Doanh nhân Việt Nam

Cty cổ phần Kim khí TPHCM: Dự án bất động sản vào tay tư nhân, vì sao không đấu giá?

Gần đây, trong vụ “đất vàng” số 8 - 12 Lê Duẩn, quận 1, TPHCM, Cty cổ phần Kim khí TPHCM (gọi tắt HMC) là 1 trong 4 doanh nghiệp (DN) thuộc Bộ Công thương đã bị Thanh tra Chính phủ “tuýt còi” vi phạm, do chuyển nhượng vốn góp cho DN tư nhân, lấy tiền chênh lệch 50 tỉ đồng bất hợp pháp. Mới đây, thêm vụ tố giác tại Cty này về việc chuyển nhượng dự án (DA) bất động sản có vốn ngân sách, nhưng không qua đấu giá.

Chuyển nhượng DA có vốn nhà nước, nhưng chỉ “chào giá cạnh tranh”?

Xuất phát từ đơn tố cáo của ông Hứa Văn Hải (sinh 1958, làm việc tại HMC) đối với lãnh đạo HMC. Trong nhiều vấn đề mà ông Hải phản ánh, đặc biệt có việc liên quan đến DA bất động sản trên khu đất 9.125m2, tại phường Phú Thuận, quận 7, TPHCM. Ông Hải cho biết: “Khu đất trước khi cổ phần hoá năm 2005, tài sản này của nhà nước (NN) giao cho DN thuê đất. Khi cổ phần hoá, khu đất được xem là tài sản của NN góp vốn vào DN để tham gia cổ phần hoá. Năm 2013, HMC đã đóng tiền sử dụng đất 87 tỉ đồng để thực hiện DA bất động sản. Tuy nhiên, năm 2016, lãnh đạo HMC đã cho chuyển nhượng toàn bộ DA kèm khu đất cho DN tư nhân là Cty Đất Xanh với giá 102 tỉ đồng (tròn số), không qua đấu giá”. Ông Hải cho rằng, việc chuyển nhượng tài sản có vốn NN như thế là “trái quy định của luật pháp”, gây thiệt hại cho ngân sách hàng trăm tỉ đồng.

Trước tố cáo trên, TCty Thép VN (nắm giữ 55,6% vốn NN trong tổng số 210 tỉ đồng vốn điều lệ tại HMC) đã vào cuộc xác minh và trả lời ông Hải. Theo TCty thép VN, HMC “chuyển nhượng DA cho đối tác có năng lực để tiếp tục triển khai DA theo hồ sơ pháp lý đã được các cơ quan thẩm quyền tại TPHCM phê duyệt”. Tại thời điểm đó, DA chung cư đã được chính quyền phê duyệt, có quy hoạch 1/500, đã bồi thường, giải phóng mặt bằng, không tranh chấp quyền sử dụng đất (QSDĐ), không có quyết định thu hồi DA, thu hồi đất và đã có giấy chứng nhận QSDĐ, đảm bảo đủ điều kiện để chuyển nhượng toàn bộ DA. Và, HMC “xin chuyển nhượng toàn bộ DA”, mà “không trình việc bán khu đất”. Việc chuyển nhượng đã được UBND TPHCM chấp thuận. HMC có đủ cơ sở pháp lý (Điều 49 - Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014) để chuyển nhượng toàn bộ DA, chứ HMC không phải bán đất. Theo TCty thép VN, do Luật Đấu giá được ban hành ngày 27.11.2016 và tới ngày 1.7.2017 mới có hiệu lực thi hành, trong khi việc chuyển nhượng DA của HMC thực hiện năm 2015-2016, nên theo hình thức “chào giá cạnh tranh”. Việc này tuân thủ theo quy định của pháp luật hiện hành.

Có vi phạm quy định “chuyển nhượng vốn nhà nước”?

