Câu chuyện doanh nhân

Đại gia Hồ Xuân Năng mất 330 triệu USD, cú thụt két khó đỡ

Doanh nghiệp của đại gia Hồ Xuân Năng, thường được gọi là “Năng Do Thái” quyết định tung tiền mua cổ phiếu sau khi túi tiền của vị tỷ phú USD tương lai bỗng sụt giảm mất hàng trăm triệu USD trong một thời gian ngắn.

CTCP Vicostone (VCS) vừa công bố biên bản họp HĐQT thông qua phương án mua cổ phiếu quỹ. Theo đó, Vicostone sẽ mua lại 1,6 triệu cổ phiếu quỹ trong vòng 30 ngày để trợ giá sau khi cổ phiếu này giảm 45% trong vòng hơn 2 tháng qua.

Cổ phiếu VCS ghi nhận mức giá cao kỷ lục hơn 140.000 đồng/cp hồi cuối tháng 3/2018 (giá đã điều chỉnh) nhưng sau đó tụt giảm theo xu hướng đi xuống chung của thị trường chứng khoán (TTCK) và hiện chỉ còn 78.000 đồng/cp.

Chủ tịch HĐQT Vicostone Hồ Xuân Năng trực tiếp và gián tiếp sở hữu khoảng 120 triệu cổ phiếu VCS. Do vậy, ở vào thời điểm đỉnh cao, đại gia này có khối tài sản quy ra từ cổ phiếu VCS trị giá gần 17 ngàn tỷ đồng (khoảng 740 triệu USD).

Tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại, khối tài sản của ông Hồ Xuân Năng còn khoảng 9,4 ngàn tỷ đồng (410 triệu USD). Tính ra, túi tiền của ông Năng đã giảm khoảng 330 triệu USD.

Ông Hồ Xuân Năng được xem là một trong những doanh nhân có tốc độ giàu nhanh hàng đầu trên TTCK Việt Nam sau khi CTCP Phượng Hoàng Xanh A&A (Phenikaa) của doanh nhân này thâu tóm thành công Vicostone và ổn định lại hoạt động của doanh nghiệp này sau nhiều năm lục đục trong HĐQT.

Cụ thể, cuối năm 2014, ông Hồ Xuân Năng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Vicostone - công bố sở hữu 90% vốn điều lệ công ty mẹ Phenikaa, qua đó trở thành người có quyền lực lớn nhất tại cả Phenikaa và Vicostone. Đây là thương vụ M&A kinh điển nhất Việt Nam năm 2014, khi lãnh đạo công ty con thâu tóm ngược công ty mẹ. 

Đại gia Hồ Xuân Năng mất 330 triệu USD, cú thụt két khó đỡ
 

Theo tờ trình đại hội cổ đông, Vicostone chấp nhận để Phenikaa thâu tóm là do Phenikaa đã ký hợp đồng độc quyền 6 năm với hãng Breton về công nghệ sản xuất đá tấm thạch anh. Việc Phenikaa ký kết hợp đồng độc quyền với Breton đồng nghĩa với việc Vicostone sẽ không còn quyền đầu tư mua thiết bị từ Breton.

Sau 10 năm gây dựng Vicostone, ông Hồ Xuân Năng đã trở thành ông chủ thực sự của công ty này. Cũng từ đây, Vicostone bước vào hành trình tăng trưởng phi mã cho đến tận ngày nay.

Vicostone phát triển mạnh và giá cổ phiếu VCS tăng chóng mặt đã giúp túi tiền của ông Hồ Xuân Năng tăng nhanh và hứa hẹn trở thành tỷ phú USD tiếp theo của Việt Nam.

Tuy nhiên, tại ĐHCĐ ông Hồ Xuân Năng cho biết, ông không bao giờ mong muốn có mặt trong danh sách tỷ phú đô la.

