Cô Tư (50 tuổi), người miền Tây, cách Sài Gòn tới 100 km lận nhưng 8h sáng đã có mặt ở đền thờ Tâm linh Việt của Hoài Linh. Cô đi cùng chị gái, ông xã và vợ chồng con trai lớn, cả thảy 5 người.
Người phụ nữ thành thật bản thân không biết ý nghĩa của ngày 12/8 Âm lịch nhưng từ lâu đã nghe nói có một đền thờ “bự lắm” do Hoài Linh xây dựng, giữa Sài Gòn.
“Thiệt là dì không có biết đền thờ ai nhưng chắc chắn phải là người có công, có đức nên gia đình dì đến thắp hương. Dì cũng muốn đến để gặp Hoài Linh, dì mê lắm”, cô Tư mở lời.
Dòng người về nhà thờ tổ của Hoài Linh trong ngày 10/9.
Khi Hoài Linh cuộn chiếu, chỉnh áo cho chủ tế
Cùng với gia đình cô Tư là dòng người nườm nượp đến nhà thờ Tổ của Hoài Linh. Họ đến từ nhiều nơi, có người sống ở ngay nội thành nay dành một ngày để ra phía đông thành phố, nơi vẫn còn không khí miệt vườn, đầm sen và những rặng dừa. Trong khi, không ít người dân khác lại đến từ các tỉnh miền Tây, vượt cả trăm km, thậm chí cũng có người đến từ miền Trung, đi ôtô từ tờ mờ sáng.
Hơn 9h, hai bên sân đều chật cứng người, chỉ còn khoảng trống lớn ở giữa - nơi mà các nghệ sĩ chuẩn bị có màn rước kiệu và lễ tổ. Phần nghi lễ năm nay diễn ra sớm hơn so với mọi năm. Điều này khiến nhiều nghệ sĩ Việt đến dâng hương khi đã qua phần lễ, chỉ còn phần hội.
NSƯT Thoại Mỹ - “oanh vàng” của làng cải lương - đóng vai trò chủ tế với áo dài đỏ, đầu đội mấn lộng lẫy. Hỗ trợ nữ nghệ sĩ là dàn quan viên giai tế gần 20 người, trong đó có Nam Thư. Dàn nữ quan diện trang phục màu vàng và hồng, tùy theo cấp bậc.
NSƯT Thoại Mỹ đóng vai trò chủ tế tại nhà thờ Tổ của Hoài Linh.
Cách tế theo đúng nghi thức truyền thống, tức dâng hoa đăng từ ngoài vào trong chính điện, mỗi nhịp trống là một bước chân. Dàn nữ quan chia thành bên tả, bên hữu. Chủ tế vốn đứng giữa hai hàng quan viên nhưng khi bước vào chính điện thì đi theo bên hữu.
Hoa đăng, tức nến và hoa hồng tươi được đặt nghiêm trang ở chính điện. Dàn nữ quan sau đó chậm bước ra ngoài, chủ tế quỳ lễ trước khi lần dâng hoa đăng tiếp theo bắt đầu. Buổi lễ chỉ kết thúc khi hoa đăng đã được dâng hết.
Do quan viên là nữ nên Hoài Linh không đứng ngôi chủ tế. Thay vào đó, danh hài đóng vai trò như một người phục vụ dù diện áo dài đỏ. Anh chỉnh áo cho chủ tế Thoại Mỹ, nhắc nhở khi quan viên chưa đứng đúng vị trí và cũng không ngại cuộn chiếu khi lễ chính đã kết thúc.
Dù không đóng vai trò dâng tế trong ngày chính hội, Hoài Linh đi ra đi vào, lo toan mọi việc. Sau phần lễ, anh cũng thay mặt chủ tế là NSƯT Thoại Mỹ và quan viên giai tế gửi lời cảm ơn đến bà con gần xa, không quản đường xá về với đền thờ trong ngày riêng của ngành sân khấu.
Cô Tư đứng không xa Hoài Linh, người phụ nữ miền Tây tóc đã điểm bạc vỗ tay trước những chia sẻ của danh hài. Cô nói với phóng viên: “Chưa bao giờ được gần nhiều nghệ sĩ đến thế”.
Ngày Tết của giới nghệ sĩNhà thờ Tổ do Hoài Linh xây dựng chỉ là một trong những địa điểm tổ chức ngày giỗ Tổ ngành sân khấu. Mỗi sân khấu ở TP.HCM như sân khấu Hồng Vân, Trịnh Kim Chi, 5B Võ Văn Tần của Mỹ Uyên,… đều có không gian tổ chức của riêng mình. Ở Hà Nội, các nhà hát như Tuổi trẻ, Nhà hát Kịch Việt Nam,… cũng có chương trình riêng.
