Sang Trung Quốc học thụ tinh nhân tạo cho gà
Cách trung tâm Hà Nội gần 70km, sau hơn một giờ đi xe, chúng tôi cũng có mặt tại trại gà của lão nông Nguyễn Phương Đông ở Ba Trại (Ba Vì, Hà Nội). Dẫn chúng tôi vào thăm trại gà, ông Đông khoe: “Nhìn không quá bề thế như các trại gà của công ty lớn, nhưng trại gà đẻ của tôi áp dụng kỹ thuật cao chẳng kém gì đâu nhé”.
Thắc mắc vì sao nuôi gà đẻ trứng đem ấp nở mà gà trống lại nhốt trong lồng sắt tạo thành một hàng dài bao quanh chuồng, ông Đông bật mí: “Những trại gà đẻ lấy trứng ấp nở thường nuôi trống và mái chung trong chuồng để gà trống đạp mái. Nhưng ở trại của tôi, gà mái được thụ tinh nhân tạo nên gà trống sẽ nuôi nhốt riêng. Thế nên, lúc nãy tôi mới nói tôi áp dụng phương pháp nuôi gà đẻ với kỹ thuật cao chẳng kém gì các công ty lớn là thế”.
Trại gà đẻ lấy trứng giống được ông Đông nuôi nhốt mái riêng |
Ông Đông có hơn 20 năm kinh nghiệm nuôi và chăm gà. Khi còn trẻ, ông là công nhân chăn gà thuê. Làm được hơn chục năm, ông về quê mở lò ấp nở để chuyên bán gà giống. Công việc khá vất vả, thu nhập bấp bênh vì đầu ra và đầu vào phụ thuộc vào thị trường. Nếu giá gà cao thì con giống giá cũng đắt và ngược lại, giá gà thấp thì gà giống bán rẻ như cho. Lúc đó, coi như ấp nở không công, thậm chí còn thua lỗ nặng.
Theo nghề được vài năm, ông nghĩ cứ thế mãi cũng không ổn. Trong lúc trăn trở tìm hướng đi khác, ông vô tình biết về công nghệ thụ tinh nhân tạo cho gà. Thấy hấp dẫn, ông đi sâu vào tìm hiểu và năm 2017, ông quyết định khăn gói một mình sang Trung Quốc học cho bằng được kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cho gà.
“Hơn một tháng sống ở xứ người với chi phí lên tới 200 triệu đồng, tôi đã học được kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cho gà của Trung Quốc”, ông Đông nói. Học xong, ông về bắt tay ngay vào làm trại gà đẻ và bắt đầu thử nghiệm phương pháp thụ tinh nhân tạo cho gà, đồng thời hướng dẫn và đào tạo cho công nhân thuần thục kỹ thuật này.
Đàn gà trống bố được nuôi tách biệt ở bên ngoài |
“Thực ra, quan trọng nhất là kỹ thuật lấy tinh từ gà trống và bơm tinh vào gà mái thôi. Chứ kỹ thuật nuôi gà tôi thuộc 'nằm lòng' vì có hơn 20 năm kinh nghiệm trong nghề rồi”, ông chia sẻ.
Thử nghiệm cho kết quả mỹ mãn, tỷ lệ trứng gà có phôi đạt tới 97%, ông tiến hành mở rộng quy mô trang trại của mình. Từ 1, ông tăng lên thành 2, 3 trại,... đến nay ông có tổng cộng 10 trại, với tổng đàn 5 vạn con gà, trong đó có 2,2 vạn con đang trong thời kỳ đẻ trứng, còn lại là gà hậu bị.
Thu lãi 1,5 tỷ mỗi tháng
Ông Đông cho hay, một số trại ông nuôi gà bố là chọi nòi, gà mẹ là gà mái nội nhập; một số khác ông nuôi gà bố là gà mía thuần chủng,... để tạo ra giống gà có chất lượng thịt thơm ngon, chắc thịt, phù hợp với thị hiếu của thị trường.
Theo đó, gà trống bố được nhốt riêng vào các lồng ở bên ngoài, còn gà mái mẹ được nuôi ở phía bên trong với các lồng gà được thiết kế xếp chồng lên nhau nhằm tiết kiệm diện tích, đồng thời cũng tạo thuận lợi cho quá trình thụ tinh nhân tạo cho gà.