Theo kế hoạch, Vicostone mua 1,6 triệu cổ phiếu là để trợ giá. Vicostone sẽ mua lại cổ phiếu quỹ dưới hình thức giao dịch hoặc thỏa thuận theo giá thị trường. Số lượng mua hàng ngày dự kiến trong mức tối thiểu 48.000 cổ phiếu (3% tổng lượng dự kiến mua) cho đến tối đa 160.000 cổ phiếu (10% tổng lượng dự kiến mua).

Cũng theo Vicostone, trong quý 2/2018, doanh thu tăng khoảng 10% nhưng lợi nhuận kinh doanh cốt lõi vẫn tăng trưởng xấp xỉ 20%.

Năm 2018, Vicostone đặt mục tiêu đạt 5.290 tỷ đồng tổng doanh thu, tăng trưởng 20% so với năm 2017. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 1.355 tỷ đồng, tăng 20,4%.

Tại ĐHCĐ 2018, Vicostone cho biết sẽ phải đối mặt với những đối thủ sử dụng công nghệ của Trung Quốc có chi phí đầu vào rẻ hơn. Các đơn vị từ Trung Quốc có được tiến bộ công nghệ nhất định. Sự tham gia của các đối thủ này có thể sẽ gây nhiễu loạn trên thị trường, ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm. Tuy nhiên, ông Hồ Xuân Năng cũng cho rằng, kinh nghiệm là điều quan trọng hơn.

Trên thị trường chứng khoán, áp lực bán vẫn khá lớn. Khối ngoại bán ròng gần 270 tỷ đồng trong phiên giao dịch cuối quý 2 nhưng Vn-Index giữ được mốc 960 điểm nhờ diễn biến khả quan của các cổ phiếu bất động sản, xây dựng, chứng khoán và dầu khí.

Nhóm cổ phiếu Vinhomes, Vincom Retail, GAS và một số mã ngân hàng đã giúp thị trường đứng vững.

Tuy nhiên, thanh khoản thị trường vẫn ở mức thấp, dưới 5 ngàn tỷ đồng.

Đa số các CTCK cho rằng, TTCK tiếp tục giằng co và tích lũy.

BVSC nhận định, thị trường sẽ còn lình xình, điều chỉnh nhẹ và phân hóa trong tuần mới. Thanh khoản thị trường sụt giảm xuống mức thấp và diễn biến điều chỉnh ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn là tín hiệu kém tích cực với xu hướng thị trường chung.

BSC cũng cho rằng, thị trường đang giằng co tích lũy. VN-Index đang quay lại kiểm tra đáy ngắn hạn với thanh khoản thấp, diễn biến trong tuần tới vẫn đang khá nhạy cảm dù vậy khả năng giằng co tích lũy chờ tin KQKD quý II vẫn được đánh giá cao.

Kết thúc phiên giao dịch 2/7, VN-index tăng 3,43 điểm lên 960,78 điểm; HNX-Index giảm 0,89 điểm xuống 106,17 điểm. Upcom-Index tăng 0,33 điểm lên 51,97 điểm. Thanh khoản đạt 190 triệu cổ phần. Giá trị đạt 4,7 ngàn tỷ đồng.

V. Hà (theo Lao Dong)

Bình luận





Tin cùng danh mục
Đại sứ nhân ái Huỳnh Thị Kim Ngọc - người đàn bà thép của An Giang
Doanh nhân Trương Công Bảo, Giám đốc điều hành Bảo Lân Textile: Nhắm đến giá trị bền vững cho cộng đồng
Doanh nhân Nguyễn Văn Hùng, Tổng giám đốc Công ty Viễn Phú: Xây dựng nền móng phát triển nông nghiệp hữu cơ
Thương hiệu mỹ phẩm Lenabena của Công ty TNHH LENACOS vinh dự đón nhận giải thưởng “Top 12 Thương Hiệu Mạnh Quốc Gia 2024”

Liên hệ quảng cáo: 0918 043 403 - toasoan@dnvnnews.com

Bản quyền của DOANH NHÂN VIỆT NAM