Điều trị vô sinh, hiếm muộn bằng phương pháp IUI (bơm tinh trùng vào buồng tử cung) hay IVF (thụ tinh ống nghiệm) là các phương pháp phổ biến hiện nay nhằm giúp các cặp vợ chồng có cơ hội sinh con.
TS.BS Hồ Sĩ Hùng (Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Quốc gia- Bệnh viện Phụ sản Trung ương) cho biết, mỗi năm trung tâm tiếp nhận hơn 4.000 lượt người đến chuyển phôi.
Trong đó tỉ lệ đậu thai là 2.000 người và thành công đến khi sinh con là hơn 1.000 trường hợp.
Ông bộc bạch: “Người vô sinh, hiếm muộn cần xác định việc điều trị khá tốn kém, đặc biệt là phải kiên trì. Có trường hợp làm đến 8 lần mới thành công”.
Với những trường hợp không có tinh trùng, tinh trùng dị dạng, hành trình đón con của họ càng gian nan hơn khi phải đi xin “con giống”. Bởi lẽ ngoài công sức, thời gian và tiền bạc, các cặp vợ chồng này còn phải đối mặt với vấn đề tâm lý.
“Tỉ lệ vô sinh do người chồng cũng khá cao, chiếm gần 40% các ca điều trị sinh sản. Tuy biết bản thân mình bị vô sinh nhưng không phải ai cũng chấp nhận cho vợ mang thai con của người khác”, TS.BS Hồ Sĩ Hùng cho biết.
Theo TS.BS Hùng, chữa hiếm muộn, người phụ nữ phải mất cả tuần để tiêm thuốc kích trứng, chấp nhận gây mê để chọc hút trứng, đối mặt với nhiều nguy cơ. Vất vả là vậy nhưng nhiều người chồng lại ít có sự cảm thông, chia sẻ với vợ mặc dù một số trường hợp lỗi hiếm muộn là do đàn ông.
Để tìm hiểu, phóng viên đã dành thời gian ngồi ngoài phòng chờ của Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Quốc gia (Bệnh viện Phụ sản Trung ương) trong vai phụ nữ hiếm muộn.
Mặc dù còn khá sớm nhưng khu vực này gần như chật kín người. Những cặp vợ chồng này đến từ Lào Cai, Yên Bái hay xa hơn là Hà Tĩnh, Quảng Bình.
Họ đều có chung tâm trạng lo lắng và khuôn mặt ủ rũ, đầy mệt mỏi. Dường như hành trình dài tìm một đứa con đã lấy đi của họ sức lực và những nụ cười.
Bắt chuyện với người phụ nữ gầy gò, ngồi ở cuối phòng, chị giới thiệu mình tên Nguyệt (SN 1988, quê Bắc Giang). Hai vợ chồng chị lấy nhau 5 năm, chạy chữa nhiều nơi nhưng không mang lại kết quả.
Đây là lần thứ ba chị đến trung tâm với hi vọng lần này sẽ có cơ hội làm mẹ. Hai vợ chồng chị thu xếp công việc, xuống Hà Nội từ sáng sớm. Chị ngồi đợi chồng vào lấy tinh trùng xét nghiệm.
Giọng buồn buồn, người phụ nữ này nói, đợt trước bác sĩ chẩn đoán chất lượng tinh trùng của chồng chị rất kém. Hai lần đặt phôi đều hỏng. Lần này bác sĩ cho anh uống thuốc 3 tháng nếu không khả quan thì họ khuyên chị nên xin tinh trùng.
Thế nhưng nghe vợ đề cập chuyện đó, chồng chị gạt phắt đi. Anh cho rằng vợ chê bai mình, nếu chị cố chấp muốn xin tinh trùng, chỉ còn cách ly hôn.
Chị Nguyệt chỉ cho tôi người phụ nữ trạc 40 tuổi ngồi gần mình, kể: “Chị này cũng nộp đơn xin tinh trùng. Chồng tôi tỉ lệ 1% nhưng chồng chị ấy thì không có tinh trùng.
Họ lấy nhau đã 11 năm. Người vợ sức khỏe sinh sản bình thường nhưng do năm ngoái tiêm thuốc kích trứng bị tác dụng phụ, năm nay mới làm tiếp.
