Thu dầu thô, xuất nhập khẩu giảm mạnh
Theo quy định mới của Luật Ngân sách nhà nước, tại kỳ họp này, Quốc hội lần đầu thông qua kế hoạch ngân sách tài chính 5 năm. Để chuẩn bị nội dung này, Bộ Tài chính đã báo cáo Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, Chính phủ, xin ý kiến các Bộ, ngành địa phương. Kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020 lần đầu trình Quốc hội thông qua trong đó xác định rõ mức thu, tỷ lệ thu và cơ cấu chi ngân sách nhà nước lớn, đặc biệt là cân đối thu chi (giới hạn về bội chi, nợ công).
Trao đổi với báo chí ngày 27/10, ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính cho biết về vấn đề thu ngân sách, vừa qua dù hàng năm vượt dự toán nhưng thu Trung ương khó khăn hơn do thu dầu thô, cân đối xuất nhập khẩu có xu hướng giảm và giảm rất nhanh.
Từ 2006-2010, tỷ trọng 2 khoản thu này chiếm 40% tổng thu ngân sách nhưng đến 2015 lại dưới 25% (chưa đầy 1/4 tổng ngân sách). Đến 2020 dự báo chỉ còn khoảng 14-15% tổng thu.
Theo ông Hưng, lý do giảm mạnh như trên là vì thu dầu thô sản lượng giảm, tốc độ không tăng nhanh. Cụ thể, năm 2016 sản lượng lúc đầu dự toán 14 triệu tấn nhưng cuối năm thấy có thể khai thác thêm, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam PVN báo cáo Thủ tướng điều chỉnh lên 15 triệu tấn nhưng 2017 sản lượng dự toán chỉ còn 12 triệu tấn. Bên cạnh đó, giá so với 2006-2010 cũng cao nhưng so với 2011-2015 lại thấp hơn. Quy mô ngân sách ngày càng cao, tỷ trọng không tăng thì sẽ giảm.
Đối với xuất nhập khẩu, ông Hưng cho biết, sẽ đến lúc chủ yếu thu từ VAT, và thuế tiêu thụ đặc biệt.
Trong khi nguồn thu lớn thứ 3 là điều tiết của địa phương về trung ương, tăng theo tốc độ tăng ngân sách thu nội địa nói chung. 2006-2010, có 11 địa phương điều tiết ngân sách về trung ương; 2011-2016 có 13 địa phương. Cơ bản còn 50 địa phương vẫn phải nhận trợ cấp từ Trung ương.
“Khó khăn tới là cân đối ngân sách Trung ương, thời gian tới không thể bội chi lên cao, theo nghị quyết không quá 4% GDP nhưng giới hạn trần nợ công 65%, như năm 2017 Chính phủ trình Quốc hội bội chi chỉ 3,5% GDP”, ông Hưng nói.
Trước vấn đề đặt ra, làm sao thu nội địa “trám” được tác động giảm của thu dầu thô, xuất nhập khẩu, tăng thu nội địa, ông Hưng cho biết, cần cải thiện môi trường đầu tư, phát triển doanh nghiệp là giải pháp căn cơ lâu dài căn bản nhất, số lượng doanh nghiệp tăng từ 500-600 doanh nghiệp lên 1-2 triệu doanh nghiệp sẽ là nguồn lực lớn nhất mà nhà nước có thể thu từ thuế, phí.
Ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước
Bên cạnh đó, ông Hưng cũng cho biết, rà soát các sắc thuế hợp lý, thu trực tiếp gián tiếp (VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt) theo hướng mở rộng đối tượng thu, nghĩa vụ thuế trên từng mặt hàng không tăng nhưng đối tượng nộp thuế rộng ra, xây dựng nghiên cứu thuế tài sản.
Cuối cùng, quản lý thu thuế hiệu quả, tránh thất thu thuế, giảm nợ đọng thuế. Mục tiêu Bộ Tài chính đưa nợ đọng thuế về dưới 5% tổng thu ngân sách. “2008-2011 doanh nghiệp suy yếu nhiều, nợ thuế rất lớn, Bộ Tài chính đang rà soát để thống kê báo cáo Quốc hội cho phép xoá một phần nợ thuế của các doanh nghiệp chỉ còn trên sổ sách và thực tế không thu được nữa”, ông Hưng thông tin.
Cấp Thứ trưởng trở xuống không được bố trí tiền mua xe công
Về chi ngân sách, lãnh đạo vụ Ngân sách nhà nước cho biết, Chính phủ đang tiếp tục yêu cầu bộ, ngành tiết kiệm chi thường xuyên. Dù yêu cầu điều chỉnh tiền lương từ 1/7 nhưng các bộ đã tự sắp xếp theo dự toán được giao. “Đây là năm thứ 2 liên tiếp các Bộ phải sắp xếp để điều chỉnh tiền lương, quỹ lương tăng lên nhưng không được bổ sung thêm mà phải tiết kiệm các nguồn khác để đảm bảo quỹ lương của mình tăng lên”, ông Hưng nói.
Cũng nhằm tiết kiệm chi thường xuyên, một số địa phương cân nhắc khoán xe công nhưng thực tế hiện nay mới có Bộ Tài chính thực hiện.
“Trong cách bố trí dự toán, năm nay và năm sau không bố trí tiền cho các bộ mua xe cho cấp Thứ trưởng trở xuống. Khi sắp xếp lại sẽ dư xe, điều chuyển. Nếu các Bộ chưa khoán được thì tự sắp xếp điều chuyển”, ông Hưng nhấn mạnh.
Theo Nguyên Thảo (Bizlive)
Liên hệ quảng cáo: 0918 043 403 - toasoan@dnvnnews.com
Bản quyền của DOANH NHÂN VIỆT NAM