Từ 4 giờ chiều hàng ngày, gà trống bố sẽ được bắt ra lấy tinh trùng thụ tinh nhân tạo cho gà mái đẻ |
Dùng kỹ thuật này có thể giảm được đàn gà trống bố, bởi, tinh trùng lấy từ 1 con gà trống bố có thể thụ tinh cho 40 con gà mái đẻ. Cứ tầm 4 giờ chiều (lúc gà mái đã kết thúc việc đẻ trứng trong ngày), công nhân kỹ thuật sẽ bắt gà trống bố lấy tinh, sau đó pha với dung dịch pha tinh chuyên dụng để làm loãng tinh, giúp chia nhỏ lượng tinh ra một cách dễ dàng. Sau đó, tinh gà được bơm ngay vào gà mái đẻ với tần suất 4 ngày một lần.
Nếu cho gà trống đạp mái tự nhiên, tỷ lệ trứng có phôi đạt rất thấp, nhưng thụ tinh nhân tạo cho gà, tỷ lệ trứng có phôi đạt đến 97%. Do đó, giá trứng giống bán ra cũng cao hơn vì được các lò ấp nở chuộng mua.
Ông Đông nuôi gà đẻ thụ tinh nhân tạo trên quy mô lớn được nửa năm nay, hiện lứa gà đầu tiên đã bước vào thời kỳ đẻ sai trứng. Ví như trại này có 4.000 con gà mái, lượng trứng thu được lên tới 2.700 quả/ngày. Với giá trứng gà giống đang bán cho các lò ấp là 5.000 đồng/quả, trừ đi chi phí cám, nhân công, hao mòn chuồng trại,... ông đút túi khoảng 10 triệu đồng/ngày. Tính ra, với quy mô 2,2 vạn gà đẻ trứng, sau khi trừ đi chi phí, mỗi tháng ông lãi khoảng 1,5 tỷ đồng.
Trong quá trình nuôi gà đẻ trứng, có những lúc giá trứng cao, thấp; song, do chọn nuôi giống gà này nên ông chủ động được việc duy trì gà đẻ để lấy lãi hay phá đàn bán gà thịt.
Nhờ phương pháp thụ tinh nhân tạo cho gà đẻ giúp tỷ lệ trứng có phôi cao mà ông thu lãi đều 1,5 tỷ đồng/tháng |
Đơn cử, gà mái mẹ nuôi từ lúc bóc trứng đến lúc đẻ bói đạt trọng lượng cơ thể ở mức 3,3-3,6 kg/con, chi phí khoảng 45.000 đồng/kg tính cả tiền giống. Với giá trứng cao như hiện tại, ông tiếp tục cho gà đẻ để bán trứng giống, còn giá trứng xuống thấp, ông sẽ phá đàn bán gà thịt.
Thường thì sau khi phá đàn, giá gà thịt loại này thấp nhất cũng trên 50.000 đồng/kg, cao thì trên 80.000 đồng/kg. Như vậy, đa phần sẽ không chịu lỗ bao giờ kể cả khi giá trứng xuống thấp phải phá đàn.
Ông Nguyễn Xuân Hòa - chuỗi liên kết sản xuất Hatthocvang - chuyên về các giống gà đặc sản giống và thương phẩm ở Hà Đông (Hà Nội), cho rằng, lão nông Nguyễn Phương Đông thành công với mô hình chăn nuôi gà đẻ thụ tinh nhân tạo và thu được lợi nhuận lớn là bởi đã biết chọn nuôi các loại gà đặc sản thuần chủng mang bản sắc vùng miền, với chất lượng thịt thơm ngon, chắc. Loại gà này được người tiêu dùng ưa thích và nông dân chuộng nuôi.
Một điểm đặc biệt khác là dù đi theo hướng làm giống gà đặc sản, song ông Đông lại áp dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cho gà khá hiện đại. Từ đó, tạo ra được con giống có nguồn gen thuần quý với năng suất cao, đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Châu Giang
Liên hệ quảng cáo: 0918 043 403 - toasoan@dnvnnews.com
Bản quyền của DOANH NHÂN VIỆT NAM