Theo Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch Quốc Gia Tam Chúc tỉnh Hà Nam đến năm 2030 được Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt, Khu du lịch Tam Chúc có quy mô diện tích vùng lõi ưu tiên tập trung phát triển là 4.000 ha, thuộc địa phận thị trấn Ba Sao và 3 thôn: Vồng, Khuyến Công và Khả Phong thuộc xã Khả Phong huyện Kim Bảng.
Chỉ tiêu của Khu du lịch Tam Chúc là đến năm 2025 cơ bản đáp ứng các tiêu chí của khu du lịch Quốc gia, đón khoảng 3,7 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 470 nghìn lượt, tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 1.100 tỷ đồng. Đến năm 2030, chỉ tiêu là đón khoảng 6 triệu lượt khách, trong đó khách du lịch 750 nghìn lượt, doanh thu 1.700 tỷ đồng.
Về lao động, Tam Chúc có chỉ tiêu năm 2025 tạo việc làm cho khoảng 2.400 lao động, trong đó có khoảng 900 lao động trực tiếp. Phấn đấu đến năm 2030 tạo việc làm cho khoảng 4.500 lao động, trong đó có khoảng 1.800 lao động trực tiếp.
Khu du lịch Tam Chúc bao gồm 6 khu chức năng, trong đó quan trọng nhất là Khu văn hóa tâm linh Tam Chúc (chân núi Thất Tinh và Thung Vạc). Đây sẽ là nơi tham quan, hành hương, thực hành tín ngưỡng và chiêm bái các công trình tôn giáo, tham quan Bảo tàng văn hóa truyền thống vùng Đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc, tìm hiểu về đạo Phật, tổ chức sự kiện văn hóa văn nghệ, tổ chức các khóa học về Phật học ngắn hạn. Đây cũng chính là nơi diễn ra các sự kiện chính của Đại lễ Phật đản 2019.
Toàn cảnh Khu văn hóa tâm linh Tam Chúc
Mặt bằng chùa Tam Chúc rộng 144 ha, với nhiều công trình như chùa Ngọc, điện Tam Thế, điện Pháp Chủ, điện Quan Âm, cổng Tam Quan, Trung tâm Hội nghị quốc tế… Các công trình này đều có quy mô rất lớn, khiến Tam Chúc trở thành ngôi chùa lớn nhất Việt Nam.
Cụ thể, chùa Ngọc nằm trên đỉnh núi Thất Tinh cao 468 m, với 299 bậc lên, được xây dựng hoàn toàn bằng đá khối xếp liền nhau thành một khối nặng 2.000 tấn do các nghệ nhân Ấn Độ chế tác, một kiệt tác về kiến trúc đá.
Chùa Ngọc trên đỉnh núi Thất Tinh cao 468m
Điện Tam Thế ở độ cao 45 m trên trục thần đạo, 3 tầng mái cong mang kiến trúc đình chùa Việt, cao 39 m, mặt sàn 5.400 m2, đủ đón 5.000 phật tử cùng hành lễ. Điện Pháp Chủ 2 tầng mái cong, cao 31 m, mặt sàn 3.000 m2. Điện Quan Âm cao 30,5 m, mặt sàn rộng 3.000 m2. Cổng Tam Quan 3 tầng mái cong, cao 28,8 m, ba mặt sàn rộng 3.558 m2.
Nhà thờ Tổ 2 tầng tháp mái cong với chiều cao 25 m, mặt sàn 1.050 m2; nhà Tăng Ni 5 tầng cao 30,8 m, với mặt bằng 3.600 m2; đền Thánh Cao Sơn được tọa lạc trên diện tích 1,75 ha phía hồ Tay Ngai, với Thủy Đình 3 tầng mái, Nhà Tả Hữu Vu, Đền Chính...; đền Mẫu với chất liệu gỗ theo phong cách truyền thống Thủy Đình 2 tầng mái, Nhà Tả Hữu Vu, Đền Chính, Nghi Môn. Đình làng Tam Chúc được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ trên diện tích 3.700 m2 trên đảo giữa hồ.
Thủy đình diện tích 3.700m2 trên hòn đảo giữa hồ
Trung tâm Hội nghị quốc tế nổi trên mặt hồ cao 31 m, đủ sức phục vụ gần 3.500 khách. Tương lai, Tam Chúc sẽ có Khu trung tâm đón tiếp nghỉ dưỡng, Khu bảo tồn di tích và cảnh quan thiên nhiên... cùng nhiều công trình khác.
