Thiết kế của Snap dành cho Spectacles 3 không khác gì so với thiết bị tiền nhiệm của nó. Chúng bao gồm một khung thiết kế kim loại với một vài camera HD. Đổi lấy cảm giác ngại ngùng khi đeo một chiếc kính không quá thời trang, bạn sẽ có cơ hội quay video 3D rảnh tay và sau đó tải nó lên ứng dụng Snapchat để chia sẻ với mọi người. Ngoài ra, bạn có thể xem video hay bất kỳ thứ gì từ mắt kính của thiết bị này. Lưu ý rằng thiết bị không có màn hình nhúng.
Tuy nhiên, Spectacles 3 là một dấu hiệu báo trước về một thiết bị chúng ta có thể đeo làm máy tính cá nhân trong vòng 10 năm nữa.
Trong tương lai, con người sẽ đeo những máy tính cá nhân có thiết kế như kính mát hiện nay.
Không giống như chiếc kính mới của Snap, kính trong tương lai sẽ giúp cho chúng ta nhìn thấy những nội dung kỹ thuật số trong thế giới thực qua mắt kính của nó. Chúng ta thậm chí có thể đeo kính thực tế hỗn hợp (MR) để xem các nội dung kỹ thuật số xen kẽ với hình ảnh thế giới thực trước mắt. Việc bổ sung camera thứ hai ở mặt trước của Spectacles 3 rất quan trọng vì nó được dùng để định vị hình ảnh kỹ thuật số trong thực tế và tạo ra hình ảnh 3D của thế giới xung quanh, hay bản đồ độ sâu.
Độ sâu ở đây có được bằng cách kết hợp 2 camera ở mặt trước, tương tự như cơ chế trên mắt người. Chiếc kính của Snap sẽ sử dụng thông tin về độ sâu đó để quay video 3D (mà bạn có thể xem lại sau). Camera thứ 2 cũng là một bước tăng cường để hỗ trợ trải nghiệm thực tế hỗn hợp trong thế giới thực.
Kính AR/MR trong tương lai sẽ trông dễ nhìn hơn một chút so với kính Spectacles hiện tại. Chúng sẽ rất nhẹ và thoải mái vì các công ty muốn người dùng đeo thiết bị này cả ngày. Giống như một phụ kiện thời trang, chúng sẽ có nhiều kiểu dáng và cách phối màu khác nhau.
Chiếc kính của tương lai sẽ có ít nhất 2 camera ở mặt trước. Nó cũng có thể được tích hợp thêm camera chuyên dụng giống như TrueDepth trên các iPhone mới. Camera này sẽ cung cấp bản đồ độ sâu chính xác hơn.
Một số kính AR sẽ cho phép sử dụng mắt kính theo toa (kính thuốc cho những người có bệnh lý về mắt). Số khác có thể điều chỉnh tầm nhìn của người đeo thông qua xử lý hình ảnh trong mắt kính (thay vì sử dụng các cơ chế vật lý để điều chỉnh tia sáng vào mắt).
Các mắt kính sẽ chứa hai màn hình nhỏ để chiếu hình ảnh lên mắt của người đeo. Gọng kính sẽ chứa bộ xử lí, pin và ăng-ten cho kết nối không dây.
Chúng ta sẽ điều khiển và điều hướng loại máy tính này theo những cách rất khác so với cách đang làm với điện thoại thông minh (chủ yếu là vuốt, cử chỉ, gõ và chạm vào màn hình). Người dùng có thể điều khiển giao diện mà họ thấy trước mặt bằng cách nói bằng ngôn ngữ tự nhiên thông qua micro tích hợp trong kính. Người dùng cũng có thể điều hướng nội dung bằng cách thực hiện các cử chỉ tay trước các camera phía trước của thiết bị. Camera nhắm vào mắt người dùng có thể theo dõi nội dung mà họ đang xem và chọn. Chẳng hạn, văn bản sẽ tự động cuộn khi mắt người dùng chạm tới phần lề dưới cùng. Một cái chớp mắt có thể tạo thành hành động nhấp chuột hoặc nhấn vào liên kết.
