Câu chuyện doanh nhân

Doanh nhân Nguyễn Trung Quân: “Tôi hạnh phúc khi tạo ra những giá trị lớn lao hơn tiền bạc”

Nghề du lịch đã chọn Nguyễn Trung Quân, biến anh từ một thanh niên nhà nghèo chưa bao giờ được đi du lịch đúng nghĩa, trở thành CEO Công ty Du lịch Hàng không (Avitour). Anh và đội ngũ Avitour đã chinh phục khách hàng bằng sự uy tín, nhiệt thành và những sản phẩm chất lượng, khác biệt.

“Tuổi thơ dữ dội”

Cuối tháng 6, theo lời hẹn, chúng tôi đến văn phòng của Avitour, trên phố Cù Chính Lan (Thanh Xuân, Hà Nội). Bước vào văn phòng, cả không gian như được “ướp” đầy hương sen, trà sen. Trong chiếc áo phông, CEO Nguyễn Trung Quân trẻ trung và không kém phần lịch lãm. Nhìn anh, chắc không ít người sẽ nghĩ, anh được sinh ra ở “vạch đích”, nhưng thực ra, anh xuất thân trong một gia đình nghèo, đông con ở một xã ven sông thuộc huyện Thanh Oai (Hà Tây cũ).

Anh kể, mình có một tuổi thơ “khá dữ dội”. Khi còn nhỏ, Quân chăn trâu, cắt cỏ, bắt tép nuôi gà, nuôi vịt. Lên 13 tuổi, ngoài đi học, Quân phải lo kiếm tiền phụ giúp cha mẹ nuôi các em ăn học. Giờ ra chơi, cậu tranh thủ ra các sạp bán mía cây gần trường thu mua ngọn mía để tan học chở bằng chiếc xe đạp thồ mang bán cho những gia đình nuôi bò sữa ở khu vực huyện Chương Mỹ và Thanh Oai. Nghỉ hè, Quân đi bán kem, rồi làm cả dịch vụ bơm ga bật lửa. "Hễ thấy gì hay và kiếm được tiền, tôi đều làm. Khi đó, bị bạn bè trêu chọc, nhưng tôi không hề thấy ngại ngùng, vì từ khi còn rất nhỏ, tôi luôn cảm thấy yêu thích công việc kinh doanh”, CEO 8x kể.

Lúc đi học, Quân mơ ước trở thành bác sỹ hoặc giáo viên, nhưng rồi bởi cơ duyên, lúc thi đại học, anh đăng ký cả Trường trung cấp Thương mại và Du lịch. “Nghề du lịch chọn tôi từ đó”, Quân nói.

Khi học năm thứ nhất ngành du lịch tại Trường trung cấp Thương mại và Du lịch, Quân tiếp tục thi đậu ngành quản trị kinh doanh của Viện Đại học mở và theo học 2 trường cùng lúc. Vì nhà nghèo, nên ngoài giờ lên lớp, anh làm đủ các công việc, từ bảo vệ, đến phục vụ bàn, nhân viên pha chế cho các quán cà phê ở Hà Nội.

doanh nghiệp lữ hành muốn tồn tại, thì nhất định phải phục vụ theo đặt hàng, theo nhu cầu của khách và chuyển đổi số mạnh mẽ.

- CEO Nguyễn Trung Quân

Ra trường, Quân may mắn trở thành quản lý của một nhà hàng Pháp trên phố Nhà Thờ (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Nhà hàng hợp tác với nhiều công ty du lịch đưa khách nước ngoài đến thưởng thức ẩm thực. “Với vị trí quản lý, tôi có nhiều điều kiện tiếp xúc với các hướng dẫn viên và CEO lữ hành hơn. Từ đó, tôi bắt đầu hiểu và yêu nghề du lịch”, Quân bộc bạch.

Tình yêu với nghề du lịch lớn dần, đến năm 2007, Quân nghỉ việc ở nhà hàng, ứng tuyển vào Công ty Du lịch Sen Vàng. Làm việc với niềm đam mê, Quân tự tìm tòi, gõ cửa từng công ty, đơn vị để xin số điện thoại của lãnh đạo phụ trách chăm lo đời sống, tổ chức các kỳ nghỉ mát cho người lao động. Dần dần, anh nhận được sự tin tưởng của đồng nghiệp và được ban lãnh đạo bổ nhiệm đến chức danh Phó giám đốc.

