Thời sự

Đại biểu Quốc hội đề xuất công dân đóng ‘phí chia tay’ khi xuất cảnh

Nguyên Phó tổng cục trưởng du lịch đề nghị mỗi người khi xuất cảnh phải nộp từ 3 đến 5 USD gọi là "phí chia tay".

Sáng 12/6, cho ý kiến vào dự thảo Luật Xuất cảnh, Nhập cảnh của công dân Việt Nam, đại biểu Nguyễn Quốc Hưng - nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục du lịch đề xuất Nhà nước thu phí khi xuất cảnh.

Ông Hưng nói, một số nước đã áp dụng chính sách visa và phí xuất, nhập cảnh để điều chỉnh lĩnh vực này. Đơn cử, năm ngoái Quốc hội Nhật Bản ban hành đạo luật quy định mỗi công dân ra nước ngoài thì phải đóng một loại phí (gọi là phí chia tay hay phí du lịch) 1.000 yên mỗi người (khoảng 9,3 USD).

Ông Nguyễn Quốc Hưng - nguyên Tổng cục phó Tổng cục du lịch Việt Nam. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội.

Ông Nguyễn Quốc Hưng - nguyên Tổng cục phó Tổng cục du lịch Việt Nam. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội.

"Chính phủ Nhật Bản dự kiến hàng năm sẽ thu khoảng 400 triệu USD từ loại phí trên, để đầu tư một số dự án phát triển ngành du lịch cũng như giúp cho việc xuất, nhập cảnh của công dân tốt hơn", ông Hưng nói.

Từ thực tế trên, ông Hưng đề xuất "công dân Việt Nam ra nước ngoài có trách nhiệm đóng góp một khoản tiền, gọi là phí chia tay, khoảng 3-5 USD mỗi người khi xuất cảnh". Số tiền này sẽ được trích một phần cho các cơ quan ngoại giao dùng để bảo hộ, hỗ trợ khi công dân ra nước ngoài gặp khó khăn. Ngoài ra, một phần kinh phí để đầu tư, nâng cấp máy móc kỹ thuật đảm bảo thuận lợi cho công dân khi xuất, nhập cảnh; phần còn lại đóng vào quỹ phát triển du lịch để góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài.

Ông Hưng cũng đề nghị bổ sung quy định cấm công dân Việt Nam khi ra nước ngoài vi phạm luật pháp, phong tục tập quán nước sở tại. "Mỗi một công dân là đại sứ du lịch, có trách nhiệm tuyên truyền quảng bá giới thiệu đất nước văn hoá con người Việt Nam", ông nói.

Lấy ví dụ một số trường hợp xuất cảnh trái phép, bỏ trốn ra nước ngoài vừa qua, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh đề nghị bổ sung điều cấm "hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để cho phép làm giả giấy tờ, xuất nhập cảnh trái quy định".

Theo bà Khánh, dự thảo Luật đưa ra hai phương án cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, bao gồm quy định cụ thể các trường hợp được cấp trong Luật hoặc chỉ quy định mang tính nguyên tắc, giao Chính phủ quy định chi tiết. Bà cho rằng phương án quy định quá cụ thể các trường hợp trong dự thảo Luật sẽ dẫn đến trùng lặp, phức tạp vì có những cá nhân đồng thời đảm nhiệm nhiều chức danh. 

"Ví dụ trường hợp Vũ "Nhôm" từng có cả hộ chiếu công vụ và ngoại giao, phải chăng do quy định trùng lặp", bà Khánh nói và đề nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung nội dung này sao cho minh bạch, tránh chồng chéo.

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Tạo nói, vừa qua một số người có chức vụ, quyền hạn đã bỏ trốn do việc họ sẽ bị khởi tố lọt ra ngoài, sau đó cơ quan chức năng phải phát lệnh truy nã. 

Theo ông Tạo, sau khi có kết luận của cơ quan thanh tra, kiểm toán hoặc Uỷ ban kiểm tra Trung ương thì hồ sơ mới được chuyển sang cơ quan điều tra xử lý. "Khi mới thông qua kết luận, người ta đã bỏ trốn do vậy cần có quy định về tạm hoãn xuất cảnh đối với người có trách nhiệm khi bị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét theo quy định của pháp luật", ông nói.

Dự thảo luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam sẽ được tiếp thu, chỉnh lý để trình Quốc hội xem xét, thông qua vào kỳ họp cuối năm 2019.

Võ Hải

Bình luận





Tin cùng danh mục
Phát triển Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ: Tư duy mới, lộ trình mới
Đồng Tâm Group khai trương trung tâm trưng bày, giới thiệu sản phẩm mới tại TP.HCM
Tìm một hướng đi trong quan hệ Việt - Úc
Tăng cường quan hệ đối tác toàn diện Hoa Kỳ - Việt Nam

Liên hệ quảng cáo: 0918 043 403 - toasoan@dnvnnews.com

Bản quyền của DOANH NHÂN VIỆT NAM