Con người trong tương lai có thể lúc nào cũng... đeo kính râm.
Hãy tưởng tượng, khi lái xe, bạn có thể thấy nhãn địa điểm và mũi tên xuất hiện xung quanh tuyến đường mình đang đi.
Một chuyến tham quan qua bảo tàng có thể được tăng cường bằng lời kể và âm thanh về các tác phẩm nghệ thuật.
Hoặc chúng ta có thể chơi các trò chơi tương tự như Pokémon Go và tương tác với các nhân vật trong đó mà không cần ngó vào màn hình smartphone như hiện tại (người chơi sẽ quan sát qua kính).
Trải nghiệm xem và quản lý nội dung trong màn hình đeo trên đầu có thể sẽ khác so với làm trên điện thoại, nó sẽ yêu cầu giao diện người dùng và hệ điều hành hoàn toàn mới.
Ngay bây giờ, các công ty như Apple và Facebook đang ngừng phát hành kính AR vì những hạn chế về phần cứng. Snap đã sớm đưa ra quyết định phát triển một chiếc máy tính gắn trên đầu, mặc dù tính năng vẫn còn hạn chế. Cho đến nay, điều chính mà họ đã học được là mọi người không muốn đeo máy ảnh trên khuôn mặt. Nhưng số lượng bán ra không nói lên mọi thứ.
Chuyên gia của Snap cho biết công ty đang từ từ xây dựng nền tảng và hệ sinh thái của mình. Họ cũng đang chuẩn bị các công cụ phát triển cho bên thứ 3 để chuẩn bị cho tương lai một chiếc máy tính có thể gắn lên đầu, hiệu quả hơn so với các thiết bị hiện tại.
Vật này có thể là tương lai của thiết bị di động.
Ngành công nghiệp tiêu dùng có thể cần một thời gian dài nữa trước khi có thể tạo ra được một chiếc kính AR như đã nói ở trên. Một trong những bước tạm thời này có thể là màn hình đeo trên đầu (hoặc smart glasses) có thể cắm vào điện thoại thông minh và chỉ hiển thị một số giao diện đơn giản trước mắt người dùng. Nhưng việc trình bày nội dung có thể vẫn giống như điện thoại thông minh. Mọi người có thể sử dụng một sản phẩm như vậy để nhắn tin văn bản, xem clip tin tức, chơi trò chơi hoặc xem video. Trải nghiệm này có thể thú vị hơn thay vì phải cắm mặt vào điện thoại như hiện nay.
Sau đó, mọi thứ sẽ trở nên chuyên sâu và phức tạp hơn. Khi các thành phần cần thiết cho kính AR thực sự như bộ xử lý, màn hình và pin trở nên hoàn thiện, rẻ và nhỏ hơn thì lúc đó bạn sẽ thấy Apple, Facebook và Samsung bắt đầu đưa kính AR hoặc kính thực tế hỗn hợp ra thị trường.
Đối với tầm nhìn dài hạn, Google Glass và Snap Spectacles có thể được xem là những thiết bị tham gia sớm và chưa được đón nhận tốt trong lĩnh vực máy tính có thể gắn vào đầu. Nhưng những sản phẩm đầu tiên đó có thể giúp tạo tiền đề cho các công ty cuối cùng có thể hợp nhất mọi thứ lại với nhau, bao gồm một sản phẩm được thiết kế tốt và dễ sử dụng, một hệ sinh thái nhà phát triển mạnh mẽ và chiến lược tiếp thị mang lại lợi ích cho người tiêu dùng. Lúc đó, nhiều người sẽ phụ thuộc vào kính nhiều như chúng ta dựa vào điện thoại thông minh ngày nay.
Tham khảo: Fastcompany
theo fastcompany
Liên hệ quảng cáo: 0918 043 403 - toasoan@dnvnnews.com
Bản quyền của DOANH NHÂN VIỆT NAM