Những năm gần đây, Đồ gỗ nội thất đang trở thành xu thế được ưa chuộng trên thị trường trong nước và quốc tế. Tuy vậy, những đại gia lớn trong lĩnh vực kinh doanh này lại chọn con đường xuất khẩu để tiến tới những cơ hội lớn, song song với xu thế đó là sự bỏ ngỏ một thị trường vô cùng tiềm năng là thị trường nội địa.
Theo Tổng cục Hải Quan, xuất khẩu đồ gỗ năm 2012 đạt khoảng 4,6 tỷ USD; Số liệu thống kê của các công ty khảo sát thị trường cũng như nhận định của các chuyên gia trong ngành đồ gỗ, nội thất chỉ ra rằng sức tiêu thụ đồ gỗ của thị trường nội địa Việt Nam vào khoảng hơn 2,5 tỷ USD; Khoảng 80% thị phần đồ gỗ, nội thất trong nước thuộc các công ty đa quốc gia, các công ty có vốn đầu tư nước ngoài, trong khi các doanh nghiệp Việt Nam chỉ có 20% phần còn lại. Từ thực tế trên cho thấy các doanh nghiệp đồ gỗ mỹ nghệ trong nước đang mất ưu thế. Sự đi lên nhanh chóng của những đơn vị xuất khẩu đồ gỗ khi có những đơn hàng lớn từ nước ngoài cũng đồng nghĩa với việc chấp nhận những rủi ro khi thị trường biến động và phương hướng tháo gỡ cũng gặp nhiều khó khăn hơn so với thị trường trong nước. Sau cơn bão khủng hoảng kinh tế những năm vừa qua, nhiều doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng đồ gỗ, nội thất đã thừa nhận rằng, đã đến lúc họ quay lại khai thác thị trường nội địa vốn có nhiều tiềm năng và lợi thế như hiện nay.
Phải nói rằng việc tiếp cận thị trường trong nước vốn có nhiều thuận lợi đối với những đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực này như: không bị phụ thuộc vào một thị trường nào đó bởi nếu thị trường đó biến động sẽ kéo theo những khó khăn khó tháo gỡ. Bên cạnh đó, xâm nhập thị trường trong nước sẽ tránh được nhiều rủi ro, những đơn đặt hàng trong nước cũng có giá trị cao hơn các mặt hàng xuất khẩu… Tuy nhiên, để xâm nhập được vào thị trường vốn đã quá quen với các thương hiệu ngoại đòi hỏi doanh nghiệp phải tỉnh táo để nắm bắt được xu hướng tiêu dùng sản phẩm và khả năng tiêu thụ đồng thời phải luôn sáng tạo để làm nên những sản phẩm độc đáo, chất lượng mới mong giành lại được sự ủng hộ của người tiêu dùng trong nước. Một trong những thương hiệu đã làm được điều này đó là Công ty TNHH B.A FURNITURE (Boutique Art). Có một điều khiến giới kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ tại TPHCM rất ngạc nhiên là người làm nên thương hiệu Boutique Art được nhiều người ưa thích này là một doanh nhân, một nghệ sĩ còn khá trẻ, song với niềm đam mê nghệ thuật, ý chí tìm tòi, học hỏi trong kinh doanh đã khiến anh làm nên một Boutique Art đầy nội lực, anh là Nguyễn Văn Chương - Giám đốc Công ty TNHH B.A FURNITURE.