Đi vào thị trường ngách

Năm 2010, vợ chồng Quân đã có con đầu lòng, kinh tế gia đình gần như vẫn chỉ đủ ăn, anh quyết định phải tạo ra “cú hích” trong sự nghiệp nên ra riêng, thành lập Avitour.

Khởi nghiệp với số tiền chỉ đủ mua một chiếc máy tính xách tay, Quân gặp vô vàn khó khăn, nhất là về nhân sự, vì thời điểm đó, tìm được một hướng dẫn viên có nghề không dễ. “Có những tháng, tôi phải tự đi hướng dẫn tour đến 20 ngày. Tới năm 2013, tôi mới tuyển được nhân sự làm hướng dẫn viên, nhưng vẫn phải đào tạo thêm”, CEO Avitour chia sẻ.

Giai đoạn đó, Avitour chủ yếu làm lữ hành nội địa, nên hầu như chỉ có việc vào mấy tháng hè. Dịp cuối năm, anh phải nhận sản xuất, kinh doanh lịch cùng quà tặng Tết để nuôi doanh nghiệp.

Ban đầu, CEO Nguyễn Trung Quân định hướng phát triển theo thị trường ngách với nền móng là thị trường khách đoàn nội địa, thiết kế sản phẩm “may đo” theo đơn đặt hàng. Sau khi có lượng khách ổn định, anh phát triển thêm các tour khách ghép khởi hành hằng tuần hoặc hằng ngày.

Từ năm 2014, song song với phát triển khách nội địa, Avitour đẩy mạnh phát triển thị trường khách quốc tế. Năm 2018, Công ty đón những vị khách nước ngoài đầu tiên vào Việt Nam. Thời gian sau đó, lượng khách nước ngoài tiếp tục được duy trì, chiếm 10 - 15% tổng lượng khách của Công ty. Đặc biệt, Avitour đón khá nhiều khách từ Israel - thị trường kỹ tính và khó phục vụ, nhưng chi tiêu cao.

Phát huy thế mạnh ở mảng khách đoàn, Avitour ngày càng được khách hàng ủng hộ nhiều hơn. Đến năm 2019, Công ty đã có 3 văn phòng ở Hà Nội, Huế và TP.HCM, đội ngũ nhân sự lên tới 60 người. “Thành công đó là nhờ con người và sản phẩm. Con người cần uy tín, nhiệt thành; sản phẩm du lịch cần linh hoạt, uyển chuyển”, CEO Nguyễn Trung Quân chia sẻ 2 yếu tố tạo nên thành công của Avitour.

Bài học về sự thích ứng

Con thuyền Avitour đang băng băng tiến ra biển lớn, thì “sóng thần” Covid-19 ập đến, khiến ngành kinh tế xanh “đóng băng”. “Thuyền trưởng” Avitour phải đau đớn giảm 80% nhân lực, đóng cửa 2 văn phòng miền Trung và miền Nam. Chính anh cũng phải chuyển nghề.

Vẫn biết Quân có nhiều tài lẻ và rất năng động, nhưng nhiều người không khỏi giật mình khi thấy vị CEO khoác áo, đội mũ công nhân làm việc ở công trường xây dựng.

“Gia đình tôi có một số anh em họ hàng làm trong ngành xây dựng. Tôi nhận lại công trình rồi ‘băm nhỏ’ công việc, tìm kiếm nhân công để triển khai từng phần việc. Làm quản lý công trình xây dựng, lại là dân ‘tay ngang’, mình không thể ngồi phòng máy lạnh chỉ đạo, mà phải ra công trường cầm búa, xách xô, làm việc cùng anh em. Có những hôm, từ 7 giờ sáng đến 12 giờ đêm mới được về nghỉ ngơi, mặt mũi lấm lem. Buổi trưa nằm nghỉ trên sàn thi công nóng rát chỉ với chiếc quạt nhỏ. Nhiều đêm ngồi trong lán thấp thỏm trông công trường không thể nào chợp mắt”, anh Quân nhớ về những tháng ngày lăn lộn ở công trường.