Nhằm làm rõ vụ việc, PV Lao Động đã liên lạc và được ông Đặng Huy Hiệp - TGĐ HMC - hẹn làm việc. Tuy nhiên sau đó, ông Hiệp viện lý do “bận việc gia đình rất đột xuất”, nên cử bà Võ Thị Lệ Châu - Kế toán trưởng, Thường vụ Đảng uỷ, Trưởng ban kiểm tra giám sát đảng bộ HMC- trực tiếp làm việc với PV Báo Lao Động. Trong buổi làm việc, bà Châu khẳng định “HMC chuyển nhượng DA chung cư Phú Thuận là đúng quy định của luật pháp; bởi trước khi chuyển nhượng, HMC đã tham vấn Cty luật”. PV Lao Động đặt vấn đề HMC có tuân thủ các quy định của NN khi chuyển nhượng tài sản có vốn NN hay không ? Tuy nhiên, bà Châu không trả lời.

Trong khi đó, HMC là Cty cổ phần, NN nắm giữ 55,6% vốn, thì đương nhiên DA chung cư tại khu đất 9.125m2 ở phường Phú Thuận, quận 7, có giá trị vốn NN rất lớn. Trong tổng số 87 tỉ đồng tiền sử dụng đất mà HMC nộp để có giấy chứng nhận QSDĐ, có 55,6% số tiền này là từ ngân sách. Vì vậy, theo khoản 2, điều 83, Nghị định số 43 do Chính phủ ban hành ngày 15.5.2014, quy định trường hợp chuyển nhượng DA, mà bên chuyển nhượng được NN giao đất có thu tiền sử dụng đất - “có nguồn gốc từ ngân sách NN”, thì phải làm thủ tục như đối với “trường hợp bán tài sản gắn liền với đất”.

Điều 38, Nghị định số 91 do Chính phủ ban hành ngày 13.10.2015 về đầu tư vốn NN vào DN và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại DN cũng quy định cụ thể việc chuyển nhượng vốn NN đầu tư tại Cty cổ phần. Theo đó, DN chuyển nhượng vốn NN phải “bảo đảm theo nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch”. Đặc biệt, Chính phủ yêu cầu “việc xác định giá khởi điểm đối với phần vốn NN trước khi tổ chức bán đấu giá công khai hoặc thỏa thuận được thực hiện thông qua tổ chức có chức năng thẩm định giá theo quy định của pháp luật về thẩm định giá đảm bảo xác định đầy đủ giá trị thực tế phần vốn NN tại DN, bao gồm cả giá trị được tạo bởi giá trị QSDĐ…”. Và, đối với Cty cổ phần đã niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc đăng ký giao dịch trên sàn giao dịch Upcom thì việc chuyển nhượng vốn thực hiện theo phương thức giao dịch (khớp lệnh, thỏa thuận) theo quy định của pháp luật về chứng khoán.

Như vậy, việc HMC (DN cổ phần đã niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán) chuyển nhượng dự án chung cư Phú Thuận với giá 102,1 tỉ đồng theo hình thức “chào giá cạnh tranh”, không qua “tổ chức đấu giá công khai”, không giao dịch theo quy định của pháp luật về chứng khoán là trái với quy định của Nghị định 91. Khu đất 9.125 m2 toạ lạc tại phường Phú Thuận hiện đã được Cty Địa ốc Đất Xanh xây dựng 2 block chung cư và kinh doanh rộng rãi. Nhiều người dân nơi đây cho biết, mức giá mà DN tư nhân này mua 102,1 tỉ đồng (9.125m2) là quá rẻ. Nếu đấu giá công khai, giá bán khu đất phải gần 500 tỉ đồng. Hơn bao giờ, dư luận đang chờ câu trả lời từ HMC, TCty thép VN, Bộ Công thương và các cơ quan chức năng.

CAO HÙNG
Bình luận





Tin cùng danh mục
Lời cảm ơn chân thành từ Long Châu đến khách hàng vì đã đồng hành trên hành trình “Khỏe vẹn tròn”
CEO Nie Phạm : biểu tượng của sáng tạo và khát vọng trong ngành Yến sào
Lương Thị Thu Huyền, Đồng sáng lập, Giám đốc điều hành ECO Solutions: Vì một Việt Nam xanh hơn
Chủ tịch Tập đoàn TTC: "Thế hệ trẻ sẽ có sức bật tốt"

Liên hệ quảng cáo: 0918 043 403 - toasoan@dnvnnews.com

Bản quyền của DOANH NHÂN VIỆT NAM