Trong thông báo thụ lý vụ án, TAND Quận 1 cho biết, người khởi kiện đã yêu cầu bị đơn thanh toán số tiền 891.907.700 (gồm tiền bồi thường bảo hiểm là 889.907.700 đồng, tiền chi phí phát sinh việc bảo vệ di chuyển xe đến nơi sửa chữa, chi phí giao lại xe là 2.000.000 đồng).
Thông tin ban đầu cho biết, ông Bảo là khách hàng của Liberty theo hợp đồng số S-MPB-00116455-00-17 ngày 03/11/2017 với đối tượng bảo hiểm là xe ô tô Mercedes-Benz E300 mang biển kiểm soát 51G-006.xx.
Ngày 25/11/2018, trong điều kiện mưa bão Usagi, ông Bảo điều khiển xe ô tô trên lưu thông trên đường bị ngập nước nên bị chết máy. Ngay khi sự cố xảy ra, ông Bảo đã liên hệ qua điện thoại rất nhiều lần để yêu cầu Liberty điều xe cứu hộ di chuyển xe gặp nạn ra khỏi hiện trường trong tình trạng mực nước ngày một dâng cao.
Theo ông Bảo, sau đó, chính Liberty trực tiếp đề nghị, ông tự tìm xe kéo bên ngoài và phải chịu toàn bộ chi phí xử lý kéo xe về xưởng của đơn vị sửa chữa.
"Lúc đó trên xe có cụ bà hơn 80 tuổi và trẻ em 7 tháng tuổi. Bên ngoài mưa bão, nước càng lúc càng dâng cao nên tôi đã chấp nhận phương án trên", ông Bảo nói.
Sau đó, thực hiện theo hợp đồng bảo hiểm, ông Bảo đã liên hệ với Liberty để giải quyết vấn đề bồi thường bảo hiểm.
Mãi đến ngày 14/12/2018, ông Bảo mới nhận được thông báo kết quả giải quyết bồi thường với nội dung không giải quyết bồi thường đối với “phần động cơ được xác định hư hỏng do quý khách cố tình khởi động lại sau khi động cơ ngừng hoạt động vì đi vào đường ngập nước thuộc điều khoản loại trừ”.
Cho rằng việc giải quyết bồi thường chưa thỏa đáng, ông Bảo đã khởi kiện công ty bảo hiểm này ra toà.
Điều đáng chú ý, phía Liberty dựa vào kết luận giám định theo văn bản trả lời kết quả giám định số 07/C09B (DV) ngày 7/12/2018 của Phân viện khoa học hình sự tại TPHCM để từ chối trách nhiệm.
Kết luận nêu: “Nguyên nhân hư hỏng động cơ xe ô tô biển số 51G-006.52 là do quá trình tham gia giao thông qua đoạn đường ngập nước, làm cho động cơ ngừng hoạt động. Quá trình khởi động lại động cơ dẫn đến nước vào bên trong các xi lanh động cơ qua đường khí nạp nhiều hơn làm chu trình nén của máy số 1 giảm (lượng nước lọt vào xi lanh đã chiếm chỗ của hỗn hợp khí nạp) khi đang lên điểm chết trên gây ra phản lực làm gãy tay biên gây hư hỏng động cơ".
Tuy nhiên, phía khách hàng cho rằng, những điều nêu trong kết luận là không thuyết phục. Kết luận giám định trên chưa nêu được căn cứ để khẳng định được việc lái xe đã cố tình khởi động lại khi xe bị ngập nước dẫn đến hư hỏng động cơ, do hành vi bấm nút đề nhưng không đạp thắng chân thì động cơ xe sẽ không khởi động.
Công Quang
Liên hệ quảng cáo: 0918 043 403 - toasoan@dnvnnews.com
Bản quyền của DOANH NHÂN VIỆT NAM