VietNamNet trao đổi với ông Phạm Quang Hưng, Vụ trưởng Vụ 4 (Theo dõi các cơ quan TƯ) của Ban Tổ chức TƯ về đề án này.
XEM CLIP:
Không để người chạy chức lọt vào TƯ
Đề án này có ý nghĩa như thế nào đối với công tác chuẩn bị nhân sự khoá 13, thưa ông?
Nếu được Ban chấp hành TƯ 7 thông qua, đây sẽ là 1 nghị quyết đồng bộ từ khâu nâng cao nhận thức giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống; đổi mới công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cấp chiến lược; kiểm soát quyền lực; cơ chế cử nhân dân tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ; nhiệm vụ về công tác tổ chức đội ngũ cán bộ tham mưu, chuẩn bị cho công tác nhân sự đại hội nói chung, trong đó có Đại hội 13 của Đảng.
Hướng đến Đại hội 13, chúng tôi tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, tiến hành làm công tác quy hoạch để làm cơ sở cho việc xây dựng quy hoạch Ban chấp hành TƯ.
Đồng thời, tổ chức các lớp dự nguồn cao cấp để chuẩn bị lựa chọn, khảo sát nhân sự ở các cấp để chọn những cán bộ ưu tú nhất tham gia vào đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, trong đó nhấn mạnh: “Không để những người không xứng đáng, chạy chức chạy quyền, vào Ban chấp hành TƯ”.
Chúng tôi đề ra những tiêu chuẩn, quy định cụ thể đối với cán bộ chuẩn bị dự nguồn, được giới thiệu làm ủy viên TƯ dự khuyết chỉ bao gồm cán bộ trẻ, có năng lực triển vọng, có thành tích xuất sắc ở những lĩnh vực quan trọng với sự phát triển của đất nước, ở những địa bàn trọng yếu thì mới được cơ cấu, lựa chọn.
Từ khâu lựa chọn, bồi dưỡng tạo nguồn, quy hoạch cho đến đánh giá, khảo sát, xây dựng tiêu chuẩn Ban chấp hành TƯ (cả ủy viên chính thức và dự khuyết). Như vậy, chắc chắn chúng ta sẽ lựa chọn được Ban chấp hành TƯ mới xứng đáng hơn, tiêu biểu hơn cho đội ngũ cán bộ của cả nước.
Vừa qua, hàng loạt cán bộ lãnh đạo quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp cao bị kỷ luật, thậm chí phải xử lý hình sự. Vậy cần rút kinh nghiệm gì trong việc lựa chọn, chuẩn bị nhân sự để đưa vào TƯ và Bộ Chính trị khoá tới?
Vừa qua, TƯ xử lý nhiều tập thể và cá nhân vi phạm, trong đó có nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp chiến lược có những sai phạm, khuyết điểm, thậm chí vi phạm pháp luật.
Nhưng đây không phải là câu chuyện xuất hiện khuyết điểm, yếu kém ngay trong thời điểm này mà là kéo dài của những nhiệm kỳ trước đây.
Lần này, với sự quyết tâm của Bộ Chính trị, của TƯ như nhiều lần Tổng bí thư tuyên bố “Không có vùng cấm” trong việc xử lý cán bộ.
Quyết tâm này được thể chế hoá bằng các quy định, quy chế được ban hành thời gian gần đây. Điển hình như quy trình cán bộ đã được ban hành nhiều quy định mới, chấn chỉnh những sai lầm, khuyết điểm, hạn chế, yếu kém từ quy trình 3 bước lên 5 bước. Công tác quy hoạch cán bộ cũng được rà soát chặt chẽ, thẩm định hồ sơ nghiêm ngặt theo quy trình 4 bước.
Về luân chuyển cán bộ, Bộ Chính trị mới ban hành Quy định 98, quy định chặt chẽ trách nhiệm của cơ quan cử đi, cơ quan tiếp nhận, trách nhiệm của cán bộ luân chuyển. Đối với cán bộ quy hoạch cấp chiến lược, chỉ luân chuyển vào vị trí đứng đầu chứ không có chuyện tăng thêm các chức danh để luân chuyển, tránh những việc lợi dụng sơ hở để hợp thức hoá quá trình luân chuyển, làm cơ sở cho bổ nhiệm.
Sắp tới, chúng ta đổi mới công tác đào tạo, sát hạch cả đầu vào, đầu ra và thường xuyên kiểm tra, giám sát cấp trên, cấp dưới.
Vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành nhiều quy định rất chặt chẽ, rà soát lại những cán bộ, tập thể, cá nhân có những sai phạm, những khuyết điểm trong việc bổ nhiệm, bố trí cán bộ. Những trường hợp có sai thì thu hồi các quyết định để làm trong sạch, lấy lại niềm tin của nhân dân đối với công tác tổ chức, xây dựng Đảng.
Ông Phạm Quang Hưng, Vụ trưởng Vụ 4 (Theo dõi các cơ quan TƯ) của Ban Tổ chức TƯ. Ảnh: Thu Hằng |
Đã từng quy hoạch 3 người vào Tổng bí thư
Liệu thực trạng vừa qua có phải do chúng ta chưa làm tốt công tác quy hoạch cán bộ?
Từ năm 2004, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 42 về công tác quy hoạch cán bộ. Tại khoá 11 vừa qua, lần đầu tiên Ban chấp hành TƯ tiến hành quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, tức là quy hoạch các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Lúc ấy, có tới 3 người được quy hoạch vào vị trí Tổng bí thư, hơn 30 người được quy hoạch vào Bộ Chính trị và trên 300 người được quy hoạch vào Ban chấp hành TƯ.
