Theo ông, cơ chế tỷ giá mới sẽ tác động đến thị trường ngoại hối nói riêng và thị trường tiền tệ nói chung như thế nào?
Giới tài chính thường sử dụng mức độ dao động (volatility) giá của một loại tài sản làm thước đo rủi ro cho tài sản đó. Với cơ chế tỷ giá mới như Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang triển khai, mức độ dao động của tiền đồng (VND) so với các đồng tiền khác sẽ gia tăng, đồng nghĩa với tất cả những ai tham gia thị trường này phải chịu thêm rủi ro.
Tuy nhiên, về bản chất, cơ chế tỷ giá mới chỉ chuyển rủi ro từ NHNN sang các đối tượng có nhu cầu sử dụng ngoại tệ chứ không tạo rủi ro mới. Điều này có hai điểm lợi.
Thứ nhất thay vì giấu rủi ro trong bảng cân đối kế toán (balance sheet) của mình và chịu trách nhiệm xử lý khi xảy ra khủng hoảng, NHNN phân tán bớt rủi ro này cho các đối tượng có lợi ích trực tiếp từ thị trường ngoại hối.
Thứ hai, vì rủi ro được phân nhỏ và chuyển giao cho thị trường xử lý nên nền kinh tế có khả năng đối phó với các cú sốc từ bên ngoài uyển chuyển hơn. Điều này rất quan trọng vì Việt Nam đã là một nền kinh tế có độ mở rất lớn với thế giới.
Bên cạnh thị trường ngoại hối, thị trường tiền tệ cũng được hưởng lợi từ một cơ chế tỷ giá mềm dẻo hơn. Với tài khoản vốn ngày càng mở, chính sách tiền tệ sẽ bớt phụ thuộc hơn vào mặt bằng lãi suất quốc tế khi VND không còn bị buộc chặt vào một đồng tiền nào đó.
Nói theo ngôn ngữ chuyên môn, nguyên tắc bộ ba bất khả thi (impossible trinity) đã hạn chế khả năng của NHNN trước đây trong việc điều hành chính sách tiền tệ. Thả lỏng tỷ giá sẽ cởi trói một trong ba ràng buộc đó.
Vậy ai sẽ là người được lợi nhiều nhất và có ai bị thiệt với cơ chế này?
Như đã nói bên trên, thả nổi dần tỷ giá là một hình thức phân tán rủi ro ra toàn bộ thị trường thay vì tập trung hết trên bảng cân đối kế toán của NHNN. Do vậy người được lợi nhiều nhất chính là NHNN mà gián tiếp là ngân sách và tiền thuế của người dân.
Tất nhiên các đối tượng khác tham gia thị trường như các ngân hàng, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, các nhà đầu tư nước ngoài phải chịu thêm chi phí khi hấp thụ rủi ro thay cho NHNN. Nhưng về lâu dài, lợi ích chung của nền kinh tế sẽ lấn át chi phí này. Đó là lý do tại sao hầu hết các nền kinh tế phát triển đều sử dụng chế độ tỷ giá thả nổi và nhiều nước đang phát triển như Trung Quốc cũng dịch chuyển dần theo hướng này.
Theo ông, NHNN nên có những nguyên tắc gì khi áp dụng cơ chế tỷ giá mới?
Mặc dù những thông tin hiện tại từ NHNN cho thấy chế độ tỷ giá mới sẽ mềm dẻo hơn, quy trình cũng như các chi tiết kỹ thuật cụ thể cần được công bố rộng rãi. Hai nguyên tắc căn bản của hoạt động ngân hàng trung ương trên thế giới là minh bạch và nhất quán. Tôi mong muốn NHNN tuân thủ hai nguyên tắc này, không chỉ trong việc điều hành chính sách tỷ giá mà trong mọi hoạt động khác.
Liều lượng của bàn tay NHNN và bàn tay thị trường khi áp dụng cơ chế này ở Việt Nam nên như thế nào là phù hợp?
Với một thị trường tương đối hiệu quả (efficient) như thị trường ngoại hối, Nhà nước nên hạn chế can thiệp (thông qua NHNN) vào thị trường. Có thể nhà nước cần tham gia ở một vài thời điểm như giai đoạn đầu phát triển và định hình thị trường hay những lúc thị trường bị nhiễu loạn hoặc biến động quá lớn.
Tuy nhiên về lâu dài, NHNN nên xây dựng và cam kết một lộ trình thả nổi hoàn toàn VND để những lợi ích của một chế độ tỷ giá mềm dẻo phát huy hoàn toàn tác dụng.
Ông dự đoán tỷ giá VND/USD trong năm 2016 sẽ diễn biến thế nào?
Tôi cho rằng trong năm 2016 VND vẫn chịu nhiều sức ép mất giá (nghĩa là tỷ giá VND/USD sẽ tăng). Nếu chế độ tỷ giá mới được áp dụng, giá trị hợp lý cho VND sẽ được thị trường (phần nào) xác định thay cho NHNN. Cho nên dù diễn biến của tỷ giá có nằm ở đâu trong vòng 12 tháng tới tôi cũng không quá lo ngại. Vấn đề an toàn cho thị trường và nền kinh tế không phụ thuộc vào VND mất giá hay lên giá bao nhiêu điểm phần trăm mà là khi NHNN cố gắng bảo vệ một mức tỷ giá quá xa với mức phù hợp của nền kinh tế.
Liên hệ quảng cáo: 0918 043 403 - toasoan@dnvnnews.com
Bản quyền của DOANH NHÂN VIỆT NAM