Doanh nhân Vũ Tiến Anh - Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ xử lý nước TA.
Thành phố Hà Nội đã dùng nhiều biện pháp nhằm mục đích làm sạch sông Tô Lịch như nạo vét bùn định kỳ hằng năm, thả bè thủy sinh, sử dụng chế phẩm Redoxy-3C hay mới đây nhất là thử nghiệm công nghệ Nano Bioreactor của Nhật Bản … nhưng đều chưa mang lại kết quả khả quan.
Chính vì thế, cam kết làm hồi sinh sông Tô Lịch vĩnh viễn trong vòng 6 tháng bằng công nghệ xử lý MET (Mechanical Energy Technologies) của doanh nhân Vũ Tiến Anh (SN 1982) - Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ xử lý nước TA mới đây đã khiến dư luận xôn xao.
Để giúp độc giả có cái nhìn tổng quát hơn về công nghệ xử lý MET cũng như cam kết mà doanh nhân trẻ này đưa ra, phóng viên đã có cuộc trò chuyện với anh Tiến Anh.
Doanh nhân Vũ Tiến Anh trao đổi với phóng viên về công nghệ MET.
Nhiều công nghệ đã và đang được thử nghiệm để làm sạch sông Tô Lịch nhưng đến nay vẫn chưa có hiệu quả rõ ràng. Vậy điều gì khiến anh nghĩ công nghệ MET có thể làm được điều này?
Sứ mệnh của chúng tôi là: “Hồi sinh lại những dòng sông bị ô nhiễm”.
Khi đưa ra cam kết hồi sinh sông Tô Lịch, tôi đã chắc chắn thành công bởi, công nghệ MET của chúng tôi xử lý nước thải ngay từ đầu nguồn tại các điểm cống xả thải chứ không phải xử lý dưới lòng sông, tức là nước khi được đưa ra sông đã sạch rồi.
Khi chặn từ đầu nguồn, không còn nước thải chảy ra sông nữa thì rõ ràng không có lý do nào khiến nước sông còn ô nhiễm. Theo tính toán của tôi, khi đã lắp đặt xong hệ thống, chỉ cần nửa năm nước sông có thể sạch.
Nếu được các cơ quan chức năng đồng ý, tôi sẽ tiến hành đặt các máy lọc trên bờ sông Tô Lịch, tại mỗi điểm cống xả thải sẽ được đặt 1 đến 2 máy tùy theo diện tích cống. Đây là công nghệ xử lý nước cơ học hoàn toàn dựa trên năng lượng tự máy sinh ra, không sử dụng điện, không tiêu tốn hóa chất, không sử dụng vi sinh.
Ưu điểm của nó là diện tích nhỏ gọn, phù hợp với các điều kiện diện tích nhỏ.
Công nghệ MET được anh sáng chế ra như thế nào?
Thú thực, công nghệ MET được hình thành từ ý tưởng của bố vợ tôi. Ngày trước, khi chuyển nhà từ Thái Nguyên về Thái Bình sinh sống, ông nhận thấy nước ở đó nhiễm sắt, tạp chất rất nhiều.
Sau đó, ông sử dụng biện pháp lọc nước bằng bể cát nhưng nước vẫn bẩn và không đỡ mùi tanh. Cuối cùng, ông nghĩ đến việc lọc nước bằng các ống sắt với hệ thống lọc được thiết kế giống như giàn mưa.
Khi biết đến ý tưởng của bố vợ, năm 2011, tôi đã rất thú vị và bắt đầu nghiên cứu, phát triển ra sản phẩm như ngày hôm nay. Đến năm 2012, sản phẩm đã được bán ra thị trường.
Anh Tiến Anh tự tin rằng, công nghệ MET do anh sáng chế ra có thể làm sạch sông Tô Lịch trong vòng 6 tháng.
Theo anh, để hồi sinh được dòng sông Tô Lịch trong vòng 6 tháng thì cần phải làm những gì?
Việc khó khăn nhất hiện nay là xin cấp phép từ thành phố và các ban, bộ, ngành. Nếu được chấp thuận, chúng tôi sẽ cho xây dựng, lắp đặt hệ thống dọc con sông, tại các điểm cống xả thải. Với ước tính 280 cống lớn và nhiều cống nhỏ, chúng tôi tính toán sẽ lắp đặt khoảng 7.500 máy.
Khi đã lắp đặt đầy đủ hệ thống thì chỉ khoảng 6 tháng nước sông sẽ trong vắt; còn nếu vừa lắp đặt hệ thống, vừa xử lý thì khoảng gần 1 năm sông Tô Lịch sẽ hồi sinh.
Tôi nhấn mạnh là công nghệ này được lắp đặt và xử lý ngay tại miệng các cống xả ra sông, vì vậy, nước khi đổ xuống sông đã là nước sạch.
Đối với quy hoạch truyền thống thì cần thu gom ngay từ đầu, sau đó mới xử lý nhưng nên nhớ ở đây là nước thải sinh hoạt đổ ra sông là xả tự phát. Thế nên, để quy hoạch lại toàn bộ sẽ mất rất nhiều tiền, chi phí vận hành tốn kém, cũng như thời gian lắp đặt lâu.
Còn đối với công nghệ MET, khi lắp tới đâu có thể xử lý tới đó, triển khai nhanh, không tốn chi phí thiết kế lại toàn bộ hạ tầng.
Nếu được yêu cầu thử nghiệm, tự chi trả kinh phí, anh có sẵn sàng thực hiện?
Tôi rất sẵn sàng làm thử nghiệm nếu được thành phố cho phép. Dự kiến, giai đoạn thử nghiệm sẽ lắp đặt 10 máy với chi phí khoảng 500 triệu đồng. Thời gian nhìn rõ sự thay đổi của dòng sông sẽ chỉ trong 6 tháng từ khi lắp đặt.
Thực chất, năm 2016, tôi cũng đã tự làm thử nghiệm ở sông Tô Lịch đoạn Cầu Mới (gần Ngã Tư Sở) và kết quả nước qua hệ thống xử lý MET rất trong, đạt chuẩn A – QCVN 14.
Trong thời gian tới, anh sẽ có đề xuất với thành phố Hà Nội để được làm thử nghiệm công nghệ MET?
Chắc chắn, trong tương lai gần, tôi sẽ có đề xuất với chính quyền thành phố và cao hơn là cấp Nhà nước để làm thử nghiệm trên sông Tô Lịch hoặc bất cứ con sông nào ô nhiễm bởi, hầu hết các con sông hiện tại đều đang chết dần như sông Tô Lịch.Tôi cũng mong, các cấp chính quyền sẽ xem xét, tạo cơ chế cho các doanh nghiệp xử lý các dòng sông ô nhiễm.
Liên hệ quảng cáo: 0918 043 403 - toasoan@dnvnnews.com
Bản quyền của DOANH NHÂN VIỆT NAM