Như vậy, yêu cầu về quy hoạch cán bộ, nhất là cán bộ chiến lược khoá 11 vừa qua đã đạt được yêu cầu chuẩn bị đội ngũ cán bộ kế cận của Đảng.
Sau hội nghị TƯ 7 này, Ban chấp hành TƯ sẽ tiến hành quy hoạch nhân sự Ban chấp hành TƯ - cán bộ chiến lược khoá 13 sắp tới và cho những khoá tiếp theo.
Chúng tôi cũng đặt ra yêu cầu quy hoạch có 3 độ tuổi và có quy hoạch đối với tất cả chức danh từ Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch QH, ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ủy viên Ban chấp hành TƯ. Tất cả các chức danh đều có hệ số từ 1-2 người.
Khoá trước khoảng 350 người được quy hoạch Ban chấp hành TƯ.
Chúng ta tổ chức cho khoảng 500 người đi học 6 lớp dự nguồn cán bộ. Các địa phương cũng tổ chức các lớp dự nguồn đào tạo cán bộ kế cận cấp uỷ. Đây là chuyện chúng ta làm thận trọng, chắc chắn và đạt kết quả.
Có thể giảm số lượng ủy viên TƯ
Thực tế vừa qua có một số cán bộ trong quy hoạch nhưng khi ra Đại hội lại bầu không trúng nhưng ngược lại, có một số cán bộ ngoài quy hoạch lại trúng. Điều này có ưu khuyết điểm gì và có ảnh hưởng như thế nào đến chất lượng đội ngũ lãnh đạo?
Phải khẳng định là tuyệt đại những người được bầu vào Ban chấp hành TƯ, Bộ Chính trị đều trong quy hoạch. Tuy nhiên, quy hoạch là để đào tạo, làm cơ sở cho việc xem xét, lựa chọn, còn việc bầu cử là do sự tín nhiệm.
Vừa qua, quy hoạch nguồn dồi dào với hệ số 2-3 lần. Số quy hoạch 350 người nhưng bầu cử lần đầu chỉ 90 người tham gia Ban chấp hành TƯ. Quy hoạch thì đủ độ tuổi điều kiện nhưng khi bầu cử phải đánh giá đúng yêu cầu, năng lực và vị trí cần có cơ cấu dư.
Nên một số người khi giới thiệu tham gia TƯ lại không đủ điều kiện trong quy hoạch nhưng do yêu cầu nhiệm vụ vẫn được bầu cử vào Ban chấp hành TƯ. Đây cũng là chuyện bình thường trong công tác quy hoạch và nhân sự.
Giữa quy hoạch và đào tạo, tạo nguồn để cấp có thẩm quyền, Ban chấp hành các cấp lựa chọn. Nhưng khi bầu cử là theo tiêu chuẩn, yêu cầu, cơ cấu bố trí.
Vừa qua có khoảng hơn 10 người là bí thư tỉnh uỷ sinh năm 1960, theo quy hoạch thì họ không nằm trong danh sách nhưng họ đang là bí thư tỉnh, thành uỷ hay trưởng các cơ quan, ngành vẫn được TƯ, Ban chấp hành tín nhiệm cao và giới thiệu ra Đại hội để bầu vào Ban chấp hành TƯ.
Khi quy hoạch phải tính đủ 5 năm đến ngày bầu cử, tức là phải sinh năm 1961 trở về sau nhưng những người này đang ở vị trí, có đủ điều kiện, triển vọng, được tín nhiệm thì vẫn được giới thiệu bầu.
Với điều kiện như hiện nay, dự kiến số lượng ủy viên TƯ trong khoá tới sẽ nhiều hơn hay ít hơn?
Việc quyết định số lượng ủy viên TƯ sẽ do TƯ trình Đại hội với tinh thần Nghị quyết TƯ 6 là tinh giản bộ máy, giảm số lượng lãnh đạo cấp phó các tổ chức cơ quan. Mục tiêu chúng ta sẽ xây dựng Ban chấp hành TƯ có đủ năng lực phẩm chất, đảm bảo sức lãnh đạo của Đảng đối với tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trên cơ sở đó, chúng ta nhấn mạnh đến năng lực phẩm chất và uy tín của cán bộ để lựa chọn.
Còn quyết định số lượng giảm là do Ban chấp hành TƯ quyết định. Trong quá trình thảo luận xây dựng đề án, rất nhiều cấp cấp uỷ, tổ chức đảng đồng tình với việc tinh giản bộ máy, trong đó có việc giảm số lượng các cấp uỷ Đảng để nâng cao hơn nữa chất lượng.
Hội nghị TƯ 7 tuần tới sẽ bàn hàng loạt các vấn đề trong công tác cán bộ như: Kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền...
Sáng nay, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã xin vắng mặt tại buổi tiếp xúc cử tri ở TP.HCM vì bận chuẩn bị cho Hội nghị TƯ 7 sắp tới.
Đề án cải cách tiền lương sẽ tạo ra một mặt bằng mới, tất cả cán bộ, công chức, viên chức đều được tăng lương.
Một loạt bất cập trong chính sách tiền lương sẽ được giải quyết, như lương của một số thứ trưởng lại thấp hơn vụ trưởng.
Lãnh đạo và công chức, viên chức sẽ có 2 bảng lương khác nhau; lực lượng vũ trang có 3 bảng lương; lái xe, tạp vụ không hưởng lương công, viên chức.
Thu Hằng
Liên hệ quảng cáo: 0918 043 403 - toasoan@dnvnnews.com
Bản quyền của DOANH NHÂN VIỆT NAM