tin cùng danh mục
Bất ngờ trước cơ hội du ngoạn Đan Mạch được thiết kế riêng cực độc đáo không thể bỏ lỡ trong dịp Tết này
Trung Tâm mới The Global City, điểm hẹn cho cả nhà thỏa thích vui chơi
Ocean City tái định nghĩa tiêu chuẩn an cư hạnh phúc
Thương hiệu thời trang YODY cùng những dự án vì cộng đồng

Liên hệ quảng cáo: 0918 043 403 - toasoan@dnvnnews.com

Bản quyền của DOANH NHÂN VIỆT NAM