Khi kiến trúc sư triển vọng quyết định rẽ lối
Trại Cá không bán cá. Nằm tại con ngõ trên phố Trần Đại Nghĩa (Hà Nội), Trại Cá là không gian của hơn 1.000 món đồ gia dụng thủ công nhỏ xinh đến từ các làng nghề truyền thống Việt Nam, như bát, đĩa, thìa, đũa, túi cói, lọ hoa, giỏ mây…
Chủ cửa hàng, Đào Lê Hồng Mỹ (sinh năm 1988), thực ra là dân “tay ngang”, bởi chuyên ngành chính mà cô theo đuổi là kiến trúc. Sau khi tốt nghiệp Trường đại học Xây dựng (khoa Kiến trúc), Hồng Mỹ học thạc sỹ tại Anh với mảng thiết kế kiến trúc về môi trường.
Nếu tìm kiếm thông tin về Hồng Mỹ trên Google, không ít người sẽ thấy bất ngờ vì bảng thành tích mà nhà sáng lập này sở hữu. Ví dụ, giải Nhất FuturArc 2014 - hạng mục Chuyên nghiệp; giải Nhì Spec go Green 2014 - hạng mục Kiến trúc sư trẻ; giải Nhất thiết kế nhà ở thu nhập thấp - CPDI châu Phi 2015…
Nghề kiến trúc cho Hồng Mỹ nhiều thứ, thu nhập tốt và các cơ hội rộng mở, nhưng lại lấy đi một thứ vô cùng quan trọng khác, đó là thời gian. Mỹ chia sẻ, vào thời điểm năm 2014, 2015, khi làm kiến trúc sư cho một công ty nước ngoài, cô thường xuyên làm việc 12 tiếng mỗi ngày, thậm chí thức xuyên đêm để kịp tiến độ. Sự mất cân bằng này khiến cô stress, mệt mỏi, không có thời gian dành cho bản thân và gia đình.
“Đó là lúc tôi nghĩ, mình cần một khoảng nghỉ”, Hồng Mỹ tâm sự.
Cô quyết định tạm dừng công việc kiến trúc sư, “sạc” lại năng lượng và khám phá cuộc sống bên ngoài 4 bức tường văn phòng. Không có định hướng gì cụ thể, Hồng Mỹ cùng chiếc xe máy của mình rong ruổi khắp các làng nghề quanh Hà Nội. Càng đi, cô càng cảm thấy “phải lòng” những món đồ thủ công nhỏ xinh.
Đặc biệt, Mỹ nhận ra, đang tồn tại một khoảng cách không nhỏ giữa người làm nghề thủ công và người tiêu dùng. Thời điểm đó, một bộ phận người tiêu dùng không biết rằng, Việt Nam là cái nôi của nhiều món đồ thủ công đẹp đẽ, tinh xảo. Còn người thợ thủ công làm ra sản phẩm, nhưng chưa tiếp cận được với đông đảo khách hàng trong nước, mà chủ yếu xuất khẩu ra nước ngoài.
“Tôi nghĩ, mình cần làm gì đó để kết nối 2 phía, đưa sản phẩm thủ công của Việt Nam đến gần với người Việt”, nhà sáng lập 8x chia sẻ.
Tháng 5/2016, Hồng Mỹ hiện thực hóa ý tưởng trên bằng một cửa hàng nhỏ ngay tại nhà, trong ngõ Trại Cá (Hà Nội). Đó cũng là khởi nguồn của tên thương hiệu sau này.
Khi đó, cửa hàng chỉ rộng khoảng 15 m2, bày bán sản phẩm còn dư sau mỗi lô hàng xuất khẩu của các làng nghề. Mỹ nói rằng, mình may mắn vì được khách hàng ủng hộ ngay từ ngày đầu tiên. Mỗi vị khách đến với Trại Cá là một niềm động viên để cô tiếp tục con đường của mình.
Dần dần, Trại Cá ngày càng có chỗ đứng vững chắc trong lòng khách hàng. Cửa hàng chuyển địa điểm 2 lần, trước khi tọa lạc tại cơ sở khang trang, rộng rãi như hiện nay.
“Khởi nghiệp, hãy trang bị nhiều kiến thức nhất có thể”
Xuyên suốt chặng đường 7 năm khởi nghiệp, Hồng Mỹ trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, khó khăn. Hồi năm 2018, khi chuyển cửa hàng về vị trí hiện tại, cô khá chật vật khi phải đầu tư, xây dựng lại toàn bộ hệ thống, máy móc quản lý. Hay trong năm nay, nhà sáng lập Trại Cá cũng xác định là một năm đầy thử thách, vì tình hình kinh tế đi xuống, khách hàng có xu hướng thắt chặt chi tiêu.
Tuy nhiên, Hồng Mỹ đã vạch sẵn con đường và sẽ kiên trì tiến về phía trước. Với hướng đi đó, trong năm 2023, Hồng Mỹ tiếp tục hoàn thiện kiến thức của mình theo hướng bài bản hơn. Cô sẽ học lại các khóa về kiến thức quản trị kinh doanh và tài chính.
Trước đây, Mỹ từng nghĩ, một cửa hàng nhỏ như Trại Cá không cần quá chi tiết về mặt tài chính, nhưng sau này, cô nhận ra, tài chính là xương sống, quyết định sự tồn tại của cả doanh nghiệp. Đặc biệt, năm nay, Trại Cá chuyển từ mô hình hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp, nên các vấn đề về tài chính, bộ máy càng cần được củng cố vững chắc hơn nữa.
“Nếu chúng ta cố gắng trang bị kiến thức ngay từ đầu, thì quá trình khởi nghiệp sẽ bớt rủi ro hơn nhiều”, Hồng Mỹ khẳng định.
Đến thời điểm hiện tại, điều khiến nhà sáng lập 8x tự hào nhất chính là đã luôn kiên trì trên hành trình xây dựng Trại Cá. Với cô, thành công của một doanh nghiệp không phải là doanh số nhiều hay ít, số lượng chi nhánh lớn hay nhỏ, mà quan trọng nhất là sự bền bỉ, khả năng phát triển bền vững cùng thời gian.
Khi được hỏi có lúc nào nghĩ đến việc quay lại với ngành kiến trúc hay không, Hồng Mỹ chia sẻ, cô luôn biết ơn quãng thời gian gắn bó với công việc kiến trúc sư. Đó là nền móng gây dựng cho Hồng Mỹ tư duy về thẩm mỹ cũng như kiến thức về vật liệu, màu sắc, ánh sáng... Nhờ đó, Mỹ có thể chọn lọc được những sản phẩm phù hợp cho Trại Cá, cũng như truyền tải thông điệp về vẻ đẹp của từng sản phẩm đến với khách hàng.
“Tôi nghĩ, nếu có một ngày nào đó tôi trở lại với kiến trúc, chắc chắn, tôi sẽ làm kiến trúc với một tâm thế tốt hơn rất nhiều so với trước đây”, Hồng Mỹ tự tin nói.
Theo Báo Đầu Tư
Liên hệ quảng cáo: 0918 043 403 - toasoan@dnvnnews.com
Bản quyền của DOANH NHÂN VIỆT NAM