Chứng kiến chồng về nhà trong tình trạng say nắng, vợ anh nhiều lần khuyên bỏ việc, nhưng anh nhất quyết theo đuổi, vì đã quen với chuỗi ngày vất vả, phải tự xoay xở, bươn chải từ nhỏ. Anh thổ lộ: “Thực lòng, tôi cảm thấy vui vẻ khi làm xây dựng. Tính tôi thích mày mò, phiêu lưu, thử thách, nên tôi dành hết tâm sức cho công việc mới này”.

Nhưng, dù đã dành hết thời gian, tâm sức, Quân khó chạm tới thành công ở một lĩnh vực vốn rất khó và nhiều rủi ro, trong khi bản thân chưa có nhiều kinh nghiệm, thiếu mối quan hệ...

“Tôi nghiệm ra, mình thất bại vì không làm đúng năng lực lõi, nên quyết định dừng lại. Tôi nhận được bài học về sự thích ứng. Đó là, mọi việc đều không dễ dàng, nếu không đủ kỹ năng, kiến thức”, Quân tâm sự.

Dừng công việc xây dựng, anh tham gia khóa học về hệ thống kinh doanh đội nhóm. Đến khi dịch Covid-19 cơ bản được khống chế, hoạt động du lịch được mở trở lại từ ngày 15/3/2022, anh quay về với nghề du lịch, tiếp tục hành trình với những mục tiêu mà mình theo đuổi.

“Tôi từng nghĩ đến việc đóng cửa công ty, trả lại toàn bộ cơ sở vật chất, rút giấy phép kinh doanh. Nhưng, tình yêu đối với ngành nghề du lịch và tình cảm yêu mến, tin tưởng của khách hàng đã trở thành nguồn động lực giúp tôi vực dậy để tìm tòi, thích ứng và làm lại từ đầu với mảng lữ hành”, CEO Avitour tâm sự.

Công ty cũng giống như đứa con của gia đình

Hậu Covid-19, để thích ứng với sự thay đổi về nhu cầu du lịch của khách hàng, Avitour tập trung xây dựng sản phẩm “may đo” theo đặt hàng, với các tour chuyên đề, săn mây, thiền, nghỉ dưỡng, khám phá, mạo hiểm, trekking (du lịch mạo hiểm dã ngoại ngoài trời ở những nơi hoang dã)...

Để tiếp cận khách hàng mọi lúc, mọi nơi, toàn bộ hệ thống dữ liệu khách hàng, sản phẩm của Avitour đều được cập nhật trên các thiết bị điện tử để thuận tiện cho việc phục vụ nhu cầu của khách.

Trước Covid-19, CEO Nguyễn Trung Quân đã tổ chức các tour du lịch về với thiên nhiên, du lịch trải nghiệm kết hợp các khóa thiền (thầy dạy là chuyên gia trong nước hoặc nước ngoài, có chứng chỉ) để tạo ra những sản phẩm khác biệt. Hiện tại, anh đã mở lại các gói tour du lịch trải nghiệm tới Ấn Độ và đang nghiên cứu, phát triển tour du lịch tới các đất nước Phật giáo.

Bên cạnh đó, Avitour còn có sản phẩm phục vụ khách hàng chỉ đi du lịch một mình và hoàn toàn không quan tâm đến vấn đề chi phí. Đây chính là điểm mạnh và khác biệt của Avitour so với các doanh nghiệp lữ hành khác trên thị trường du lịch.

“Khi nhu cầu khách hàng thay đổi, thì người cung cấp dịch vụ cũng phải thay đổi. Chúng tôi phải luôn đáp ứng nhu cầu của khách hàng, nếu không muốn đứng ngoài cuộc chơi. Công ty cũng giống như đứa con của gia đình, cần phải nâng niu, chăm sóc, có những lúc phải ‘uốn nắn’ để phù hợp với văn hóa. Tôi cũng là người thích phiêu lưu, luôn thích tìm tòi, xây dựng những sản phẩm mới, lạ, mang tính đặc thù, trải nghiệm, bởi đó là thị trường ngách rất tốt”, CEO Nguyễn Trung Quân chia sẻ.

