"Hệ thống giữ làn đường tự động" (ALKS) sẽ kiểm soát việc lái xe ở ngưỡng tốc độ nhất định, giữ cho xe đi đúng làn đường và giả định cho phép người lái xe làm một số việc riêng. Tính năng giữ làn đường tự động đã có từ khá lâu và được trang bị trên một số loại xe. Tuy nhiên, động thái mới này của chính phủ Anh lần đầu tiên hợp pháp hóa việc các lái xe rời tay khỏi vô lăng.
Theo The Sunday Times, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Anh Grant Shapps mong muốn việc ALKS được công nhận hợp pháp sẽ đóng một vai trò trong quá trình tiến tới một tương lai ô tô không người lái. Hồi tuần trước, các quan chức cấp cao của Bộ Giao thông Vận tải Anh đã trao đổi với các lãnh đạo ngành về công nghệ có thể cho phép các lái xe xem phim hoặc gửi email bằng văn bản khi đang cầm lái.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng người lái xe vẫn luôn phải sẵn sàng giành quyền kiểm soát xe tức thì. Điều này làm dấy lên cuộc tranh luận về việc liệu đây có thể thực sự được gọi là "tự động" hay không. Ngoài ra, chính phủ Anh cũng điều chỉnh giảm tốc độ tối đa trên đường cao tốc từ 70 dặm/h (112,65km/h) xuống còn 37 dặm/h (59,5 km/h) trong trường hợp này.
Một thông cáo của chính phủ Anh trước đó nêu rõ: "Cuộc gọi làm chứng sẽ hỏi liệu các phương tiện sử dụng công nghệ này có nên được định nghĩa hợp pháp là phương tiện tự động hay không, điều đó có nghĩa là nhà cung cấp công nghệ sẽ chịu trách nhiệm về sự an toàn của phương tiện khi hệ thống hoạt động, thay vì người lái xe chịu trách nhiệm."
Nghị sỹ Rachel Maclean nhấn mạnh: "Công nghệ tự động có thể giúp lái xe an toàn hơn, trơn tru hơn, dễ dàng hơn và Vương quốc Anh nên là quốc gia đầu tiên nhận thấy những lợi ích này, thu hút các nhà sản xuất phát triển và thử nghiệm các công nghệ mới".
Hiện tại, theo luật pháp của Anh, các lái xe bị phát hiện rời tay khỏi vô lăng có thể bị phạt tiền 1.000 bảng (31,4 triệu đồng) và 3 điểm phạt trên bằng lái.
Một số quan chức Anh vẫn còn có những băn khoăn trái chiều về việc liệu công nghệ này đã sẵn sàng được triển khai hay chưa.
Bà Lilian Greenwood - người phát ngôn về Giao thông của Đảng Lao động Anh bày tỏ: "Thật là nguy hiểm khi người lái xe không chú ý đường đi và làm các việc khác, trong khi công nghệ không thể phản ứng một cách đủ an toàn với những điều không mong muốn."
Tuy nhiên, ông Mike Hawes, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất và phân phối ô tô tại Anh lại cho rằng: "Các công nghệ tự động dành cho các phương tiện, trong đó tính năng giữ làn đường tự động là công nghệ mới nhất, sẽ thay đổi cuộc sống, giúp hành trình của chúng ta an toàn và trơn tru hơn bao giờ hết. Các công nghệ này có thể giúp hạn chế khoảng 47.000 vụ tai nạn nghiêm trọng, cứu sống 3.900 người trong thập kỷ tới."
Gia Bảo
Theo Unilad
Dân trí
Liên hệ quảng cáo: 0918 043 403 - toasoan@dnvnnews.com
Bản quyền của DOANH NHÂN VIỆT NAM