Vốn xuất thân là một sinh viên ngành Mỹ thuật tạo hình, niềm đam mê với nghệ thuật đã ngấm vào máu của chàng trai trẻ cộng thêm khả năng chế tác khéo léo đã đưa anh đến với nhiều quyết định táo bạo. Sau khi tốt nghiệp đại học, mang theo nhiệt huyết của tuổi trẻ Nguyễn Văn Chương lên đường vào TP HCM, nơi được xem là thiên đường để người trẻ lập nghiệp chỉ với hành trang là tình yêu nghệ thuật và khát vọng làm giàu. Anh bắt đầu sự nghiệp kinh doanh của mình khi cùng một nhóm bạn gây dựng nên Boutique Art, thương hiệu kinh doanh các sản phẩm nội thất bằng gỗ và thủ công mỹ nghệ. Art décor là một trong những phong cách đồ gỗ nội thất du nhập vào Việt Nam nửa đầu thế kỷ 20, kết hợp giữa nét trang nhã của châu Âu (Pháp) và sự tinh tế của văn hóa phương Đông tại Việt Nam, Phong cách Art décor khác biệt hẳn với phong cách đồ gỗ thiết kế theo lối cung đình Huế, hoa văn Trung Hoa và khác với cả phong cách thiết kế của chính quốc Pháp tại châu Âu. Vì vậy, khi mới ra đời Boutique Art đã nhận được nhiều sự chú ý, tuy nhiên, trong kinh doanh nếu không có kế hoạch truyền thông hiệu quả thì cũng không thể phát triển thương hiệu sản phẩm. Trong một thời gian khá dài Boutique Art như ngủ quên trong cơn mê của nghệ thuật mà không mở rộng được thị trường và quảng bá sản phẩm. Vì thế, khi được chuyển giao toàn bộ cổ phần kinh doanh của Boutique Art anh Chương phải đối mặt với khó khăn cực kỳ lớn buộc anh phải có những bước đi ngoạn mục để thay đổi. Nhờ ý chí sáng tạo và ham học hỏi anh đã bắt đầu tái cơ cấu công việc kinh doanh của mình với những chiến lược quảng bá. Nhưng trên hết anh vẫn luôn giữ được nét độc đáo trong từng sản phẩm và không ngừng sáng tạo nên những mẫu mã mới để phục vụ nhu cầu và thị hiếu thẩm mĩ ngày càng cao của người tiêu dùng. Với phương châm “Lấy sự hài lòng của khách hàng làm thước đo của sự thành công”, đối với tất cả các khách hàng của công ty đều được anh Chương tư vấn tận tình để chọn được sản phẩm phù hợp với cấu trúc căn hộ và sở thích của chủ nhân.
Chính sự nhiệt tình của anh và chất lượng sản phẩm tốt đã tạo dựng được lòng tin của khách hàng đối với Boutique Art. Không ngừng nỗ lực, dốc nhiệt huyết và tài hoa vào từng sản phẩm, ông chủ và đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, B.A Furniture Boutique Art đã trở thành thương hiệu có tiếng được nhiều người biết đến không chỉ trong nước mà còn vươn ra thị trường quốc tế sau hơn 10 năm tạo dựng. Ở Boutique Art hội tụ phong cách trang trí nội thất độc đáo với gỗ quý đủ tuổi được thiết kế tỉ mỉ và chuyên nghiệp, các công đoạn được nghệ nhân thực hiện thủ công, vô cùng tinh xảo.
Những năm gần đây, xu hướng xây dựng chung cư, căn hộ cao cấp ngày càng tăng điều đó đồng nghĩa với số lượng lớn nhu cầu đồ gỗ nội thất, vị giám đốc trẻ đã nắm được xu thế này và phát triển những sản phẩm phục vụ nhu cầu này. Thành công của anh với công trình chủng tu toàn bộ nội thất Hội Trường Thống Nhất “Dinh Độc Lập” và các dự án lớn khác.
Năm 2012 anh Chương đã đưa ra ý tưởng thiết kế chiếc sofa khổng lồ tác phẩm đã được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam công nhận đạt kỷ lục. Kết quả đó càng thôi thúc anh cố gắng hơn nữa để phát triển ý tưởng của mình thành những sản phẩm độc đáo phục vụ khách hàng.
Là ủy viên ban chấp hành Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) trong nhiều năm qua, anh Nguyễn Văn Chương đã có nhiều đóng góp quý giá nhằm phát triển đồ gỗ mỹ nghệ tại TP HCM nói riêng và cả nước nói chung. Chia tay vị giám đốc trẻ chúng tôi rất tâm đắc với một triết lý sống mà anh chia sẻ: “Đối với tôi việc lựa chọn giữa con đường trải nhựa bằng phẳng và con đường gồ ghề sỏi đá thì tôi sẽ chọn con đường sỏi đá chứ không lựa chọn con đường trải nhựa, vì đâu ai biết được những bước tiếp theo của con đường nhựa ấy sẽ bằng phẳng. Cho nên cứ bước trên con đường gồ ghề thì dù có trở ngại gì ta cũng đã quen và sẽ không cảm thấy sự khó khăn nữa”.
Phương Linh DNVN