Thời sự

Chuyên gia đề xuất Việt Nam thành lập 'Bộ Kinh tế sáng tạo'

Viện trưởng Kinh tế Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần xây dựng định hướng phát triển với động lực là khoa học công nghệ.

Chiều 13/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự hội nghị "các nhà khoa học đóng góp ý kiến cho Tiểu ban Kinh tế - Xã hội của Đại hội XIII của Đảng" được tổ chức tại Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Phát biểu đầu tiên trong số 14 nhà khoa học nêu ý kiến tại hội nghị, PGS Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Kinh tế Việt Nam cho rằng, năm 2018 kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng tuy cao (7,08%), nhưng nhìn chung giai đoạn 2011-2020 sẽ khó đạt mục tiêu 7 - 7,5%.

"Nếu như năm 2019 và 2020 đạt mức 7% thì tăng trưởng trung bình giai đoạn trên cũng chỉ 6,3-6,4%. Hơn nữa, làm thế nào để đạt được mức tăng trưởng cao trong thời gian tới là một dấu hỏi lớn", ông Tuấn nói và nhận định các yếu tố để phát triển kinh tế ở Việt Nam còn hạn chế như năng suất lao động thấp, cơ cấu lao động không hợp lý; chỉ số hiệu lực pháp luật, hiệu quả của Chính phủ, kiểm soát tham nhũng... vẫn thua nhiều nước trong khu vực.

Đặc biệt, theo ông Tuấn, tỷ lệ đầu tư cho khoa học công nghệ đang có xu hướng giảm trong khi đây là yếu tố quan trọng nhất để tăng trưởng nhanh. "Nếu so với các nước trong khu vực thì mức độ sẵn sàng công nghệ của Việt Nam ở nhóm thấp", ông Tuấn nói.

Viện trưởng Kinh tế Việt Nam, PGS Bùi Quang Tuấn. Ảnh: XH

Viện trưởng Kinh tế Việt Nam, PGS Bùi Quang Tuấn. Ảnh: XH

Để khắc phục những tồn tại nói trên, Viện trưởng Kinh tế Việt Nam cho rằng, Đảng, Nhà nước cần khẳng định quan điểm xuyên suốt cho cả giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 là "tăng trưởng nhanh và sáng tạo, lấy phát triển con người là mục tiêu cuối cùng, lấy hiệu quả và năng suất xanh, thân thiện môi trường là thước đo".

Ông Tuấn nhấn mạnh, sáng tạo trong quan điểm trên bao hàm cách làm mới ở nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó động lực là khoa học công nghệ; từ bỏ tư duy mô hình cũ chỉ có lợi trước mắt để xây dựng mô hình mới là sáng tạo trong tư duy...

"Từ cách tiếp cận này, đất nước sẽ hướng đến trở thành quốc gia sáng tạo, trong đó có doanh nghiệp sáng tạo, hệ sinh thái sáng tạo, các trung tâm sáng tạo cho đến Bộ kinh tế sáng tạo", ông Tuấn nói và cho rằng phải tư duy như vậy để tiến kịp thế giới, như vừa qua các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) đã thành lập Bộ Không gì là không thể.

Đồng tình với PGS Tuấn, GS TSKH Võ Đại Lược (nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới) nói, muốn "sáng tạo" thì phải có nhân tài.

"Trung Quốc sẵn sàng trả lương cao để thu hút người tài về phục vụ đất nước. Tôi từng viết nhiều thư giới thiệu sinh viên đi học nước ngoài nhưng không ai về vì cơ chế chưa có. Nhân tài không về thì lấy ai để sáng tạo?", ông Lược đặt vấn đề.

GS Đặng Nguyên Anh - Phó chủ tịch viện Hàn lâm Khoa học Xã hội góp ý, phải gắn kết kinh tế với xã hội. Theo ông, dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 chỉ đưa ra 4 mục tiêu xã hội gồm tuổi thọ bình quân, lao động có bằng cấp, việc làm và chỉ số phát triển con người.

"Cần đưa thêm chỉ tiêu về tội phạm, tệ nạn xã hội, chỉ số hài lòng của người dân, chỉ số giới tính khi sinh...", ông nói.

GS Đặng Nguyên Anh, Phó chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học Xã hội. Ảnh: XH

GS Đặng Nguyên Anh, Phó chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học Xã hội. Ảnh: XH

Theo GS Đặng Nguyên Anh, phát triển xã hội là mục tiêu cuối cùng của kinh tế, chính trị. Vì vậy, đã đến lúc phải xem xét thể chế hoá đầu mối, cơ quan, tổ chức chuyên về lĩnh vực quản lý xã hội. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy Singapore có Bộ Phát triển xã hội, Thái Lan có Bộ Phát triển xã hội và an ninh con người, Anh có Bộ Hạnh phúc và Pháp có Bộ Xã hội.

GS Hồ Sỹ Quý - nguyên Viện trưởng Viện thông tin khoa học xã hội thì cho rằng văn hoá xuống cấp đang cản trở sự phát triển của xã hội.

"Phải có một chiến lược phát triển văn hoá mới để nâng cao những giá trị tốt đẹp của con người Việt Nam. Khi xảy ra các vấn đề văn hoá, chúng ta có xu hướng tìm đến Bộ Văn hoá, Bộ Giáo dục, nhưng Bộ đáng phải nói đến là Bộ Tư pháp. Phải bám vào pháp luật để xử lý, gỡ dần các vấn đề", ông nói.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết đề cương chi tiết của 2 văn kiện là Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, đang được hoàn thiện để trình Hội nghị Trung ương tới đây.

Ông đánh giá các ý kiến nêu ra tại hội nghị có thông tin mới, sát thực tế, chỉ ra nhiều vấn đề bức xúc và định hướng tháo gỡ, đặc biệt là lối ra cho phát triển; bày tỏ mong muốn trong hội nghị sắp tới sẽ có giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ hơn.

Về thực trạng kinh tế - xã hội, qua các ý kiến phát biểu, Thủ tướng nhìn nhận, "gam màu sáng vẫn là phổ biến, chủ đạo mặc dù vẫn còn những đốm đen nguy hại, những nguy cơ, cần nhận diện và khắc phục".

Lưu ý nguy cơ tụt hậu là hiện hữu nếu không tự vươn lên, không có khát vọng dân tộc để xây dựng đất nước, Thủ tướng tin tưởng "chúng ta sẽ vượt qua thách thức, những điểm ngăn trở để đưa đất nước phát triển hơn trong thời gian tới".

Bình luận





Tin cùng danh mục
Phát triển Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ: Tư duy mới, lộ trình mới
Đồng Tâm Group khai trương trung tâm trưng bày, giới thiệu sản phẩm mới tại TP.HCM
Tìm một hướng đi trong quan hệ Việt - Úc
Tăng cường quan hệ đối tác toàn diện Hoa Kỳ - Việt Nam

Liên hệ quảng cáo: 0918 043 403 - toasoan@dnvnnews.com

Bản quyền của DOANH NHÂN VIỆT NAM