Siêu hội trường 3.000 chỗ ngồi này được ghi nhận là một trong những sân khấu di động lắp ghép nhanh và hiện đại nhất từ trước tới nay.
Điều đặc biệt ấn tượng là 4 bức tường cực lớn ở điện Tam Thế được trang trí bởi 12.000 bức tranh đá tinh xảo. 4 bức tường lớn của điện Pháp Chủ cũng được trang trí bởi 10.000 bức tranh tái hiện cuộc đời Đức Phật: Phật Sinh, Thành Đạo, Thuyết Pháp và Phật Niết Bàn. 4 bức tường lớn tại điện Quan Âm cũng có 8.500 bức tranh đá kể những câu chuyện về các sự tích Quan Thế Âm Bồ Tát.
30.500 bức tranh đá trên đều mang màu cháy của gạch nung già, trầm mặc, cổ kính, lấy từ núi lửa ngàn năm Merapi (Indonesia), được chế tác thủ công bởi các nghệ nhân quần đảo Java (Indonesia). Tất cả bức tranh đều được chú dẫn bằng 3 thứ tiếng Việt, Anh, Phạn và đã được mã hóa.
Các bức tượng Phật của Tam Chúc cũng rất lớn. Điện Tam Thế thờ 3 tượng Phật Tổ bằng đồng dát đồng đen, mỗi bức nặng hơn 200 tấn, phía sau là 3 lá bồ đề dát vàng rộng chưa từng thấy. Sân điện có chiếc vạc Phổ Minh khổng lồ với những bức tranh miêu tả di tích, thắng cảnh.Điện Pháp Chủ thờ tượng Thích Ca Mâu Ni bằng đồng nguyên khối nặng 150 tấn. Còn Điện Quan Âm thờ tượng đồng Quan Âm Bồ Tát nguyên khối nặng 100 tấn.
Ba pho Tam Thế đại diện cho quá khứ, hiện tại và vị lai
Tháng 7/2018, Chùa Tam Chúc được Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka tặng cây Bồ Đề, được chiết từ "Cây Bồ Đề Vĩ Đại Cát Tường" (Jaya Sri Maha Bodhi) 2.250 tuổi và được coi là báu vật của đất nước Sri Lanka ở Thánh tích Mahamegha, Cố đô Anuradhapura - Sri Lanka.
Cây Bồ Đề được chiết từ "Cây Bồ Đề Vĩ Đại Cát Tường" 2.250 tuổi
Ngoài ra, để nâng cao hình ảnh của chùa Tam Chúc, doanh nghiệp Xuân Trường đãchi 14 tỷ đồng đấu giá và đưa thiên thạch mặt trăng có trọng lượng 5,5 kg "The Moon Puzzle" về chùa. Thiên thạch này được cho là rơi từ không gian vũ trụ xuống sa mạc Sahara từ hàng ngàn năm trước, được tìm thấy vào năm 2017. Khối thiên thạch được đặt trong Bảo Tháp. Trong Bảo tháp còn đặt một pho tượng đá ngọc nặng 4,9 tấn.
"The Moon Puzzle" có giá 14 tỷ đồng
Tại Đại lễ Phật đản 2019, sẽ có 570 phái đoàn quốc tế từ 112 quốc gia và vùng lãnh thổ tới tham dự. Theo đăng ký, sẽ có khoảng 1.650 đại biểu quốc tế và hơn 20.000 đại biểu trong nước.
Để tiếp đón lượng người lớn như vậy, ban tổ chức đã bố trí 400 xe điện phục vụ đại biểu, phật tử, người dân đến dự sự kiện. Giáo hội Phật giáo sẽ chuẩn bị mỗi ngày 40.000 suất cơm chay phát miễn phí tại Đại lễ. Ban tổ chức bố trí khu chế biến món ăn rộng 4.000 m2 và nhà ăn rộng 3.200 m2 để tổ chức tiệc buffet cho đại biểu.
Giáo hội Phật giáo đã kêu gọi gần 8.000 tình nguyện viên tham gia hỗ trợ hướng dẫn đại biểu, du khách. Đây là lần thứ 3 Đại lễ được tổ chức tại Việt Nam. Trước đó là các năm 2008 và 2014.
Liên hệ quảng cáo: 0918 043 403 - toasoan@dnvnnews.com
Bản quyền của DOANH NHÂN VIỆT NAM