Truyền thông trong nước vừa dẫn thông tin kết quả khảo sát của Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) về khả năng chống chịu của doanh nghiệp du lịch trong dịch COVID-19, cho thấy tình hình không mấy khả quan của ngành này. 432 doanh nghiệp du lịch tại Hà Nội, TP.HCM và 16 tỉnh, thành khác với quy mô khác nhau tham gia khảo sát.
Tính đến tháng 3/2021 (tức 14 tháng kể từ khi dịch bùng phát vào tháng 1/2020), khoảng 61% số lao động trong ngành du lịch có việc làm so với trước dịch, tức 39% lao động ngành này vẫn thất nghiệp, chưa thể trở lại ngành để làm việc.
Trong nhóm lao động có việc, chỉ 61% lao động trong các cơ sở lưu trú có việc làm so với trước dịch. Tỷ lệ này ở nhóm lữ hành quốc tế là 60% và bán hàng lưu niệm là 58%. Đa số lao động du lịch có việc làm phải chấp nhận giảm thời gian làm việc, giảm lương.
Doanh thu của các doanh nghiệp sụt giảm mạnh, ước tính khoảng 56% số doanh nghiệp trả lời doanh thu của năm 2020 chỉ còn ít hơn 25% so với năm 2019. Trong đó, chịu tác động nặng nhất là các doanh nghiệp du lịch nhỏ và siêu nhỏ, của ngành lữ hành quốc tế, lữ hành nội địa và vận chuyển du lịch.
Ngoài doanh thu sụt giảm, dịch COVID-19 làm tăng thêm những chi phí phát sinh như chi phí quản lý, chi phí trợ cấp tài chính cho nhân viên phải nghỉ việc…
Kết quả khảo sát của TAB cho thấy có đến 88% các doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ giãn nộp và giảm thuế, miễn hoặc hoãn đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, công đoàn phí. 86% doanh nghiệp mong muốn giảm bớt các cuộc thanh, kiểm tra không cần thiết. Có đến 91% doanh nghiệp đều mong muốn được hỗ trợ tiêm chủng COVID-19 cho người lao động.
TAB đánh giá năm 2021 tiếp tục là năm khó khăn với ngành du lịch còn hầu hết doanh nghiệp dự đoán phải đến nửa sau năm 2022, ngành kinh tế này mới có thể trở lại bình thường.
Tại một hội nghị tổng kết ngành du lịch TP.HCM năm 2020 tổ chức hồi tháng 1/2021, đại diện khách sạn Grand Hotel Sài Gòn ước tính trên 90% nhân sự khách sạn từ 3 đến 5 sao tại TP.HCM đang nghỉ việc không lương. Bà Nguyễn Thị Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM cho hay phần lớn hướng dẫn viên du lịch chưa thể quay trở lại làm việc, chủ yếu là hướng dẫn của tour khách quốc tế. Hầu hết hướng dẫn viên du lịch phải chuyển nghề, làm đủ việc để kiếm sống như bán hàng online, shipper đến kinh doanh cà phê, ăn uống… Lượng khách quốc tế lẫn khách nội địa đến TP.HCM trong một năm qua giảm lần lượt 85% và gần 52%, giảm sâu hơn trung bình của cả nước; doanh thu ngành du lịch của TP có tỷ lệ giảm ít hơn, gần 40% – theo ông Hà Văn Siêu, phó tổng cục trưởng Tổng Cục Du lịch. Đến gần giữa năm 2021, ngành du lịch đang đặt hy vọng vào hoạt động du lịch nội địa trong đợt nghỉ 30/4-1/5. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bùng phát mạnh trở lại tại châu Á, như Ấn Độ, Indonesia, Philippines, đặc biệt 3 nước Đông Nam Á là Campuchia, Lào, Thái Lan, hoạt động này đang kiểu “nửa đóng nửa mở” khi quan sát trên tổng thể. Trong khi nhiều khách sạn, nhà nghỉ tại Sa Pa, Hạ Long, Đà Lạt, Nha Trang, Vũng Tàu, Phú Quốc… đã thông báo “cháy phòng” trong dịp 30/4-1/5, và du khách đã nhộn nhịp từ một tuần trước đó, thì giới chức mỗi tỉnh đang tự lượng tình hình để ra chính sách kiểm soát. TP.HCM tuyên bố phạt người không đeo khẩu trang nơi công cộng từ ngày 27/4, và tương tự Đà Nẵng, Quảng Ninh, Nghệ An, Quảng Trị, thông báo hủy bắn pháo hoa để hạn chế tập trung đông người. Khánh Hòa tuyên bố vẫn tổ chức bắn pháo hoa nhưng lại thông báo “hạn chế các sự kiện, hoạt động tập trung đông người không cần thiết” và “phải tuân thủ đeo khẩu trang, sát khuẩn…”. Ban quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho hay sẽ tuyên truyền du khách trên bờ phải đeo khẩu trang, xuống bãi tắm phải giữ khoảng cách. Hiện mỗi ngày, hơn 2.000 lượt người đến tắm biển Đà Nẵng; con số này dự báo sẽ tăng lên 3.500 lượt/ngày trong đợt nghỉ tới. TP Sầm Sơn (Thanh Hóa) dự đoán sẽ đón khoảng 100.000 khách/ngày đợt tới khi tối 24/4 vừa qua, hơn 10.000 người đã đến tham dự đêm khai hội du lịch Sầm Sơn năm 2021. |
Liên hệ quảng cáo: 0918 043 403 - toasoan@dnvnnews.com
Bản quyền của DOANH NHÂN VIỆT NAM