Thời sự

Chuyện không cũ: Thủ đô “vật vã” trong... bụi mịn-Thành An

(Dân Việt) Năm 2019, chủ đề được người dân sống ở Thủ đô nói đến nhiều nhất là tình trạng ô nhiễm, trong đó đặc biệt là ô nhiễm không khí. Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung từng thừa nhận: “Thành phố đã tích cực triển khai nhiều biện pháp chứ không phải không làm. Nhưng các giải pháp cần có thời gian và có sự phối hợp của các bộ, ngành, hơn nữa, còn cần kinh phí. Chỉ một mình chính quyền Hà Nội thì không thể khắc phục triệt để ô nhiễm được”.

Nhiều nguyên nhân…

Ghi nhận của PV NTNN cho thấy, nhiều ngày qua, TP.Hà Nội luôn chìm trong “báo động đỏ” ô nhiễm không khí. Thậm chí, có thời điểm không khí còn “xấu” tới mức nằm trong top thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới. Các chuyên gia khuyến cáo, người dân nên hạn chế ra ngoài.

Ông Mai Trọng Thái - Chi cục Bảo vệ Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường-(TNMT) Hà Nội cho biết, tại Hà Nội và các tỉnh thành miền Bắc, ô nhiễm bụi thường tăng cao tập trung vào thời gian mùa đông, đầu xuân và vào những thời điểm chuyển mùa. Đây cũng là hiện tượng thường gặp trong nhiều năm qua.

 chuyen khong cu: thu do “vat va” trong... bui min hinh anh 1

 Hà Nội đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí tăng cao. (ảnh: THÀNH AN)

Theo số liệu quan trắc của hệ thống trạm quan trắc của Sở TNMT Hà Nội, trong những ngày qua, chất lượng không khí của Hà nội, nhiều thời điểm trong ngày, nằm ở mức kém, trong đó, chủ yếu là ô nhiễm bụi.

Trên thực tế, nồng độ bụi chỉ tăng cao tức thời ở một vài thời điểm. Tuy nhiên, do điều kiện khí tượng không thuận lợi, xuất hiện hiện tượng sương mù bao phủ toàn thành phố kéo dài liên tục trong nhiều ngày nên bụi không thể thoát lên trên pha loãng và phát thải hoặc bị vận chuyển đi nơi khác mà bị giữ lại tại lớp không khí gần mặt đất nên chất lượng không khí trên toàn thành phố giảm xuống.

Nhận định về nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm bụi, đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cho biết, nguyên nhân chủ quan là do Hà Nội đang trong quá trình đô thị hóa, nhiều công trình đang xây dựng phát sinh bụi; mật độ các phương tiện tham gia giao thông lớn, xuất hiện nhiều điểm ùn tắc giao thông, còn tồn tại nhiều các phương tiện cũ, xe chở vật liệu và phế thải không che chắn đúng quy định.

Nguyên nhân khách quan là do thời điểm giao mùa, điều kiện khí tượng không thuận lợi, toàn thành phố luôn bị bao phủ bởi lớp sương mù làm giảm khả năng phân tán, phát tán bụi.

Mình Hà Nội không khắc phục được?

Trao đổi với NTNN, GS-TSKH Phạm Ngọc Đăng - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho rằng, để hạn chế tình trạng này, người dân cần có ý thức bảo vệ môi trường, giữ sạch sẽ thành phố. 

 Thành phố triển khai rất tích cực chứ không phải không làm. Mục tiêu là phải làm để cả đô thị phát triển bền vững. Nhưng các giải pháp này cần có thời gian và có sự phối hợp của các bộ, ngành, hơn nữa, còn cần kinh phí. Chỉ một mình chính quyền Hà Nội thì không thể khắc phục triệt để ô nhiễm được”.
Ông Nguyễn Đức Chung

Theo ông, cần quản lý tốt nguồn gây ô nhiễm của xe cộ, xe nào phát thải ra chất ô nhiễm vượt tiêu chuẩn cho phép thì không được cho vận hành; tăng cường giao thông công cộng để giảm thiểu phát thải từ xe cá nhân; quản lý nguồn thải từ hoạt động xây dựng mới...

Ông Trần Quốc Thái - Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cho biết, với tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, thì đây là vấn đề đáng quan tâm. Giải pháp quan trọng nhất là, quản lý đô thị hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh. Trong vấn đề này, Bộ xây dựng đã ban hành Thông tư số 01/2018/TT-BXD quy định về chỉ tiêu xây dựng đô thị tăng trưởng xanh, được hướng dẫn, giám sát định kỳ tại các thành phố trực thuộc Trung ương, các đô thị loại I, II, III, IV và V.

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho hay, về vấn đề xử lý ô nhiễm, thành phố đã làm rất kỹ và rất sớm. “Ngay khi tôi lên Chủ tịch UBND thành phố, Phó Đại sứ Mỹ có lưu ý hãy chú trọng giải quyết tình hình ô nhiễm môi trường. Hiện thành phố có chuyên gia Pháp và chuyên gia tư vấn cho Bắc Kinh trong vấn đề giải quyết ô nhiễm. Cùng với đó, thành phố đưa ra nhiều giải pháp”- ông nói.

Theo ông Chung, Hà Nội đã trồng rất nhiều cây xanh; chuyển toàn bộ hình thức quét rác, khua bụi bẩn lên sang hình thức hút bụi và hút rác; giải quyết ô nhiễm ở các hồ khu vực quanh thành phố; đang triển khai xây dựng nhà máy nước thải Yên Xá; lắp đủ trạm quan trắc…

Thành phố cũng đã xây dựng đề án và được HĐND thành phố thông qua lộ trình cấm xe máy. Đặc biệt, có một dự án đang triển khai rất tốt. Đó là thành phố đang gieo và ươm hàng trăm nghìn cây được các chuyên gia đến từ Italy và Singapore đang chuyển giao. Những cây này có thể hút mùi và bụi giống như Singapore đang trồng. Dự kiến, ra Tết 2020 Hà Nội sẽ triển khai. 

Bình luận





Tin cùng danh mục
Phát triển Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ: Tư duy mới, lộ trình mới
Đồng Tâm Group khai trương trung tâm trưng bày, giới thiệu sản phẩm mới tại TP.HCM
Tìm một hướng đi trong quan hệ Việt - Úc
Tăng cường quan hệ đối tác toàn diện Hoa Kỳ - Việt Nam

Liên hệ quảng cáo: 0918 043 403 - toasoan@dnvnnews.com

Bản quyền của DOANH NHÂN VIỆT NAM