Trong ngày giỗ Tổ nghề, các nghệ sĩ sân khấu thường quy tụ ở những nơi mà mình đã trưởng thành, như Thúy Nga đã đến dâng hương ở sân khấu Hồng Vân vì chị trưởng thành ở nơi này.
Giới nhạc sĩ, ca sĩ và những nghệ sĩ tự do, không sinh hoạt ở nhà hát, đoàn thể thường chọn đến với nhà thờ Tâm linh Việt do Hoài Linh xây dựng. Nơi đây trở thành ngày hội quy tụ nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như Thanh Hà, Hồ Ngọc Hà, Trấn Thành, Lê Giang, Ngô Kiến Huy, Khổng Tú Quỳnh, Thu Trang, Tiến Luật, Dương Khắc Linh,…
Nhiều nghệ sĩ 9X cũng đến dâng hương trong ngày truyền thống của nghề như Hoài Lâm, Hoàng Rob, Jack, K-ICM, Hoàng Yến Chibi, Tiêu Châu Như Quỳnh… Một vài MC, người mẫu, ca sĩ chuyên trị hát hội chợ, hiện tượng mạng cũng có mặt.
Hoài Linh mặc áo bà ba, chân trần hát tri ân khán giả ngay tại sân đền.
Phần đông nghệ sĩ diện trang phục giản dị, đời thường. Không cầu kỳ trong ăn mặc nhưng cũng không diện trang phục truyền thống, nghiêm trang để đi lễ. Nghệ sĩ hiếm hoi mặc áo dài là Thanh Hằng - một giọng ca cải lương gạo cội. Nữ nghệ sĩ cũng là một trong những người nhiệt tình nhất trong phần hội sau đó.
Phần hội được tổ chức sau thời gian dâng hương. Theo truyền thống, phần hội còn được gọi là hát cúng tổ. Đây là thời điểm để các nghệ sĩ hát hầu tổ, và cũng là cơ hội để các đào kép chưa nổi tiếng thể hiện trước đoàn, chứng tỏ sự tiến bộ.
Nhà thờ tổ của Hoài Linh phần nào giữ được tinh thần đó. Trong phần hội, các nghệ sĩ say sưa hát cúng tổ và tri ân khán giả. Nhiều nghệ sĩ vẫn còn chưa quen mặt với số đông nhưng không ngại khoe khả năng, giọng hát và nhận được sự tán thưởng từ người thưởng thức.
Hoài Linh ôm khán giả.
Khán giả được chìm đắm trong không khí vui tươi, thân thiện mà các nghệ sĩ mang lại, đặc biệt là sự xuất hiện của Hoài Linh. Anh song ca với con trai nuôi Hoài Sơn một chùm ca khúc quen thuộc. Anh vừa múa, vừa hát, đồng thời cũng không quên bắt tay, chụp ảnh với khán giả xung quanh.
Danh hài còn khiến những người có mặt phải bật cười với nhắn nhủ “có một không hai”.
Chuyện là khi biết có những kẻ gian trà trộn vào dòng người, danh hài cầm micro nhắc nhở hài hước: “Thôi, các anh tha cho bà con, lâu lâu mới có một ngày mà”. Danh hài nói trong khi khán giả vỗ tay không ngớt. Trước đó, anh cũng dặn khán giả đừng chen lấn, xô đẩy vì vô tình tạo điều kiện cho kẻ xấu “hành nghề”.
Cô Tư thi thoảng lại mở điện thoại quay tiết mục của thần tượng về làm kỷ niệm. “Lần đầu dì được gặp Hoài Linh ngoài đời, thấy ổng thân thiện, hài hước, quan tâm người có tuổi. Dì vốn không có ghế nên phải đứng, nhưng sau đó ổng bảo chung: 'Ai tre trẻ mà đang ngồi ghế có thể nhường cho người lớn tuổi được không?' Mấy bạn trẻ sau đó vui vẻ đứng dậy và dì được ngồi ngay hàng đầu, coi đã quá trời”, cô Tư chia sẻ trước khi lên xe, trở về nhà.
Liên hệ quảng cáo: 0918 043 403 - toasoan@dnvnnews.com
Bản quyền của DOANH NHÂN VIỆT NAM