Bộ Công an vừa công bố dự thảo Báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong dự án luật Cư trú (sửa đổi) để lấy ý kiến góp ý đến ngày 17/12.
Một mã số thay hàng ngàn thủ tục
Theo Bộ Công an, hiện nay, công dân khi đi giao dịch phải mang theo rất nhiều loại giấy tờ như CMND, sổ hộ khẩu, giấy chứng nhận kết hôn, giấy chứng nhận đăng ký quyền sử dụng đất, bằng lái xe…, thậm chí học sinh khi đi học phải có giấy khai sinh.
Bộ Công an thống kê hiện có khoảng 2.705 thủ tục hành chính có yêu cầu các thông tin cơ bản về công dân.
Trong 5.400 thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của các bộ, ngành, có khoảng 1.273 thủ tục hành chính yêu cầu khai thông tin, xuất trình bản chính hoặc nộp bản sao có chứng thực giấy tờ công dân.
Có khoảng 70 thủ tục hành chính yêu cầu xuất trình giấy khai sinh hoặc bản sao giấy khai sinh, khoảng 18 thủ tục hành chính yêu cầu giấy chứng nhận kết hôn hoặc bản sao giấy chứng nhận kết hôn.
Bộ Công an cho rằng, việc sử dụng mã số định danh cá nhân để quản lý dân cư sẽ mang lại những lợi ích thiết thực trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân, giảm những chi phí mà hiện nay người dân, DN đang phải chi trả.
Khi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được hoàn thành, công dân không cần mang theo các loại giấy tờ này, không phải công chứng, chứng thực mà chỉ mang theo thẻ căn cước công dân hoặc cung cấp mã số định danh cá nhân.
Theo tính toán sơ bộ của Bộ Công an, khi ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành chính sẽ giúp giảm chi phí khi thực hiện thủ tục hành chính cho người dân ước tính khoảng 1.600 tỷ đồng/năm.
Đầu tư 3.367 tỷ đồng
Việc quản lý cư dân thông qua mã số định danh cá nhân sẽ góp phần kết nối, chia sẻ thông tin về dân cư giữa các ngành, các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Theo đó, mã số định danh cá nhân được coi là chìa khóa để các cơ quan nhà nước kết nối, cập nhật tra cứu thông tin về công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ công tác quản lý ngành, lĩnh vực được giao quản lý.
Bộ Công an dẫn chứng BHXH Việt Nam hiện nay đang quản lý thông tin của khoảng 72% dân số cả nước. Nếu hoàn thiện xong hệ thống sẽ giảm chi phí trong quản lý về BHXH. Mỗi năm có khoảng 1 triệu trẻ em sinh ra, cơ quan BHXH phải chi trả khoảng 10 tỷ đồng để cấp thẻ bảo hiểm y tế. Nếu có số định danh cá nhân thì BHXH lấy số đó làm căn cứ để cấp luôn.
“Hiện nay, việc nhập dữ liệu mới phải trả 10.000 đồng/tờ khai. Nếu 30 triệu người phải cấp mới thì sẽ tiêu tốn khoảng 300 tỷ đồng, gây lãng phí rất lớn”, Bộ Công an phân tích.
Theo quyết định năm 2015 của Thủ tướng về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tổng mức đầu tư của dự án là 3.367 tỷ đồng.
Lộ trình đến năm 2020 là khả thi
Hiện nay, 15 trường thông tin cơ bản về công dân đang được cơ quan Công an tổ chức thu thập, cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Các bộ ngành liên quan đang khẩn trương triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao để bố trí vốn cho dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Việc tổ chức triển khai dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã hoàn thiện khung pháp lý. Chính phủ đã ban hành 17 nghị quyết chuyên đề liên quan đến việc này.
Đồng thời đã xây dựng hạ tầng Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư tại Hà Nội và TP.HCM; tổ chức cấp hơn 8 triệu số định danh cá nhân tại 16 tỉnh, TP trực thuộc TƯ thông qua công tác cấp căn cước công dân.
Ngoài ra bộ phối hợp với Bộ Tư pháp cấp hơn 900.000 số định danh cá nhân cho trẻ em mới sinh tại 18 địa phương; triển khai thí điểm thu thập thông tin dân cư tại Công an tỉnh Hà Nam, Hòa Bình và triển khai phần mềm cư trú tại Công an tỉnh Thừa Thiên Huế…
Bên cạnh đó, ngành Công an đang lưu trữ, khai thác, sử dụng có hiệu quả hệ thống tàng thư CMND với hơn 60 triệu người và hệ thống tàng thư hộ khẩu với hơn 80 triệu nhân khẩu.
Bộ Công an khẳng định việc triển khai đồng bộ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên toàn quốc theo lộ trình đến năm 2020 là khả thi.
Theo Vietnanet
Liên hệ quảng cáo: 0918 043 403 - toasoan@dnvnnews.com
Bản quyền của DOANH NHÂN VIỆT NAM