Được cái chồng cũng hiểu biết nên cũng dễ, giờ chỉ đợi bệnh viện báo là họ làm thụ tinh ống nghiệm”...
Khi phóng viên đem thắc mắc, với tình trạng khan hiếm tinh trùng như hiện nay, nhu cầu lại lớn như vậy, liệu có tình trạng mua bán tinh trùng bên ngoài hay không, chị Ngô Thị Yến (Điều dưỡng trưởng, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Phụ sản Trung ương) cũng bày tỏ sự ái ngại.
Chị chia sẻ: “Khao khát sinh con là nguyện vọng chính đáng của bất kỳ người phụ nữ nào. Với tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong ngân hàng tinh trùng thì việc mua - bán "con giống" trôi nổi bên ngoài là khó tránh khỏi.
Tình trạng mua - bán tinh trùng tôi không dám khẳng định nó ra sao. Tuy nhiên nếu dịch vụ này tồn tại, nó cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm khôn lường".
Điều dưỡng Ngô Thị Yến nhấn mạnh, việc xin tinh trùng trực tiếp mà không qua các cơ sở y tế kiểm tra, sàng lọc sẽ tiềm ẩn nhiều nguy hiểm khôn lường. |
Chị nhấn mạnh, nguy hiểm nhất là việc họ không đến các bệnh viện làm xét nghiệm, kiểm tra sàng lọc mà nhận từ người hiến bằng đường trực tiếp.
Nếu chẳng may người hiến mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục như HIV, giang mai, viêm gan B thì người nhận có nguy cơ nhiễm bệnh. Chưa kể những hệ lụy về mặt tình cảm, khi hai bên gần gũi, tiếp xúc.
Trong các ca đến xin “con giống” tại trung tâm, điều dưỡng Yến kể, chị từng hỗ trợ cho trường hợp khá đặc biệt. Đó là một nữ đại gia thành đạt (45 tuổi).
Người phụ nữ này xác định không lập gia đình mà chỉ muốn sinh con. Do đó, chị đến xin tinh trùng dự trữ tại ngân hàng.
Trong thời gian chị đến trung tâm làm thủ tục thì một người bạn ở Mỹ (học đại học cùng chị) biết chuyện.
Người đàn ông ngoại quốc này ngỏ ý muốn giúp đỡ chị. Anh bày tỏ nguyện vọng cho chị tinh trùng và sẽ không làm ảnh hưởng đến cuộc sống của hai mẹ con.
Chị mang chuyện này tâm sự với điều dưỡng Yến. Nhận được sự tư vấn về thủ tục pháp lý cũng như cách thức thực hiện, nữ doanh nhân nhắn cho người bạn kia.
Sau 6 tháng, qua hàng loạt kết quả kiểm tra, kết quả bên bệnh viện ở nước ngoài cho thấy anh đủ điều kiện để hiến. Anh đợi nữ doanh nhân tiêm thuốc kích trứng, nội tiết, chọc hút trứng, sẽ đến Việt Nam đưa mẫu cho chị thụ tinh.
Tuy nhiên do bận công việc đột xuất, anh không về được. Chị Yến hướng dẫn người hiến đến cơ sở y tế bên đó nhờ họ bảo quản mẫu.
Theo đó, cơ sở y tế xử lý bước đầu, làm đông lạnh “con giống” khoảng 30 phút rồi đem bảo quản trong hộp chứa ni tơ lỏng.
Đông lạnh tinh trùng. Ảnh: Shutterstock |
Họ gửi chiếc hộp về Việt Nam theo đường hàng không. Máy bay hạ cánh, chiếc hộp được chuyển ngay đến bệnh viện để nhân viên y tế thực hiện các bước làm thụ tinh ống nghiệm cho người phụ nữ 45 tuổi.
“Đứa trẻ chào đời và đến thời điểm hiện tại đã đi học cấp 1. Các nhân viên y tế ở trung tâm tôi vẫn hài hước gọi cậu bé đó là phi hành gia trẻ tuổi”, chị Yến nhớ lại.
(Còn nữa)
*Một số tên nhân vật trong bài đã được thay đổi
Liên hệ quảng cáo: 0918 043 403 - toasoan@dnvnnews.com
Bản quyền của DOANH NHÂN VIỆT NAM