Ngày 23/9/2020, trao đổi với Đất Việt về hiện tượng giao dịch lan đột biến im ắng trong thời gian qua, nhiều nghệ nhân cây cảnh cho rằng, đây là hệ quả tất yếu khi mà cơ quan chức năng lên tiếng cảnh báo, tăng cường giám sát quản lý để hạn chế những giao dịch ảo trong lĩnh vực này.
Ông Dương Thanh - một nghệ nhân cây cảnh ở Phú Thọ bày tỏ: "Người chơi lan hay đầu tư vào lan đột biến cần phải chấp nhận sự thật, đưa loại cây này về đúng giá trị thật vốn có của nó. Không vì giá mua vào cao mà tìm mọi cách bán ra với giá cao để ôm thêm thiệt hại".
Ông Thanh cho biết, thời gian trước khi giá trị lan đột biến bị "thổi phồng" nên nhiều người lầm tưởng về giá trị từ loại cây này nên chấp nhận mua với giá cao. Đến bây giờ, khi những sự thật về lan đột biến dần được hé lộ thì nhiều người không còn ôm giấc mộng đổi đời nữa, chính vì thế, họ không chấp nhận mua với giá như 2 - 3 năm về trước.
"Có hiện tượng người đầu tư hàng tỷ đồng vào lan đột biến vẫn không chịu bán thanh lý mà hy vọng vào một thời điểm nào đó, loại cây này sẽ có giá trị trở lại.
Tuy nhiên, đến bao giờ mới quay lại giá cũ thì không ai biết. Thậm chí, sẽ chẳng bao giờ được như giá mua vào trước đây nữa nên số tiền bỏ ra đầu tư vẫn nằm ở những cây lan mà hàng ngày vẫn phải trả lãi vay để đầu tư.
Đối với người có vốn sẵn thì điều đó không sao nhưng với người đi vay tiền để đầu tư vào lan thì phải chịu nhiều áp lực đến từ việc trả lãi. Chính vì thế, cần phải thức tỉnh, thanh lý để thu hồi vốn, mặc dù biết là lỗ nhưng đó là điều bình thường trong đầu tư kinh doanh" - ông Thanh đưa ra lời khuyên.
Vị nghệ nhân cây cảnh này cho biết, lan đột biến là loại cây sẽ chăm sóc và sinh trưởng nhanh. Nếu là người có kinh nghiệm đối với trồng lan thì hãy bình tĩnh, từ cây gốc mua về có thể trải qua thời gian chăm sóc cây sẽ cho ra nhiều cây con, từ đó bán dần để thu hồi vốn.
"Tránh tư duy đầu tư lướt sóng với lan đột biến mà cần phải có chiến lược cụ thể. Nhân kie lan từ thân cây mẹ để bán dần thu hồi vốn về, tránh thiệt hại nặng nhất" - ông Danh bày tỏ.
Tuy nhiên, lời khuyên của ông Danh chỉ dành cho những người mua được đúng loại cây lan đột biến. Còn những người bị lừa, mua phải lan đột biến giả thì sẽ như thế nào?
Trả lời câu hỏi này, một nghệ nhân cây cảnh ở Thường Tín - Hà Nội cho rằng, người bị lừa mua lan đột biến giả cần phải chấp nhận sự thật và đưa sự việc ra cơ quan chức năng đề nghị giải quyết.
"Giao dịch cây cảnh hiện nay ở Việt Nam thường chỉ là thỏa thuận dân sự giữa 2 bên. Mặc dù có bằng chứng cụ thể về cam kết của bên bán nhưng khả năng đòi lại được tiền là rất khó vì nếu đối tượng đã chủ đích lừa thì sẽ tìm mọi cách để cắt liên lạc với người mua, thông tin về nơi ở cũng bị làm giả.
Nhưng nếu như không tố cáo sự việc, đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc giải quyết thì sẽ mất trắng. Nên dù có chút hy vọng mong manh cũng phải làm" - ông Danh nói.
Trong khi đó, một nạn nhân bị lừa hàng tỷ đồng vì trót đầu tư vào lan đột biến trên địa bàn tỉnh Phú Thọ tâm sự: "Khi biết mình bị lừa, bản thân cũng rất băn khoăn. Ban đầu nghĩ chấp nhận mất tiền trong sự yên lặng nhưng những người mua lan của mình liên tục đến bắt đền, ép trả lại tiền nên sức ép không chịu nổi, buộc phải nhờ cơ quan chức năng vào cuộc.
Khi tôi cùng cơ quan chức năng tới những cơ sở từng bán lan cho mình thì không thấy họ ở đó nữa, nhà vườn đã chuyển đi nơi khác. Còn chuyển đi đâu thì không rõ. Tôi ước gì mình phát hiện và tố cáo cơ quan chức năng sớm hơn để nhóm lừa đảo không kịp chạy trốn".
Theo Ngọc Bảo
Đất Việt
Liên hệ quảng cáo: 0918 043 403 - toasoan@dnvnnews.com
Bản quyền của DOANH NHÂN VIỆT NAM