Anh cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, “thuật toán” mới mà các công ty lữ hành phải bám vào là phục vụ theo nhu cầu của khách, chứ không phải là thiết kế thật nhiều chương trình để khách lựa chọn như trước. Thậm chí, các tour trọn gói đi nước ngoài cũng sẽ ít khách hơn, vì ngày càng có nhiều thanh niên đi du học nước ngoài, khả năng ngoại ngữ của người Việt được cải thiện, họ có thể tự đặt dịch vụ và di chuyển khi khám phá quốc gia khác.

Bởi vậy, ngay cả các doanh nghiệp lớn cũng phải triển khai các chương trình xúc tiến ở nước ngoài để bán những dịch vụ đơn lẻ như vé máy bay, vé vào khu vui chơi giải trí, phòng khách sạn… “Doanh nghiệp lữ hành muốn tồn tại, thì nhất định phải phục vụ theo đặt hàng, theo nhu cầu của khách và chuyển đổi số mạnh mẽ. Cá nhân tôi cũng thường xuyên tương tác với khách hàng qua mạng xã hội để khi có nhu cầu, họ sẽ nghĩ ngay đến Avitour”, CEO Avitour chia sẻ.

Với phương châm lấy nhân hiệu tạo thương hiệu, CEO Nguyễn Trung Quân đã nỗ lực đưa Avitour trở thành đơn vị phục vụ du lịch chuyên nghiệp và uy tín. Có những khách hàng đã sử dụng dịch vụ của Avitour hơn 10 năm, từ khi con của họ còn nhỏ, đến lúc con đi du học, rồi lập gia đình, những sự kiện quan trọng, những kỷ niệm của gia đình đều có sự chung tay của Avitour.

“Tôi được khách hàng coi như thành viên của gia đình, chứ không đơn thuần là một người phục vụ dịch vụ du lịch. Điều khiến tôi cảm thấy hạnh phúc nhất là đã tạo được những giá trị lớn lao hơn tiền bạc cho khách hàng”, Quân bộc bạch.

CEO Avitour cho rằng, đại dịch Covid-19 mang đến cho người làm du lịch bài học không được chủ quan, mọi việc cần được tính toán cẩn thận, chu đáo và ứng biến linh hoạt. Covid-19 khiến ngành kinh tế xanh thiệt hại nặng nề, nhưng tinh thần đoàn kết trỗi dậy mạnh mẽ ở mọi nơi, tựa kháng thể giúp ngành kinh tế xanh nhanh chóng phục hồi.

“Tôi và Avitour sẽ không ngừng vươn mình, kết nối và học hỏi để thích ứng với thế giới, đặc biệt là tiếp tục ‘may đo’ dịch vụ, trau chuốt sản phẩm để tiếp tục tạo ra những giá trị vượt trội cho những đoàn khách, những vị khách quý theo đơn đặt hàng; chung tay góp sức giúp ngành kinh tế xanh Việt Nam phục hồi và phát triển bền vững”, CEO Nguyễn Trung Quân bày tỏ.

Theo Báo Đầu Tư

Bình luận





Tin cùng danh mục
Đại sứ nhân ái Huỳnh Thị Kim Ngọc - người đàn bà thép của An Giang
Doanh nhân Trương Công Bảo, Giám đốc điều hành Bảo Lân Textile: Nhắm đến giá trị bền vững cho cộng đồng
Doanh nhân Nguyễn Văn Hùng, Tổng giám đốc Công ty Viễn Phú: Xây dựng nền móng phát triển nông nghiệp hữu cơ
Thương hiệu mỹ phẩm Lenabena của Công ty TNHH LENACOS vinh dự đón nhận giải thưởng “Top 12 Thương Hiệu Mạnh Quốc Gia 2024”

Liên hệ quảng cáo: 0918 043 403 - toasoan@dnvnnews.com

Bản quyền của DOANH NHÂN VIỆT NAM